Đường dẫn truy cập

Ông Tô Lâm đến Trung Quốc cuối tuần này, dự kiến gặp ông Tập


Ông Tô Lâm tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba trong tư cách chủ tịch nước Việt nam tại Hà Nội ngày 11/6/2024. Ông Lâm sẽ công du Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách tổng bí thư kiêm chủ tịch nước cuối tuần này.
Ông Tô Lâm tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba trong tư cách chủ tịch nước Việt nam tại Hà Nội ngày 11/6/2024. Ông Lâm sẽ công du Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách tổng bí thư kiêm chủ tịch nước cuối tuần này.

Chính phủ Việt Nam và truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 15/8 cho biết ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, sẽ đến Trung Quốc vào ngày 18 trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông được bầu làm lãnh đạo Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam được báo Chính phủ đăng tải nói rằng ông Lâm cùng phu nhân sẽ đến thăm Trung Quốc từ 18 đến 20 tháng này theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm “khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại” và “tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.”

Một bản tin ngắn gọn của Tân Hoa Xã trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng ông Lâm sẽ thăm cấp nhà nước Trung Quốc trong thời gian này theo lời mời của ông Tập.

Ông Lê Hoài Trung, trưởng ban đối ngoại Trung ương, được báo Chính phủ trích lời nói với các phóng viên rằng đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Lâm trên cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam.

Ông Lâm được bầu làm người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 3/8 và trong cùng ngày, ông Tập đã gửi điện chúc mừng ông trên cương vị mới, thay thế ông Trọng người qua đời hôm 19/7.

Thông báo của người phát ngôn Trung Quốc không cho biết nghị trình dự kiến trong cuộc gặp của ông Lâm và ông Tập sẽ bàn thảo gì trong chuyến thăm này. Trong khi đó, theo báo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng trong khuôn khổ chuyến thăm, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ “trao đổi về các vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác với đối tác vừa là láng giềng, vừa là một nước xã hội chủ nghĩa và cũng là một nước lớn.”

Với chuyến thăm của ông Lâm, Việt Nam “mong muốn cùng với Trung Quốc thúc đẩy thực hiện thỏa thuận chung cấp cao,” đặc biệt là những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của ông Trọng tới Trung Quốc vào năm 2022 và chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam vào năm 2023, “theo tinh thần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược,” theo báo Chính phủ.

Nhận định về chuyến thăm sắp tới của ông Lâm tới Bắc Kinh, các chuyên gia Trung Quốc nói với South China Morning Post rằng quan hệ kinh tế dự kiến sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự, đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo sự hỗ trợ của Trung Quốc cho các dự án đường sắt của Việt Nam.

Cheng Hanping, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Đổi mới Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, nói với tờ báo có trụ sở ở Hong Kong rằng chuyến thăm của ông Lâm có khả năng cho thấy vai trò “gắn kết” của mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản cầm quyền.

“Bất kể thế giới thay đổi thế nào hay có những mâu thuẫn gì giữa Trung Quốc và Việt Nam, thì mối quan hệ giữa hai đảng ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn vững chắc và không thể lay chuyển,” ông Cheng nói.

Kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước vào tháng 5, ông Lâm đã nhắc lại với các quan chức Trung Quốc đến thăm Việt Nam, gần đây nhất là Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh vào ngày 25/7, rằng Hà Nội coi mối quan hệ với Bắc Kinh là “ưu tiên hàng đầu.”

Nhưng theo SCMP, một nhà quan sát cảnh báo rằng mối quan hệ giữa các đảng cộng sản cầm quyền có thể có giới hạn trong bối cảnh có các tranh chấp đang diễn ra trên Biển Đông và lịch sử xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Khi nói đến Biển Đông, lập trường của Việt Nam sẽ không thay đổi nhưng họ sẽ tìm cách tăng cường giao tiếp với Trung Quốc hoặc yêu cầu cả hai bên giảm các hoạt động liên quan của họ ở các khu vực tranh chấp,” Zhou Chao, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn độc lập Anbound có trụ sở ở Bắc Kinh, nói.

Chuyến thăm của ông Lâm diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng âm ỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc về các yêu sách chồng chéo của họ ở Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam cũng tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ – gồm Úc, Nhật Bản và Philippines – trong động thái được nhiều người xem là làm dấy lên sự tức giận của Trung Quốc.

Tuy nhiên, với việc tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao “cây tre”, Việt Nam dưới thời ông Lâm được cho là sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bằng cách chọn Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên của mình sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng, ông Lâm cũng đang đi theo con đường của người tiền nhiệm. Ông Trọng đã đi thăm Trung Quốc ngay khi vừa nhậm chức Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp năm 2021.

Ngoài việc gặp gỡ các “đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc,” ông Lâm còn dự kiến sẽ có những “hoạt động rất quan trọng đối với nhân dân và đại diện nhân dân Trung Quốc,” theo báo Chính phủ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG