Đặc sứ Wi Sung-lac của Nam Triều Tiên cảnh báo rằng không nên kỳ vọng quá cao rằng các cuộc tiếp xúc mới nối lại giữa chính phủ Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên, sẽ mang lại những kết quả tức thời. Cả Washington lẫn Seoul đều không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng.
Nói chuyện với các nhà báo tại một bữa ăn trưa ở Seoul hôm thứ sáu, Đặc sứ Wi phát biểu:
“Tôi không mong đợi bất cứ điều gì từ cuộc họp ở New York. Cuộc họp ấy chỉ là bước khởi đầu,"
Ông Wi đưa ra bình luận vừa kể trong thời gian nghỉ giải lao tại cuộc họp hai ngày có tính cách thăm dò, giữa Hoa Kỳ và các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Triều Tiên tại các cuộc hội đàm, là Phó Bộ trưởng Ngoại giao thứ Nhất Kim Kye Gwan, đã mô tả ngày đầu tiên của cuộc đàm phán ở New York là có tính “xây dựng và gây chú ý.”
Đặc sứ Hoa Kỳ Stephen Bosworth là người lãnh đạo phái bộ Mỹ tại Liên hiệp quốc. Đây là cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cao cấp đại diện cho Washington và Bình Nhưỡng, tính từ 18 tháng qua.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả các cuộc đàm phán là "nghiêm túc và chuyên nghiệp", và cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ trông đợi tiếp tục làm việc tại một phiên họp khác vào ngày thứ Sáu.
Các cuộc đàm phán được tổ chức sau cuộc họp liên Triều đầu tiên tính từ hơn hai năm rưỡi qua.
Cuộc họp ấy diễn ra vào ngày 22 tháng Bảy tại khu nghỉ mát Bali của Indonesia, nơi đặc sứ Wi gặp vị tương nhiệm Bắc Triều Tiên mới là ông Ri Yong Ho, Thứ trưởng ngoại giao của Bắc Triều Tiên.
Ông Wi cho biết đã cố tránh nêu lên các vấn đề gây tranh cãi trong cuộc tiếp xúc với ông Ri “để xây dựng quan hệ cá nhân”.
Nhưng nhà ngoại giao Nam Triều Tiên ghi nhận rằng ông Ri đã không có phản ứng tích cực , sau khi ông vạch ra những bước mà Bình Nhưỡng cần thực hiện trước khi Seoul đồng ý tái tục các cuộc đàm phán sáu nước, để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Đặc sứ Nam Triều Tiên nói trong số các điều kiện tiên quyết do Seoul đặt ra, có yêu cầu đòi Bắc Triều Tiên “chấm dứt các hoạt động hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên Tử Năng quốc tế (IAEA) quay lại Bắc Triều Tiên.
Ông Wi nói bất chấp các nỗ lực ngoại giao song song của Seoul và Washington đối với Bắc Triều Tiên, chính phủ Nam Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi hướng giải quyết được mô tả là “mặc cả quy mô lớn” đối với bất kỳ thỏa thuận nào với Bình Nhưỡng.
Ông tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào chỉ nhằm đạt được “một giải pháp từng phần, có tính cách nhất thời.”
Hơn 2 năm về trước, Bắc Triều Tiên đã bỏ ngang các cuộc đàm phán 6 bên quy tụ Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nước Nga, tuy nhiên hồi năm ngoái Bình nhưỡng đã lên tiếng đề nghị tiếp tục đàm phán.
Miền Bắc cũng cho biết sẽ duy trì cam kết đưa ra trong một tuyên bố chung hồi tháng 9 năm 2005, theo đó Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ tất cả các vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện hữu.
Bắc Triều Tiên cũng hứa sẽ sớm quay lại với Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, và các biện pháp an toàn mà Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế đòi hỏi.
Đặc sứ Wi nói rằng những cam kết mới từ Bình Nhưỡng “không mang nhiều giá trị” bởi vì những lời lẽ trong thỏa thuận năm 2005 rất “mơ hồ và trừu tượng.”
Ông Wi không tỏ ra mấy lạc quan về mục tiêu cuối cùng của các cuộc đàm phán - là chấm dứt các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên - trong trường hợp tiến trình đàm phán đa phương tiếp tục.
Đặc sứ Wi phát biểu: "Tôi không tin Bắc Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách dễ dàng... nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng"
Ông Wi nói Nam Triều Tiên và các đối tác “sẽ cùng nhau làm việc để buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình hạt nhân của họ.
Hai miền của bán đảo Triều Tiên chưa từng ký một hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến kéo dài 3 năm, gây nhiều tàn phá trong những năm đầu của thập niên 1950. Căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc đã leo thang trong 18 tháng qua.
Nam Triều Tiên nhấn mạnh rằng quan hệ liên Triều sẽ không cải thiện cho tới khi nào Bình Nhưỡng xin lỗi về vụ đánh chìm tàu Cheonan của hải quân Nam Triều Tiên hồi năm ngoái, và pháo kích một hòn đảo của Nam Triều Tiên. Tất cả có 50 người bị giết chết trong hai sự cố vừa nêu.
Bắc Triều Tiên phủ nhận rằng một trong các ngư lôi của họ đã đánh đắm tàu Cheonan, như kết luận của một cuộc điều tra quốc tế.
Miền Bắc còn nói rằng pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Nam Triều Tiên là một hành động tự vệ, phản ứng trước cuộc diễn tập quân sự mà Bình Nhưỡng cho là có tính cách khiêu khích tại vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Hồi tháng Sáu, Bắc Triều Tiên tiết lộ rằng các cuộc đàm phán bí mật với miền Nam đã diễn ra ở Bắc Kinh trong tháng trước.
Vụ tiết lộ này đã gây bối rối cho chính phủ của Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak, khi Bình Nhưỡng nói Seoul đã van nài để mở đàm phán và đề nghị hối lộ miền Bắc bằng những “phong bì đầy tiền“ trong cố gắng nhằm dàn xếp một hội nghị thượng đỉnh.
Trong thông báo đó, Bắc Triều Tiên tỏ thái độ phẫn nộ, và tuyên bố sẽ không thương thuyết với chính phủ của Tổng Thống Lee Myung-bak nữa.
Nhà ngoại giao của Nam Triều Tiên nói thông báo của Bình Nhưỡng lại càng cô lập hóa Bình Nhưỡng hơn nữa, ngay cả từ các đồng minh lâu đời của Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh.
Ông Wi nói “Trung Quốc vẫn mạnh mẽ ủng hộ sự tương tác giữa hai miền Triều Tiên”.
Được hỏi liệu một số nhà thương thuyết Bắc Triều Tiên tham dự các cuộc đàm phán bí mật đã tan vỡ, có thể đã bị chính quyền Bắc Triều Tiên hành quyết, ông Wi trả lời rằng theo các dấu hiệu bề ngoài, ”dường như một số thông tin ấy là tin có thực.”
Đặc sứ hạt nhân Nam Triều Tiên nói rằng ông không mấy lạc quan về các nỗ lực ngoại giao mới của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nhằm mời gọi sự tham gia của Bắc Triều Tiên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1