Cách làm ăn quyết liệt, nhạy bén cùng một chút may mắn đã giúp ông Trần Quí Thanh xây dựng nên đế chế Tân Hiệp Phát, nhưng từ khi ông chuyển qua cho vay nặng lãi trên thị trường bất động sản thì xuất hiện nhiều lời ta thán cuối cùng dẫn đến việc ông và hai con gái bị bắt, một đối tác từng làm ăn nhiều năm với tập đoàn này cho VOA biết.
Ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, đều là phó tổng giám đốc tập đoàn, đã bị công an bắt hôm 10/4 để điều tra về hành vi ‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’ theo đơn tố cáo của người dân, báo chí trong nước đưa tin.
Tân Hiệp Phát là tập đoàn nước giải khát hàng đầu ở Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với các tên tuổi lớn của Mỹ như Pepsi Cola hay Coca Cola. Các sản phẩm của hãng này như nước tăng lực Number One, trà xanh 0 độ hay trà thảo mộc Dr Thanh có mặt đến từng ngõ hẻm trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Mỗi năm doanh nghiệp này có lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng, tương đương 129 triệu đô la Mỹ. Trong năm 2019, với 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của Tân Hiệp Phát gần bằng tổng lợi nhuận ở Việt Nam của Pepsi Cola và Coca Cola cộng lại (3.700 tỷ đồng), theo trang cafef.vn.
Còn xét về doanh thu, hồi năm 2018, ông Thanh cho biết Tân Hiệp Phát đạt doanh thu 500 triệu đô la/năm và hướng đến mốc 3 tỷ đô la đến năm 2030, theo trang VTC. Tập đoàn này tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 công nhân.
Cho vay nóng, siết tài sản
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện ẩn danh vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, ông K., một đối tác có nhiều năm hợp tác chặt chẽ với Tân Hiệp Phát, nói rõ những vi phạm mà cha con ông Thanh bị bắt hiện nay ‘không liên quan gì đến mảng kinh doanh nước giải khát’.
“Ông Thanh từ mấy chục năm nay đã đổ tiền vào bất động sản rồi. Ông mua đất để đó thôi chứ không làm dự án gì hết vì ông vẫn tập trung vào mảng nước giải khát,” ông K nói và cho biết đất của ông Thanh ‘bao la bạt ngàn, miếng nào miếng nấy to đùng’.
Giải thích lý do ông Trần Quý Thanh nhảy vào bất động sản, người đối tác này cho biết từ thành công trong mảng kinh doanh nước giải khát, ông Thanh có rất nhiều tiền mặt. Từ đó, ông và các con bỏ tiền ra mua đất. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản tìm đến ông để vay tiền vì họ gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng.
Ông Thanh cho vay nóng với lãi suất lên đến 3% một tháng. Doanh nghiệp nào cần đến 2.000-3.000 tỷ thì ông sẵn sàng cho vay ngay, nhưng với điều kiện ‘phải thế chấp dự án hay thế chấp công ty’, theo lời kể của ông K.
“Ông Thanh rất là khôn. Mỗi lần thế chấp là ông bắt đưa ra công chứng ký tên chuyển nhượng tài sản luôn. Nếu người vay đến hạn không trả nợ là ông siết luôn tài sản.”
“Thí dụ như tháng đầu người vay trả đủ, nhưng sang tháng thứ hai họ trễ hạn vài ngày thì ông Thanh sang tên luôn vì giấy tờ đã công chứng rồi. Ổng không cho người ta cơ hội đem tiền đến chuộc lại,” ông K. giải thích. “Nhiều người bị như vậy rồi nên người ta bức xúc người ta đi kiện thôi.”
Theo nhận xét của đối tác ẩn danh này thì ‘ông Thanh làm rất kỹ’ nên ‘về luật không có gì sai’, chỉ là ‘không có đạo đức’ khi dồn người ta đến đường cùng để lấy tài sản.
“Người ta trễ hẹn trả nợ, người ta sai nên đứng về pháp lý cha con ông Thanh có toàn quyền xử lý tài sản thế chấp, nhưng đó là toàn bộ gia sản của người ta, giá trị tài sản rất lớn, người ta lạy lục xin lại mà cha con ông Thanh không cho.”
Ông K. dẫn chứng một dự án cả ngàn hectare gần sân bay Long Thành của công ty Kim Oanh, một trong những nguyên đơn đứng ra tố cáo cha con ông Thanh, đã bị lấy mất sau khi ‘trễ hạn trả nợ chừng nửa tháng gì đó’ mặc cho người ta đến nhà ‘quỳ gối van xin’ nhưng cô Trần Uyên Phương không trả.
“Mà Kim Oanh vay 110 tỷ nhưng đến tay chỉ có 80 tỷ thôi, còn 30 tỷ trả tiền môi giới,” ông K. nói và cho biết nếu ai vay 1.000 tỷ thì ông Thanh chỉ đưa trước tầm 800-900 tỷ thôi, số còn lại ‘ông nói còn tiền cò, tiền môi giới các thứ nữa’.
Từ kinh nghiệm làm việc của mình, ông K. lưu ý ông Thanh ‘rất chặt chẽ về luật, không một chút sơ hở và không ai qua mặt được ông ấy đâu’.
“Ông ấy kỹ lắm, tính trước tính sau bao nhiêu nước cờ,” ông nói và cho biết mỗi khi có tranh chấp pháp lý với Tân Hiệp Phát, công ty ông ‘toàn thua’.
‘Bốn lần thắng lớn’
Người đối tác này nhận định vụ bắt giữ ba cha con ông Thanh ‘không gây sốc gì nhiều cho Tân Hiệp Phát’ vì ‘họ đã có thị trường ổn định rồi’ và sai phạm là ‘của riêng cha con ông Thanh, không dính đến tập đoàn’.
Ông K. làm việc với ông Thanh từ những ngày đầu khi Tân Hiệp Phát cho ra đời sản phẩm rà xanh 0 độ nên nắm rõ con đường đi lên của ông Thanh.
Theo lời ông kể thì ông Thanh tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư cơ khí. “Nhà ổng ở ngay Cầu Kiệu, đường Phan Đình Phùng, ba mẹ ổng có xưởng cơ khí ở đó nên ổng cũng tập tành làm bia các thứ,” ông nói.
Lúc đó ông Thanh biết hãng bia Sài Gòn rã một dây chuyền máy móc bia đóng chai của Pháp để lại để bán thanh lý nhưng ông mua không kịp. “Ông ấy mất mấy tháng đi tìm khắp các vựa ve chai mua lại hầu hết toàn bộ dây chuyền, rồi ông ấy tự một mình lắp lại toàn bộ. Dây chuyền chạy ổn, ông ấy bắt đầu đóng chai bia Bến Thành,” ông K. kể và cho biết bia Bến Thành bán chạy trên khắp các tỉnh miền Nam.
Thành công thứ hai của ông Thanh là nước tăng lực Number One, cũng theo ông K. Lúc ấy thị trường nước tăng lực chủ yếu là sản phẩm lon thiếc của Red Bull hay Lipovitan với giá thành 5.000-7.000 đồng một lon.
“Ông Thanh phát hiện ra một điều là giới tài xế uống nước tăng lực nhiều, mà bán giá đó họ đâu có mua uống nhiều được, nên ông làm ra nước tăng lực đóng chai thủy tinh chỉ có 2.000 đồng một chai thôi,” ông K. kể. “Ổng quảng cáo một phát bán sạch sành sanh.”
Sau khi thắng nước tăng lực, ông Thanh có tiền về Bình Dương xây cơ ngơi, mở nhà máy lớn như bây giờ và phát triển thêm các dòng sản phẩm khác, trong đó có trà xanh 0 độ, thành công thứ ba của ông.
“Lúc đó ổng hỏi tụi tôi là theo tụi bây tao nên bán chai 0 độ bao nhiêu? Ly trà đá khi đó 500 đồng, mọi người mới nói bán 3.000-3.500 đồng thôi. Vậy mà ổng nói ‘Tao bán 5.000’. Mọi người ai cũng phản đối, nói bán giá đó ai mà mua,” ông K. kể.
“Ai ngờ ổng tung trà xanh 0 độ ra ổng thắng lớn. Ổng lời biết bao nhiêu mà nói vì vốn mỗi chai có chừng 1.000 mà bán giá 5.000 đồng.”
Giải thích lý do ông Thanh thành công, ông K. nói ‘ổng truyền được thông điệp uống trà xanh 0 độ vô làm mát cơ thể, có lợi cho sức khỏe’.
“Khi đó thị trường chưa có trà xanh đóng chai, ổng ra thì ổng một mình một chợ bao phủ cả nước nên tăng trưởng khủng khiếp.”
Thành công thứ tư là trà thảo mộc Dr Thanh, đặt theo tên chính ông Thanh. Nguyên do là một lần ông Thanh đi Trung Quốc ‘sau khi uống thử trà thảo mộc của họ, ông đem về và đẻ ra Dr Thanh’. “Ổng bịa ra thảo mộc cung đình này nọ nhưng đâu có đâu. Vấn đề là thị trường họ tin nên ổng thắng thêm cú đó nữa,” ông K. kể.
Nhưng sau trà thảo mộc Dr Thanh đến nay thì ông Thanh ‘không thắng thêm cú nào nữa’, cũng theo lời người đối tác này nhưng ông cho biết với những sản phẩm chủ lực đó, mỗi năm Tân Hiệp Phát có mức lợi nhuận đến 30% doanh thu mà thường doanh nghiệp ‘chỉ mong lời được 5-10% là mừng’.
“Ông Thanh từng tâm sự là nếu ngày xưa có người cướp của của người giàu chia cho người nghèo, thì ngày nay ‘tao lấy của người nghèo tao làm giàu’,” ông K. kể lại lời ông Thanh.
Về tai tiếng ‘con ruồi’ bị cáo buộc là tìm thấy trong chai nước tăng lực Number One của Tân Hiệp Phát hồi năm 2015 khiến người tố cáo phải chịu mức án 7 năm tù về tội ‘Cưỡng đoạt tài sản’, anh K. thuật lại lời ông Thanh khi đó là: “Tao đâu có muốn nó đi tù chi.” và cho rằng ông Thanh làm cú đó là ‘đánh một trận để dẹp loạn’.
“Hồi đó mỗi ngày ông Thanh nhận hàng trăm cuộc gọi tống tiền trong nhiều năm liên tục,” ông K. kể và cho biết lúc đó có một đội ngũ ‘các nhà báo bẩn chuyên soi mói sơ hở của các doanh nghiệp lớn, không chỉ Tân Hiệp Phát, rồi ‘bắt doanh nghiệp cúng tiền cho họ sống’.
“Khi đó ông nói thôi, ta sẽ đánh một trận. Ổng đi rào trước hết với các cơ quan nhà nước,” ông K. kể. “Ổng đánh xong trận đó là im hết, tắt đài hết luôn, không thằng nào dám xớ rớ nữa.”
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn