Đường dẫn truy cập

Đọc & Giới thiệu Quiet as They Come của Angie Châu


Angie Châu, tác giả cuốn Quiet As They Come
Angie Châu, tác giả cuốn Quiet As They Come

Angie Châu – Một cây bút gốc Việt gia nhập dòng văn học Mỹ với tác phẩm đầu tay Quiet as They Come – Những Người Thầm Lặng.

Angie Châu ra đời ở Việt Nam và hiện nay đang sống ở Berkeley. Tốt nghiệp Master of Fine Arts chuyên về ngành văn chương ở Đại học California, Davis. Cô hiện đang là Chủ Biên của tạp chí The Greenbelt Review của đại học này. Đã được trao tặng học bổng Hedgebrook Residency và Macondo Foundation Fellowship. Tác phẩm của Angie Châu đã xuất hiện trên Indiana Review, Santa Clara Review, Night Train và được in trong tuyển tập Cheers to Muses. Năm 2009, Angie Châu được giải thưởng UC Davis Maurice cho thể loại văn.

Quiet As They Come - Những Người Thầm Lặng gồm 11 truyện ngắn. Truyện dài nhất là They Were Dangerous – Những Kẻ Nguy Hiểm 25 trang. Hai truyện ngắn nhất, 13 trang, có tên là Hunger – Cơn Đói và Taps – Tiếng Gõ. Tựa đề của truyện ngắn cùng tên với tập truyện Những Người Thầm Lặng dài 14 trang. Tôi phải thú nhận cả 11 truyện tôi đều thấy hay. Angie hấp dẫn tôi ngay từ truyện đầu tiên, Cơn Đói.

Đây là một tập truyện ngắn với một cấu trúc linh động làm người đọc có cảm tưởng như đang đọc truyện dài vì tất cả những nhân vật có liên hệ với nhau. Cấu trúc này cho phép người đọc được đọc một cách bất kỳ không nhất thiết phải đọc theo thứ tự từ bìa trước ra bìa sau.

Truyện ngắn Cơn Đói mở đầu với người kể truyện. Thời điểm truyện xảy ra vào khoảng cuối thập niên 70 cho đến đầu thập niên 80, khi thuyền nhân bắt đầu định cư ở Mỹ. Đôi khi truyện có giọng kể của một hồi ký. Thỉnh thoảng tác giả nhảy bước thời gian, kể những chuyện xảy ra sau trong lúc đang kể chuyện xảy ra trước.

Truyện rất cảm động làm tôi chảy nước mắt. Truyện ngắn này, được xếp đầu tiên trong tuyển tập, làm tôi có cảm tưởng đây là những cảm giác, nhận thức đầu tiên của một cô bé sinh ra ở Việt Nam, bắt đầu có nhận thức về một xã hội hoàn toàn xa lạ với cái thế giới mình đã lớn lên trong những năm đầu tiên. Chỉ trong 14 trang Angie đưa người đọc đi từ niềm vui được tắm mát, đến ngỡ ngàng sợ hãi vì bị tấn công, đến xấu hổ vì nhận ra cái nghèo của mình, đến can đảm và tự hào, đến tri ân sự tử tế của người bán pizza. Với cách viết linh động, khôi hài, trẻ trung, và những nhận xét sắc bén, Angie Châu miêu tả đời sống của một đại gia đình Việt Nam với nhiều vất vả khó khăn mà người Việt di dân ở Mỹ phải đương đầu khi mới nhập cư. Trong Cơn Đói Angie không chỉ nói về sự nghèo khó vất vả của lúc mới bắt đầu; tác giả còn nói về cách sống đại gia đình của người Việt. Đề cập đến một khía cạnh không mấy đẹp về vấn đề kỳ thị của người Mỹ, cô cân bằng quan điểm bằng cách nói về một người Mỹ bán pizza nhân hậu, biểu lộ một cái nhìn lạc quan thân thiện về xã hội Mỹ. Trong The Pussycats tác giả cho thấy sự ngộ nhận của nhân vật Kim khi còn xa lạ của ngôn ngữ và văn hóa. Không chỉ đơn giản là một cái nhìn khôi hài về sự ngộ nhận của một người phụ nữ mới đến Mỹ.

Tôi đặc biệt chú ý đến truyện ngắn có cùng tên với quyển sách.

Trong một bài phỏng vấn, Lorraine M. López đã khen ngợi truyện ngắn Những Người Thầm Lặng “phong phú, gây kinh ngạc, và hoàn toàn thuyết phục.” Được hỏi vì sao cô viết truyện ngắn này Angie Châu đã nói rằng:

Đây là câu chuyện của rất nhiều gia đình người Việt mà tôi quen biết, có lẽ nó không hẳn là một bi kịch giết người ở ngoài biển giống như chuyện của ông Việt trong truyện ngắn này, tuy nhiên rất nhiều người bình thường đã bị đẩy vào những trường hợp phi thường. Cái thí dụ là bọn hải tặc thường rình rập thuyền nhân vì chúng biết những người này là mục tiêu dễ dàng bị khống chế trên biển Đông, một chỗ quen thuộc sau ngày mất Sài Gòn năm 1975. Cái phần mà tôi thật sự muốn khai triển trong truyện này là những người đã từng ở cương vị chỉ huy, được kính trọng ở quốc gia của họ và khi đến Mỹ bỗng nhiên họ trở nên vô hình trong nền văn hóa chính. Tôi muốn suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này – làm thế nào để thích nghi với sự thay đổi về bản sắc cá nhân, người ta định nghĩa như thế nào là giá trị của cá nhân, cái nam tính, hoặc là sự thành công trên vùng đất mới này và người ta sẽ cố gắng thích nghi hay là sẽ chết?”

Trong mười một truyện ngắn, người đọc sẽ không nhìn thấy cái hận thù của chiến tranh, nhờ sinh sau đẻ muộn nên cái chất độc của chiến tranh không thấm vào cô. Angie có cái nhìn ấm áp độ lượng, đôi khi ánh chút diễu cợt, về thế hệ của cha mẹ mình như trong truyện ngắn A Map Back To the World and into Your Heart, Việt bày tỏ lòng yêu vợ bằng cách mua tặng vợ cái máy hút bụi rất đắt tiền, trong khi cuộc sống họ đang rất thiếu hụt, làm cho vợ nổi giận. In Silver Girl, người kể chuyện nhân một cuộc đi chơi với hai bố con của người bạn học, đã so sánh mối quan hệ của bố mẹ và con của người Việt Nam và của người Mỹ. Qua cách so sánh này chúng ta nhìn thấy cái khác biệt của hai nền văn hóa.

Không chỉ nói về những chuyện tốt đẹp thành công của người di dân Việt, tác giả cũng cho thấy những thất bại đau đớn trong khi cố gắng hội nhập vào đời sống Mỹ.

Qua tuyển tập truyện ngắn, Angie Châu cho độc giả thấy cảm nghĩ của thế hệ di dân thứ hai về thế hệ di dân thứ nhất như thế nào. Ở đây người đọc sẽ không nhìn thấy quan niệm con cái phải có hiếu với cha mẹ như ở Việt Nam mà sẽ nhìn thấy tuổi trẻ đòi hỏi được cha mẹ hiểu biết và thông cảm. Họ muốn cha mẹ biểu lộ lòng yêu thương như thế nào. Tình yêu của người mẹ, biểu lộ bằng cách cạo gió, thoa dầu, có thể tạo nên một kết quả tai hại vô cùng. Vừa diễu cợt nhẹ nhàng vừa có chút xót xa, Angie Châu viết: “Bà nghe tiếng Elle khóc ở phòng bên kia. Bà ước gì bà có thể ôm con gái vào lòng. Bà ước gì bà có thể an ủi con. Bà yêu các con của mình vô cùng, nhưng bây giờ hiểu ra cái tai hại của cách bày tỏ lòng yêu thương như thế, bà không còn muốn bày tỏ lòng yêu thương nữa.”

So với truyện ngắn The Boat của Nam Lê, cái nhìn về thuyền nhân của Angie Châu ít tính bi kịch hơn. Nam Lê trong truyện ngắn có cái tên rất dài Tình yêu và Danh Dự và… ngoài việc đề cập dến một biến cố lớn trong lịch sử (Mỹ Lai) đã nói về cách nhân vật Nam gia nhập vào xã hội Mỹ, sự phản kháng chống lại sự nghiêm khắc của người bố, sự xung đột giữa thế hệ già trẻ và hai nền văn hóa Đông Tây. Angie Châu cũng đề cập đến những khía cạnh này tuy nhiên cái nhìn về bố mẹ ít hằn học hơn; sự phản kháng, tùy theo tính tình và thái độ của những nhân vật, có khi nhẹ nhàng với mức độ diễu cợt, có khi hung bạo đến độ có thể giết người. Những người cùng thế hệ với Angie Châu đọc tác phẩm của cô có lẽ cũng sẽ hài lòng vì cô đã nói lên được những đòi hỏi của gia đình đặt lên những người thuộc thế hệ di dân thứ hai đã bị xung đột với những khát vọng họ tìm kiếm trong xã hội. Tôi tin là những người trẻ tuổi khi đọc quyển truyện này cũng sẽ hiểu biết hơn về cách suy nghĩ của thế hệ của bố mẹ và ông bà của họ.

Xin trân trọng giới thiệu Angie Châu và tác phẩm Những Người Thầm Lặng với độc giả.[NTHH]

* Blog của Nguyễn Thị Hải Hà là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG