Đường dẫn truy cập

Omicron tung hoành, thế giới vượt mốc 400 triệu ca COVID


Biến thể virus corona COVID-19 Omicron.
Biến thể virus corona COVID-19 Omicron.

Số ca nhiễm COVID toàn cầu vượt quá 400 triệu hôm 9/2, theo Reuters, giữa lúc biến thể Omicron hoành hành khiến hệ thống y tế của một số nước sắp hết khả năng.

Đại đa số các ca mới được báo cáo hàng ngày là nhiễm phải biến thể Omicron vốn đang chiếm ưu thế toàn cầu. Dù dịch bắt đầu bình ổn tại nhiều nước, nhưng trung bình mỗi ngày vẫn có hơn 2 triệu ca được báo cáo, theo phân tích của Reuters. Số người chết, thường có khuynh hướng theo sau các ca nhiễm, đã tăng 70% trong năm tuần qua dựa trên con số trung bình 7 ngày.

Dù bằng chứng sơ khởi từ một số nước cho thấy Omicron nhẹ hơn các biến thể trước nhưng một lượng ca nhiễm khổng lồ có thể làm các hệ thống y tế toàn cầu quá tải.

Từ 300 triệu ca lên 400 triệu ca chỉ mất hơn một tháng trong khi từ 200 triệu ca trước đây phải mất năm tháng mới tăng lên thành 300 triệu, theo Reuters. Đại dịch COVID tới nay đã giết chết trên 6 triệu người trên toàn cầu.

Năm nước hàng đầu báo các số ca nhiễm cao nhất trong trung bình bảy ngày là Mỹ, Pháp, Đức, Nga, và Brazil. Năm nước này chiếm gần 37% số ca nhiễm mới ghi nhận trên toàn thế giới, theo Reuters.

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm hàng ngày, cứ ba ngày là có một triệu ca mới ghi nhận. Số ca nhiễm và nhập viện tại Mỹ đang giảm từ cao điểm vào tháng Giêng năm nay, theo phân tích của Reuters. Hôm 4/2, Mỹ vượt quá 900.000 người chết vì COVID.

Tại Pháp, số ca nhiễm mới trung bình trong bảy ngày ở mức 210.000 ca/ngày, cứ năm ngày có thêm khoảng một triệu ca nhiễm mới. Tổng số ca COVID được xác nhận tại Pháp kể từ khi đại dịch bắt đầu tới ngày 3/2 vừa qua đã quá 20 triệu.

Khoảng một nửa số ca nhiễm được báo cáo toàn cầu là từ các nước châu Âu, với 21 nước vẫn còn trên đỉnh điểm của đường cong lây nhiễm. Khu vực này ghi nhận trên 131 triệu ca nhiễm và hơn 2 triệu người chết vì COVID kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Dù châu Âu gần như mỗi ngày ghi nhận thêm một triệu ca mới nhưng một số nước đã dần dần gỡ bỏ những hạn chế trong lúc các ổ dịch trong cộng đồng giảm dần. Tây Ban Nha đã bỏ quy định khẩu trang khi đi ra ngoài trong lúc lây nhiễm giảm dần trong nước. Hôm 7/2, Hy Lạp bắt đầu cho phép nhập cảnh du khách có hộ chiếu vaccine châu Âu mà không cần xuất trình xét nghiệm COVID âm tính.

Hôm 4/2, số người chết vì COVID tại Ấn Độ vượt mức 500.000, cột mốc mà các chuyên gia y tế tin là đã vượt qua từ năm ngoái nhưng không được ghi nhận chính thức do các cuộc thăm dò không chính xác và số người chết không được kiểm đếm đầy đủ. Có khoảng 3 triệu người chết vì COVID tại Ấn Độ tính tới giữa năm 2021, theo một cuộc nghiên cứu được công bố trong tạp chí Science dựa trên ba nguồn dữ liệu khác nhau.

Phiên bản phổ biến nhất của biến thể Omicron (BA.1) chiếm khoảng 98.8% các ca được phân tích gen nộp vào kho dữ liệu công cộng theo dõi virus mang tên GISAID, tính đến ngày 25/1. Tuy nhiên một vài nước báo cáo các đợt tăng gần đây của phiên bản mới BA.2, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Gần 62% dân số thế giới đã nhận được ít nhất một liều vaccine COVID, trong khi chỉ có 11% dân số các nước có thu nhập thấp được chích ít nhất một liều vaccine, theo thống kê từ trang mạng theo dõi dữ liệu Our World in Data.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG