Nữ tổng thống mới đắc cử của Đài Loan, bà Thái Anh Văn, hôm nay đã kêu gọi các bên duy trì tự do hàng hải ở biển Đông, cũng như tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ở vùng biển này.
Bà cũng tuyên bố rằng Đài Loan sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với Nhật Bản.
Trung Quốc tuyên bố nhận chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, và thời gian qua đã cấp tập bồi đắp nhiều hòn đảo nhân tạo.
Đài Loan cũng nằm trong số các bên nhận chủ quyền ở vùng biển được coi là chiến lược, nơi hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ đôla được vận chuyển qua mỗi năm.
Lời kêu gọi của bà Thái được đưa ra trong khi các tin tức từ Trung Quốc cho biết rằng các thân nhân binh sĩ đồn trú trên hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa đã đáp máy bay tới thăm người thân.
Bắc Kinh trước đó đã thực hiện một số chuyến bay họ coi là “dân sự” tới hòn đảo này, và đã vấp phải phản đối của Việt Nam và Philippines.
Đài Bắc và Hà Nội năm qua đã lời qua tiếng lại vì biển Đông. Cuối năm ngoái, Đài Loan tuyên bố rằng việc xây dựng của họ trên hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa “không phải chuyện của nước khác”, sau khi Việt Nam chỉ trích Đài Bắc bất chấp quan ngại của mình, khi cử quan chức ra đảo Thái Bình mà người Việt gọi là Ba Bình.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 13/12 ra tuyên bố nói rằng theo luật pháp quốc tế, Đài Bắc có chủ quyền đối với biển Đông, trong đó có quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và Tây Sa (tức Hoàng Sa) cũng như các vùng lãnh hải lân cận.
Cơ quan ngoại giao của Đài Loan nói thêm rằng chính quyền Đài Bắc nhiều năm qua đã triển khai binh sĩ tới hòn đảo; chưa từng có bất kỳ xung đột quân sự nào với bất kỳ ai cũng như chưa bao giờ cản trở lưu thông hàng hải và hàng không tại đảo Thái Bình.
Đài Bắc hôm 12/12 khánh thành một ngọn hải đăng và cầu cảng mới được tôn tạo lại trên hòn đảo này.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, lên tiếng rằng việc Đài Loan “bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông”.
Ông Bình tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này” và “yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho rằng việc Hà Nội cáo buộc chuyến thị sát của ông Trần làm tổn hại tới hòa bình khu vực “không đúng thực tế, và đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế”.
Theo Reuters, CNA, Taipei Times, Focus Taiwan News Channel.