Các biện pháp ủng hộ Ukraina, cô lập Nga của Tổng thống Obama
Các biện pháp ủng hộ Ukraina, cô lập Nga của Tổng thống Obama- Áp đặt các biện pháp chế tài đối với những người chịu trách nhiệm về việc phá hoại chính phủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.
- Mở rộng quy mô các biện pháp chế tài để bao gồm các giới chức Nga.
- Tiếp tục tham khảo ý kiến với các đối tác Châu Âu, những nước áp đặt các biện pháp chế tài của chính họ.
- Cảnh báo Nga rằng những hành vi khiêu khích liên tục tại Crimea sẽ đưa đến sự cô lập thêm nữa.
- Gởi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Châu Âu để gặp các đồng minh.
- Tổng thống Obama du hành Châu Âu để đàm phán vào tuần tới.
Tin tức về những hành động mới của ông Putin để sáp nhập Crimea đã được loan báo ngày hôm nay, một ngày sau khi ông ký một sắc lệnh để công nhận Crimea là “một quốc gia có chủ quyền và độc lập.”
Ông Putin ký sắc lệnh đó, bất chấp sữ chống đối của Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu, là những nước đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý của Crimea để tách khỏi Ukraina là bất hợp pháp.
Sau khi đưa ra nhiều lời cảnh báo, Washington và Brussels hôm thứ hai đã áp đặt các biện pháp chế tài đầu tiên nhắm vào các giới chức Nga vì sự hỗ trợ của những người đó đối với cuộc đầu phiếu ở Crimea
.
Các giới chức Crimea nói rằng kết quả kiểm phiếu cho thấy 97% cử tri đã bỏ phiếu tán thành việc tách khỏi Ukraina để độc lập.
Tuy nhiên, các giới chức cao cấp tại Tòa Bạch Ốc nói rằng họ có “những bằng chứng cụ thể” là một số lá phiếu đã được đánh dấu sẵn trước khi được phân phối tới các thành phố trước ngày đầu phiếu.
Chính phủ của Tổng thống Obama, Liên hiệp Châu Âu và nhiều chuyên gia luật học cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea vi phạm hiến pháp Ukraina và luật pháp quốc tế.
Hôm thứ hai, Tổng thống Barack Obama tuyên bố phong tỏa tài sản ở Mỹ của 7 giới chức Nga và 4 giới chức Ukraina đã hỗ trợ cho việc tách Crimea ra khỏi Ukraina. Ông cam kết là Hoa Kỳ sẽ dành cho Ukraina sự hậu thuẫn mà ông mô tả là “không thể lay chuyển” và cho biết có thể sẽ có thêm những biện pháp chế tài đối với Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm cho Nga hiểu rõ là những hành động gây hấn thêm nữa sẽ không đạt được kết quả nào ngoài việc làm cho Nga bị cô lập thêm nữa và làm suy yếu vị thế của họ trên thế giới. Cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục sát cánh với nhau để chống lại những hành vi vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, và sự can thiệp của Nga ở Ukraina chỉ làm cho Nga bị cô lập nhiều hơn trên trường ngoại giao và gây ra những sự tổn thương lớn hơn cho nền kinh tế của Nga."
Một giới chức Tòa Bạch Ốc cho báo chí biết rằng các giới chức Nga bị chế tài là “những thủ hạ thân tín” của Tổng thống Putin, còn bản thân ông Putin thì không phải gánh chịu những biện pháp trừng phạt nào.
Tổng thống Obama cho biết Phó Tổng thống Joe Biden sẽ lên đường đi Châu Âu để thảo luận với các nhà lãnh đạo NATO về tình hình Ukraina. Và theo lịch trình đã định, ông Obama sẽ đến Châu Âu vào tuần sau.
Trước đó trong ngày thứ hai, Liên hiệp Châu Âu công bố danh sách 21 giới chức Nga và Ukraina bị chế tài về du hành và thương mại.
Tại New York, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” đối với cuộc đầu phiếu ở Crimea hôm chủ nhật.
Một phát ngôn viên Liên hiệp quốc nói rằng ông Ban e rằng cuộc đầu phiếu này sẽ làm cho các mối căng thẳng giữa Kyiv và Moskova gia tăng thêm nữa.
Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniy Yatsenyuk hôm chủ nhật gọi cuộc đầu phiếu ở Crimea do Moscow hậu thuẫn là “một màn xiếc” được trình diễn dưới gọng súng của Nga.