Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên cho phép các tổ chức dân sự gởi cứu trợ cho miền Bắc


Ðoàn xe chở 300 tấn bột mì tiến ra khỏi Công viên Hòa bình Injingak trực chỉ Bắc Triều Tiên, ngày 26/7/2011
Ðoàn xe chở 300 tấn bột mì tiến ra khỏi Công viên Hòa bình Injingak trực chỉ Bắc Triều Tiên, ngày 26/7/2011

Lần đầu tiên trong vòng hơn một năm, các tổ chức dân sự của Nam Triều Tiên ngày hôm nay đã chuyển hàng trăm tấn bột mì qua biên giới, sang Bắc Triều Tiên. Nhưng chính quyền Seoul vẫn không chịu gửi bất kỳ nguồn cứu trợ nhân đạo chính thức của nhà nước vì quan ngại về vấn đề phân phối cũng như vì mối quan hệ chính trị căng thẳng với Bình Nhưỡng. Hành động vừa kể diễn ra vào lúc các tổ chức nhân đạo quốc tế cảnh báo rằng nhiều người Bắc Triều Tiên đang đứng trước tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng. Thông tín viên VOA Jason Strother tường thuật từ Imjingak, cách đường biên giới liên Triều 7 km về phía nam.

Một đoàn xe tải bỏ mui chở theo 300 tấn bột tiến ra khỏi Công viên Hòa bình Injingak, trực chỉ Bắc Triều Tiên.

Số lương thực cứu trợ này là của các tổ chức dân sự địa phương đã bị cấm đưa lương thực sang biên giới, kể từ khi Seoul đổ lỗi cho miền Bắc đánh chìm chiến hạm Cheonan của hải quân nước này hồi tháng Ba năm 2010.

Người đứng đầu tổ chức Phong trào Chia sẻ Triều Tiên, Đức cha In Myung-jin, nói số bột mì sẽ giúp 22.000 trẻ em Bắc Triều Tiên có cái để ăn. Nhưng ông nói rằng riêng số hàng nhân đạo đó không thể giúp tất cả những người đang cần cứu trợ.

Ông In nói: "Nguồn hỗ trợ của chúng tôi thông qua tổ chức phi chính phủ rất ít, không đủ để ngăn chặn nạn đói ở Bắc Triều Tiên. Cho nên, chúng tôi đã kêu gọi chính phủ của chúng tôi ủng hộ Bắc Triều Tiên.”

Nhưng Bộ Thống nhất ở Seoul, cơ quan của chính phủ đảm trách giải quyết mối quan hệ với Bắc Triều Tiên, cho biết chưa sẵn sàng cung cấp cứu trợ nhân đạo chính thức.

Tuyên bố được đưa ra bất chấp những lời cảnh báo từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, rằng miền Bắc một lần nữa lại đối mặt với sự thiếu hụt lương thực trầm trọng.

Hồi đầu tháng này, Liên Hiệp châu Âu thông báo sẽ sớm gửi khối lượng cứu trợ trị giá 14 triệu đôla để giúp những đối tượng gặp nguy cơ đói ăn, nhất là phụ nữ và trẻ em. Các giới chức EU cho biết họ đã được phép thực hiện việc tiếp cận chưa từng có nhằm đảm bảo rằng nguồn lương thực không được chuyển sang dùng để nuôi quân Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo lời ông Cho Joong Hoong, Giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Nhân đạo tại Bộ Thống Nhất, quyết định của EU không làm thay đổi quan điểm của Seoul.

Ông Cho nói rằng EU quyết định gửi vật phẩm cứu trợ khẩn sang cho Bắc Triều Tiên dựa vào những gì họ mục kích sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên. Seoul ủng hộ quyết định của EU, nhưng chính phủ Nam Triều Tiên sẽ không gửi đồ cứu trợ vì các vấn đề hiện thời giữa hai miền nam bắc Triều Tiên.

Những vấn đề đó gồm việc đánh đắm chiến hạm Cheonan mà Bình Nhưỡng bác bỏ trách nhiệm, cũng như vụ tấn công của Bắc Triều Tiên vào hòn đảo Yeonpyeong hồi tháng 11 năm ngoái. Seoul muốn Bắc Triều Tiên phải xin lỗi về cả hai vụ việc.

Nhưng gần đây có những dấu hiệu cho thấy có sự cải thiện trong mối quan hệ liên Triều.

Tuần trước, các đặc sứ của cả hai nước Triều Tiên đã gặp nhau bên lề một diễn đàn an ninh khu vực ở Bali, Indonesia, nơi cả hai bên cam kết sẽ trở lại với các cuộc đàm phán đa quốc về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Những cuộc thương nghị này đã lâm vào thế bí trong hơn hai năm qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG