Lâu ngày gặp lại người bạn văn, chưa kịp hỏi han nhau về sức khoẻ, đời sống, viết lách, có tác phẩm nào vừa mới ra mắt độc giả không, anh đã cho tôi cái tin làm tôi khá chưng hửng. Anh bảo tôi anh đang chuẩn bị về sống nốt quãng đời còn lại tại quê hương. Mọi chuyện suôn sẻ và chỉ vài hôm nữa anh lên đường. Anh cũng bảo tôi chỉ có cách đó anh mới tiếp tục viết được, anh thấy đời sống ở nước ngoài càng ngày càng mất ý nghĩa, càng vô vị đối với anh, anh không còn thấy điều gì ràng buộc anh ở ngoài này nữa. Nói chung, anh đã chán cuộc sống xa xứ sau gần ba mươi lăm năm và ở tuổi sắp về chiều anh muốn quay về cố hương, bản quán. Tôi tỏ ý vui mừng cho anh và bên tách cà phê tôi ngồi nghe anh nói về những hoạnh định cho tương lai của anh khi trở về quê mẹ.
Ở hay về? Đó là câu hỏi ít nhiều vẫn quay quắt trong tâm trí nhiều người chứ không riêng gì tôi. Tình cảm nhớ thương đau đáu của con người đối với nơi chốn mình sinh ra bao giờ cũng sâu đậm, khôn quên. Thời gian, không gian nào cũng thế. Như loài cá hồi, cá trích, khi sinh sống có thể bơi lội nhẩn nha kiếm ăn giữa biển khơi ngoài nghìn dặm, nhưng khi hạn kì đến thì bằng mọi cách và mọi giá, bất chấp gian nan, dù là lao vào chỗ chết, vẫn vượt trùng dương để về lại thượng nguồn nước ngọt nơi chúng sinh ra. Hơn nữa, chuyện hội nhập vào một xã hội Hậu Kĩ nghệ, hằng ngày va chạm với máy móc nhiều hơn là con người, là điều khó xảy ra một cách toàn vẹn đối với nhiều trí thức thấm đẫm dòng suối mẹ ngọt ngào của văn hoá quê hương, một nền văn hoá có truyền thống lâu đời với tất cả những cái đẹp thâm thuý, sâu sắc của nó. Ý thức trở về không hẳn chỉ bị vây hãm, bó rọ giữa những sự việc tủn mủn, vặt vãnh của đời sống. Nó là thái độ của con người đi tìm lại lai lịch, bản nguyên của chính mình (dù con người đó đã mấp mé ở ngưỡng cửa “thất thập cổ lai hi” như anh bạn văn vong niên của tôi).
Lẽ đương nhiên, tôi tôn trọng quyết định của anh bạn tôi. Đấy là quyền của anh. Với anh, nó là chính đáng, nó có những lí do của riêng nó. Có thể sẽ có những quá âm chính trị dấy lên ồn ào quanh việc anh trở về bởi anh là nhà văn tăm tiếng trong cộng đồng, nhưng quá âm chính trị, như mọi câu chuyện thời sự khác, có tính nhất thời; nó đến, gây kinh động ồn ào rồi âm thầm lặng lẽ cuốn gói biến đi; tác phẩm để lại mới là điều quan trọng lâu dài, nó là lí do tồn tại, raison d'être, đối với nhà văn. Nhưng cũng có thể chẳng có gì xảy ra bởi người ta đã nói hết hơi sau việc trở về của nhạc sĩ Phạm Duy cách đây ít lâu. Nói cho cùng, chuyện trở về nước sinh sống bây giờ xảy ra “hà rầm”, thậm chí, bà vợ cũ nổi tiếng của một cựu Phó Tổng thống cũng về mở tiệm phở kinh doanh kiếm tiền. Để kiếm sống, người cạy cục xin đi, kẻ tất tả chạy về. Trong thế giới ngày càng thu nhỏ, co cụm, tất cả chẳng có gì đáng nói, và chẳng ai có thể nhân danh lí tưởng này nọ hoặc những điều cao cả, thậm chí đạo lí, để lên án người thực tâm muốn trở về với thiện ý bao dung, nhân ái.
Điều đáng nói là câu hỏi: Việc trở về của một nhà văn tác động gì lên ý thức và thái độ hắn trong văn chương? Liệu hắn sẽ là người viết khác khi hắn trở về bản quán nơi hắn sinh ra sau thời gian dài sinh sống ở nước ngoài? Môi trường sinh sống; thổ ngơi chính trị; động hình xã hội; nhận thức chủ quan đối với người và việc; cảm quan và khí hậu nghệ thuật nói chung vốn ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ lên cảm nhận và thái độ tiếp nhận của người đọc; quy luật kinh tế thành văn cũng như bất thành văn; sự tự do của ngòi bút do áp lực chính trị lẫn kinh tế; và có lẽ quan trọng hơn cả, hắn có cảm thấy hắn vẫn là kẻ lạ ngay trên chính quê hương mình hay không. Tất cả là những yếu tố khách quan lẫn chủ quan định đoạt cho sự thành bại trong việc trở về.
Xem ra sự trở về của nhà văn—khác với sự trở về để mở tiệm phở—là khá phức tạp, ngoại trừ trường hợp nhà văn về cũng để mở tiệm phở cạnh tranh với cựu Phó Tổng thống phu nhân.
Ngày nay có khá nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam trở về, nhưng tôi không rõ họ hài lòng hay thất vọng với quyết định ấy của mình, một quyết định mà tôi nghĩ không dễ dàng chút nào, bởi ngay cả nhiều nhà văn thành danh trên thế giới, sau một thời gian dài sống lưu vong, khi điều kiện trên quê cũ đổi khác theo chiều hướng thuận lợi, vẫn thường gặp ít nhiều khó khăn trong quyết định trở về.
Nếu cần, tôi có thể đưa ra dăm ba trường hợp các nhà văn này.
Trước hết phải kể đến Aleksandr Solzhenitsyn. Năm 1974 ông bị nhà nước Xô-viết tước bỏ quốc tịch Nga và trục xuất ra khỏi nước, nhưng sau gần hai thập kỉ sống ở nước ngoài (phần lớn trên một sơn trại thuộc bang Vermont, nước Mĩ), ông trở về. Ít ai ngạc nhiên hoặc thắc mắc chuyện ông trở về. Ông là người nặng lòng với quê hương và dân tộc. Sau khi chế độ Cộng sản Xô-viết sụp đổ, ông không có lí do gì không trở về. Hơn nữa, ông chán ghét cuộc sống Tây phương. Cánh hữu dùng ông như công cụ tuyên truyền cho chủ thuyết chống Cộng của họ; còn cánh tả thì lên án ông là người có tinh thần quốc gia cực đoan và nệ giáo (Chính Thống Nga). Văn hoá Tây phương vốn nghiêng nặng về mặt đại chúng, mang nhiều sắc thái tiêu thụ, cũng khiến ông cảm thấy bức bối, xa cách. Sau khi hồi hương, mặc dù được mọi người, kể cả Tổng thống Vladimir Putin, kính nể và trọng vọng, ông vẫn có cảm tưởng là kẻ đứng ngoài cuộc. Ông cho đăng vài truyện ngắn trên báo chí nhưng giới trẻ đã có con đường đi của họ và họ xếp ông lại như món đồ cổ đem trưng bày trong bảo tàng viện. Kì thực, trước đấy, ông đã làm tròn sứ mệnh và nhiệm vụ cực kì khó khăn của một nhà văn sống giữa kỉ nguyên của bạo lực điên khùng, với quê hương ông và với cả thế giới. Việc ông trở về giống như đoạn kết có hậu của vở bi kịch dài và đã nói hết những điều cần nói.
Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là nhà viết tiểu thuyết người Tiệp Milan Kundera. Bảy năm sau biến cố “Mùa Xuân Praha” năm 1968, ông chọn cuộc sống lưu vong ở Pháp. Sau cuộc “Cách Mạng Nhung”—một cuộc cách mạng lãnh đạo bởi giới văn nghệ sĩ và trí thức Tiệp mà người lên làm Tổng thống sau đó chính là bạn thân của ông, nhà viết kịch Václav Havel—thể chế dân chủ tái lập trên quê hương ông, nhưng ông không trở về sống hẳn trong nước mà chỉ về thăm viếng như người khách. Dân Tiệp (tương tự dân Việt mình) xem nhà văn là kẻ sĩ của thời đại. Họ ngước lên nhìn nhà văn như ngọn đuốc soi đường. Trong mắt họ nhà văn là lương tâm dân tộc, là chứng nhân của Lịch sử, là kĩ sư tâm hồn, trong khi ông đặt trọng tâm của tiểu thuyết vào tính nghệ thuật khai phá theo con đường kế thừa chung của tiểu thuyết châu Âu từ thời Rabelais, Cervantes… Ông xem Lịch sử chỉ như tấm phông cho tiểu thuyết. Câu nói nổi tiếng của ông, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia” có lẽ nói lên điều này rõ rệt nhất. Bởi thế ông không có độc giả trong nước. Đó là điều nghịch lí khá oái oăm cho một nhà văn: được cả thế giới hâm mộ nhưng chính dân tộc mình thì quay lưng lại. Thờ ơ. Quên lãng. Thậm chí có kẻ không xem ông là người Tiệp. Tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, cuốn Đời nhẹ khôn kham, mãi đến năm 2006 mới thấy xuất bản ở Cộng hoà Czech trong khi cả thế giới đã đọc từ lâu. Ngày nay độc giả của Kundera là thế giới chứ không phải người Tiệp. Và mặc dù không ai có thể nghi ngờ lòng ái quốc của ông, tôi nghĩ đấy là lí do chính khiến ông thấy không cần thiết phải trở về.
“Hình phạt bi thảm nhất cho người cầm bút là phải sống lưu vong.” Nhà thơ lừng lẫy của nước Nga Yevgeny Yevtushenko có lần bảo thế. Ông ví người cầm bút sống ngoài quê hương mình như kẻ đánh đu trên cao mà không có lưới đỡ bên dưới. Cái lưới bảo hiểm ấy chính là đất nước, xóm làng, sông biển, núi đồi nơi mình sinh trưởng và những con người cùng chủng tộc, ngôn ngữ, tập quán, văn hoá chung quanh. Yevtushenko là một trong những nhà nhà thơ kì vĩ nhất của văn học Nga vào nửa sau thế kỉ XX. Ông nổi tiếng nhờ những bài thơ đầy chất “lửa”, như bài Babi Yar viết dưới thời Xô-viết. Thơ ông đi sâu vào đại chúng Nga bởi nó có tính trình diễn, dễ tác động lòng người, gây cảm xúc mạnh lên một dân tộc yêu chuộng thơ ca. Nhưng khác với những nhà văn, nhà thơ phản kháng khác thời đó (như Joseph Brodsky), ông không chọn đời sống lưu vong. Tuy vậy, sau khi chế độ Xô-viết sụp đổ toàn diện thì người ta thấy ông dọn nhà sang bang Oklahoma, Mĩ quốc, nhận một chân dạy học nhàn nhã tại đó. Tại sao? Xã hội Nga hậu Cộng sản hết thử thách và hứng khởi cho ông làm thơ rồi chăng? Chẳng lẽ nhà thơ chỉ sáng tác được khi chính mắt chứng kiến bạo lực và bất công? Hay ông nhận thấy mình đã hoàn tất nhiệm vụ của một nhà thơ và ông lặng lẽ rút lui khỏi khán trường? Từ lâu, tôi không theo dõi nhà thơ này nữa nên nhận định của tôi có lẽ là không đúng đắn. Nhưng, cũng từ lâu, người ta không ngớt thắc mắc, đúng hơn, tranh cãi kịch liệt về con người cũng như thái độ sống của ông.
Người thứ tư tôi nghĩ đến là Cao Hành Kiện. Từ năm 1988 cho đến ngày nay, ông sống lưu vong ở Pháp quốc. Ông là nhà văn đầu tiên của Trung quốc được trao tặng giải Nobel văn chương (năm 2000), một vinh dự không nhỏ cho nền văn học Trung văn đương đại. Thế nhưng, nhà nước Trung quốc trước sau duy trì thái độ thù nghịch đối với ông. Báo chí Hoa lục gọi ông là một nhà văn dở tệ và không tiếc lời bỉ báng chuyện ông được giải Nobel. Không cần nói nhiều, Cao Hành Kiện vẫn sinh sống ở Paris chứ không xách va li quay về quê cũ, mặc dù Trung quốc ngày nay đang trên đà phát triển vũ bão tiến lên thành siêu cường kinh tế và quân sự trên thế giới.
Còn nhiều trường hợp khác nữa. Brandys, Gombrowicz, Brodsky... Gần như tất cả hoặc là nạn nhân hoặc không chấp nhận sống dưới những thể chế toàn trị của khối Cộng sản Đông Âu, nhưng không phải ai cũng xách va li xếp hàng lũ lượt nối đuôi nhau bước lên phi cơ trở về quê cũ sau khi các thế lực chính trị ấy suy tàn.
Có sự nghịch lí nào ở đây chăng? Quả tình tôi không nghĩ thế.
Ngọn suối nguồn cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ thường bắt rễ rất sớm, từ những năm tháng của tuổi ấu thơ hoặc thời tráng niên mới trưởng thành. Sau khi lớn khôn, trải nghiệm sống và kiến thức của người nghệ sĩ có thể là phong phú, già dặn hơn trước nhiều, nhưng nền tảng cho sự sáng tạo của hắn vẫn nằm nơi tiềm thức, kí ức, tập quán và ngôn từ của tuổi ấu thơ. Bởi thế, dứt bỏ ra khỏi nền tảng ấy để thâm nhập vào một khí quyển mới, hoàn toàn xa lạ, đòi hỏi hắn phải vận dụng những nỗ lực phi thường mà không phải ai cũng có khả năng làm được. Thế rồi, sau một thời gian dài sinh sống nơi nước ngoài, cái đau hoài hương trong lòng người nghệ sĩ dần dà phai nhạt để nhường chỗ cho cái đau của sự lạ hoá. Sự việc biến thiên theo chiều nghịch đảo: cái thân quen biến thành cái xa lạ và ngược lại. Trở về thăm viếng nơi mình sinh trưởng sau một thời gian dài xa cách, gần như ai cũng cảm thấy nỗi đau này. Nó lạ lùng một cách tàn bạo. Dù cố gắng cách mấy người ta vẫn không thể tự đánh lừa được cảm giác xa lạ, lạc lõng, tách rời. Mảnh đất nơi mình sinh ra biến thành nơi chốn mới, không còn là của mình nữa. Lịch sử của mảnh đất đó không có chỗ đứng cho mình, nó tàn nhẫn gạt mình ra ngoài lề. Lằn ranh biên giới giữa nhớ và quên như bị xoá sạch, không còn cái gì đáng nhớ, sự lãng quên như bị sai khiến bởi vô thức. Kí ức vẫn còn đấy trong bộ nhớ nhưng nó như bị ảo hoá, trở nên không thực. Sự lạ hoá này cũng thật là tàn bạo bởi cùng lúc nó để hiển lộ khía cạnh hiện sinh của thế giới con người: con người là sinh vật không có bản nguyên, căn tính của hắn không là cái gì bất di dịch. Hắn bị ném ra ngoài thế gian này mà không hề biết tại sao. Hắn như nhà phi hành đi bộ ngoài không gian bị đứt dây buộc với phi thuyền mẹ và cứ thế dật dờ trôi giạt mãi về khoảng không gian huyền tẫn mịt mù.