Một ngày đầu tháng 10 ở Little Saigon trôi qua trong nhịp sinh hoạt đều đặn của những cư dân người Việt. Những người phụ nữ thong thả xách đồ bước ra từ những siêu thị trong khi những nhóm người đàn ông tụ tập tán gẫu ngoài hàng hiên của những quán cà phê.
Những cơ sở kinh doanh và văn phòng phục vụ người Việt nhan nhản khắp nơi, nép mình dưới những hàng cây cọ cao vút in bóng trên nền trời xanh ngắt. Nắng ấm nhuộm vàng những con đường thênh thang nối liền những khu mua sắm và khu dân cư.
Tại những giao lộ đông đúc, những tấm bảng vận động tranh cử chen chúc nhau kêu gọi cử tri bỏ phiếu trong đợt bầu cử tháng 11 sắp tới, với hầu hết là các ứng cử viên gốc Việt chạy đua vào những chức vụ công cử địa phương.
Nhưng các cuộc vận động bầu cử quyết liệt hơn đang diễn ra tại các địa hạt Quốc hội, nơi mà các ứng cử viên tranh ghế dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ đang ra sức giữ ghế hoặc đoạt ghế của đối thủ tại một trong những quận đông dân nhất của Mỹ ở nam California.
Lá phiếu của cử tri gốc Việt được cho là có thể định đoạt thắng bại trong những cuộc đua sít sao.
Nằm sát thành phố Los Angeles về phía nam, Quận Orange - quen gọi trong tiếng Việt là Quận Cam - là nơi có số lượng người Việt tập trung đông nhất ở Mỹ và ở ngoài Việt Nam với khoảng 200.000 người, theo thống kê của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010.
Phần lớn đến đây như những người tị nạn sau năm 1975, họ sinh sống và lập nghiệp trong một cụm những thành phố kế cận tạo thành một cộng đồng sắc dân được biết đến với cái tên Little Saigon. Họ nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới và trong những năm gần đây đã trở thành một thế lực chính trị đáng kể trên chính trường địa phương, với phần lớn cử tri gốc Việt đăng kí theo Đảng Cộng hòa và thường bỏ phiếu cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa.
Nhưng những ngọn gió chính trị đang đổi chiều ở Quận Cam, nơi vốn là lãnh địa truyền thống của đảng này, khi các sắc dân trở nên đa dạng hơn và những cử tri thế hệ trẻ hơn bớt bảo thủ hơn. Năm 2016, Quận Cam lần đầu tiên bỏ phiếu cho ứng cứ viên tổng thống Đảng Dân chủ kể từ thời kì Đại Suy thoái trong những năm 1930.
Môi trường chính trị càng trở nên bất lợi cho phe Cộng hòa ở đây khi làn sóng chống đối Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sục sôi không dứt ở California, bang đông dân nhất và có nền kinh tế lớn nhất và là một trong những bang thiên tả nhất của Mỹ.
Các ứng cử viên Cộng hòa Quận Cam, đặc biệt là những người tranh ghế Quốc hội, đang đối mặt với thách thức to lớn từ các ứng cử viên Dân chủ, và cả hai đảng đều đang ráo riết nhắm mục tiêu vào khối cử tri người Việt. Phe Cộng hòa rõ ràng muốn vận động cơ sở ủng hộ truyền thống của mình bỏ phiếu đông đảo trong khi phe Dân chủ nhìn thấy cơ hội xén bớt phần nào sự ủng hộ đó trong những cuộc đua sít sao.
Điển hình là Địa hạt Quốc hội 48 của California, một trong những nơi cử tri người Việt tập trung đông nhất. Ứng cử viên Dân chủ Harley Rouda đang đối đầu quyết liệt với đối thủ Cộng hòa là Dân biểu Hoa Kỳ Dana Rohrabacher, người mà ban vận động Rouda nói không còn là đại diện thích hợp cho cử tri người Việt nữa.
“Có thể nói là cộng đồng Việt Nam hầu như bị [Rohrabacher] bỏ lơ luôn,” Mai Hữu Bảo, tư vấn viên chính trị của ông Rouda, nói với phóng viên VOA trong một lần gặp gỡ tại thành phố Garden Grove vào đầu tháng 10. “Ông ấy chỉ xuất hiện để tranh cử năm đầu tiên cách đây 30 năm về trước, sau đó hầu như không thấy xuất hiện nữa.”
Ông Rouda hứa sẽ mở văn phòng ở Quận Cam và thuê nhân viên người Việt nếu ông đắc cử, ông Bảo cho biết.
Từng theo Đảng Cộng hòa nhưng giờ đổi sang Đảng Dân chủ, ông Rouda gần đây đã có những buổi tiếp xúc với các tờ báo tiếng Việt ở Little Saigon để quảng bá chủ trương tranh cử và trả lời câu hỏi. Cuộc đua của ông ở Địa hạt Quốc hội 48 hiện được đánh giá là cạnh tranh sít sao “năm ăn năm thua,” theo The Cook Political Report, một trang tin độc lập và phi đảng phái chuyên phân tích tình hình tranh cử.
Ông Bảo, người nói rằng ông đăng kí theo Đảng Cộng hòa nhưng lâu nay vẫn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, đưa VOA xem những số liệu mà chiến dịch tranh cử của ông Rouda thu thập cho thấy có 42.400 cử tri người Việt tại Địa hạt Quốc hội 48, bao gồm 11.500 người theo Đảng Cộng hòa, 9.400 người theo Đảng Dân chủ và hơn một chục ngàn người không đảng phái. Ông nói ứng cử viên của ông chỉ cần giành được phân nửa số phiếu quyết định trong tổng số cử tri người Việt là có thể giành chiến thắng.
“Tôi khá tin tưởng chúng tôi sẽ lật được địa hạt này,” ông Bảo nói bằng tiếng Anh, dùng một thuật ngữ bầu cử chỉ việc một đảng chiếm lấy quyền kiểm soát từ đảng khác.
VOA không thể liên lạc được với ban vận động tranh cử của Dân biểu Rohrabacher để xin bình luận.
Trong một tín hiệu đáng lo ngại cho các ứng cử viên Cộng hòa Quận Cam lâm nguy, một tổ chức lớn chuyên “bơm” tiền để hỗ trợ các ứng cử viên Cộng hòa, có liên kết chặt chẽ với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, đã quyết định bỏ qua ông Rohrabacher và Dân biểu Hoa Kỳ Mimi Walters ở Địa hạt Quốc hội 45 khi loan báo chi tiền đăng quảng cáo truyền hình cho các ứng cử viên Cộng hòa đang cạnh tranh quyết liệt ở nam California, báo The Los Angeles Times đưa tin, ngay lúc chiến dịch vận động tranh cử đang ở thời điểm hệ trọng để xoay chuyển tình thế.
Ba thành trì Cộng hòa ở Quận Cam - Địa hạt Quốc hội 39, 45 và 48 - đang lung lay trước đợt sóng thần của phe Dân chủ đang hừng hực khí thế và ngập tiền vận động tranh cử. Chiến thắng ở những nơi này được xem là trọng yếu trong chiến dịch toàn quốc của họ nhằm giành lại Hạ viện từ tay phe Cộng hòa, vốn là mục tiêu hàng đầu trong nỗ lực của đảng này ngăn chặn chủ trương của ông Trump.
Nhưng nỗ lực “lật” ba địa hạt này có thể gặp phải trở ngại từ chính khối cử tri người Việt. Trong những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên của phóng viên VOA với một số cử tri ở Little Saigon, tất cả đều nói rằng họ dự định sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa và xem cuộc bầu cử sắp tới là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tổng thống.
“Tôi thấy ổng làm tốt,” ông Bùi Tuyên, 75 tuổi, nói trong khi ngồi tán gẫu với một nhóm bạn trong trung tâm mua sắm Phước Lộc Thọ ở thành phố Westminster.
Cựu trung úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa này cho biết ông đăng kí theo Đảng Cộng hòa nhưng bỏ phiếu cho bà Clinton vào năm 2016 vì ông Trump không phải là chính trị gia. Nhưng sau gần hai năm dưới sự lãnh đạo của ông Trump, ông Tuyên nhìn thấy một nền kinh tế “hưng phấn” và một nước Mỹ được nể trọng hơn trên trường quốc tế.
Ông Tuyên nói giờ ông sẽ không ủng hộ ứng cử viên nào có lập trường “xìu xìu ển ển,” dù ông nói sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ Dianne Feinstein, 84 tuổi, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đương chức của California hiện đang tái tranh cử nhiệm kì thứ sáu.
Đứng chọn trái cây trong Chợ Hòa Bình ở Garden Grove, bà Nguyễn Bích Vân nói kinh tế là vấn đề quan tâm hàng đầu của bà trong cuộc bầu cử sắp tới. Bà hài lòng với tình hình kinh tế hiện thời và bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Trump.
Dù chưa biết bỏ phiếu cho ai vì chưa tìm hiểu rõ lập trường của các ứng cử viên, bà Vân nói bà có ý định bỏ phiếu vào tháng 11 này như đã từng làm trong những kì bầu cử trước khi bà bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa.
“Mỗi lá phiếu là một viên gạch,” bà nói.
Những viên gạch giúp xây dựng tòa nhà dân chủ của quốc gia cũng góp phần củng cố nền móng tại địa phương, trong khi 24 ứng cử viên gốc Việt hiện đang tranh cử hoặc tái tranh cử ở Quận Cam cho nhiều vị trí từ đặc khu thủy cục cho đến hội đồng thành phố và lên tới thượng viện cấp bang, theo một danh sách thống kê của nhật báo Người Việt tại Westminster. Đó là con số người Việt ứng cử nhiều nhất từ trước tới nay ở Quận Cam, báo này nhận định.
Tại Little Saigon, Janet Nguyễn là cái tên mà có lẽ nhiều người Việt nhanh chóng nhận ra nhất. Nữ chính trị gia 42 tuổi theo Đảng Cộng hòa hiện đang tái tranh cử nhiệm kì thứ hai cho chức thượng nghị sĩ cấp bang đại diện một địa hạt bao gồm Little Saigon. Bà là người gốc Việt đầu tiên ở Mỹ trở thành thượng nghị sĩ cấp bang khi đắc cử vào năm 2014.
Một trong thành tích to lớn giúp bà ghi điểm với cộng đồng người Việt là luật quy định các trường học đưa lịch sử người Việt tị nạn vào chương trình giảng dạy học sinh ở California mà giờ đã được thống đốc kí ban hành. Đầu năm 2017, bà chỉ trích trên sàn thượng viện một thượng nghị sĩ cấp bang quá cố của phe Dân chủ mà bà cáo buộc đứng về phía cộng sản, một hành động khiến bà bị đưa khỏi nghị trường nhưng nhận được sự bênh vực mạnh mẽ từ những nghị sĩ đồng đảng và đồng hương người Việt.
Trong video vận động tranh cử, bà nêu bật bản sắc của mình là một thuyền nhân tị nạn vươn lên trở thành một nhà lãnh đạo luôn gắn bó với cộng đồng và là tiếng nói chống lại những thế lực muốn buộc họ im tiếng. Những thông điệp này có phần chắc sẽ khơi lên thiện cảm và củng cố sự ủng hộ dành cho bà trong khối cử tri người Việt bất kể đảng phái.
Ban vận động của bà không hồi đáp yêu cầu của VOA phỏng vấn bà về chiến lược vận động cử tri người Việt. Nhưng những người Việt mà VOA gặp gỡ ở Little Saigon cho biết họ đã sớm quyết định bỏ phiếu cho bà.
Trong Viện Y Dược chuyên về châm cứu và đông y ở Garden Grove, bác sĩ Nguyễn Quang Hiện than phiền về sự phân chia phe đảng trong chính trường Little Saigon trong khi ngày càng nhiều ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử.
“Mình sẽ nhìn và bầu cho ứng cử viên Cộng hòa,” ông nói, nêu ra trường hợp bà Janet Nguyễn là một điển hình cho việc chính trị gia gốc Việt “thực sự giúp cho cộng đồng Việt Nam.”
Nhưng ông cho biết vấn đề ông quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử này là Trung Quốc, nước mà ông cáo buộc là “nhờ Mỹ mà lên nhưng bây giờ trở mặt.” Ông tỏ rõ sự bất bình với điều mà ông xem là nước này dùng vũ lực với các nước láng giềng gần và dùng tiền để mua chuộc các nước ở xa.
“Chắc chắn là phải đánh,” ông nói, nhắc tới những hành động cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, thậm chí cổ súy một hành động quân sự.
Thái độ bài Trung Quốc hiện rõ nơi những người Việt mà VOA tiếp xúc ở Little Saigon, dù ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên những hành động cứng rắn của Mỹ nhắm vào Trung Quốc khiến ít nhất một cử tri lo ngại.
“Nếu đánh mạnh quá nó giãy chết nó phản lại mình thì mình cũng mệt,” ông Phạm Tuấn, 69 tuổi, nói tại nhà riêng của ông ở Santa Ana. “Tùy theo thời điểm thôi chứ cũng đừng nên dồn người ta vào chân tường quá.”
Khi được hỏi về những lựa chọn của ông trong kì bầu cử sắp tới, cựu thiếu úy Không quân Việt Nam Cộng Hòa này nói ông sẽ cân nhắc tất cả các ứng cử viên và sẽ bỏ phiếu cho những chính trị gia đang tái tranh cử mà “làm được việc” và không dính tai tiếng.
Nhưng Tổng thống Trump, một chính trị gia không có tên trên lá phiếu, là người ông Tuấn nghĩ tới khi đưa ra quyết định của mình vào tháng 11 này.
Khó chịu về điều mà ông xem là truyền thông dòng chính “toàn nói xấu” ông Trump mà không ghi nhận những điều tích cực ông đã làm, ông Tuấn xem cuộc bầu cử này là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tổng thống.
Ông dự định bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa.