Cuộc đàm phán sáu bên đã bị khựng lại từ hai năm nay và từ đó đến nay các nhà thương thuyết đã hành động chậm chạp trong nỗ lực mở lại cuộc đàm phán. Chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi cái chết của ông Kim được loan báo, Washington và Bình Nhưỡng dường như đã sắp sửa có được khai thông về vấn đề này.
Ông Bruce Klingner, một nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề Đông Bắc Á của Quỹ Heritage ở Washington cho biết: “Điều trớ trêu là việc công bố cái chết của ông Kim Jong Il đã làm lu mờ điều mà lẽ ra đã là một tin hàng đầu về bán đảo Triều Tiên. Giới truyền thông mới đây đồn đoán rằng Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã có đủ tiến bộ trong việc giải quyết một số vấn đề tồn đọng để mở ra cánh cửa cho việc tái tục cuộc đàm phán sáu bên.”
Một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã định thảo luận về thỏa thuận này vào ngày thứ hai, nhưng cuộc thảo luận đã bị hoãn lại sau khi cái chết của ông Kim được công bố.
Theo tin tức báo chí, sau các cuộc thảo luận diễn ra tại Bắc Kinh tuần trước, Hoa Kỳ đã sẵn sàng để công bố rằng Bắc Triều Tiên đã chấp thuận ba điều kiện của Washington và Seoul để đổi lấy việc Hoa Kỳ cam kết viện trợ cho họ 240 ngàn tấn lương thực.
Các cơ quan viện trợ cho biết tình hình lương thực tại Bắc Triều Tiên hiện nay là tệ hại nhất trong mấy năm qua vì mưa lũ và mùa đông khắc nghiệt đã đến sớm hơn trong năm nay khiến thu hoạch sút giảm và Bình Nhưỡng phải xin được giúp đỡ.
Ông Bruce Klingner nhận định: “Cái chết của ông Kim có phần chắc sẽ gây trì hoãn cho cuộc đàm phán song phương cũng như cho việc mở lại cuộc đàm phán 6 bên vì Bắc Triều Tiên phải trải qua một thời kỳ để tang và có thể nhà lãnh đạo mới sẽ thực hiện một cuộc duyệt xét chính sách.”
Ông Klingner nói rằng 3 đòi hỏi của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên là Bắc Triều Tiên phải khai báo đầy đủ các hoạt động tinh chế uranium - một cách để phát triển vũ khí hạt nhân – và thực thi cam kết ngưng chỉ các hoạt động này, cải thiện quan hệ với Nam Triều Tiên, và loan báo lệnh cấm thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nguyên tử tầm xa.
Ông Zach Hosford, một nhà phân tích vấn đề Đông Á tại Trung tâm An Ninh Mới của Hoa Kỳ, cho biết trong khi người ta chưa rõ chuyện gì sẽ xảy ra và sớm muộn ra sao, ông tin rằng vẫn có nhiều cơ hội trước mắt.
Ông Hosford nói: “Tôi không thấy có điều gì khiến cho không thể mở lại cuộc đàm phán, không có trở ngại nào ngăn cản việc đó cả. Tuy nhiên, theo tôi hầu hết những nước tham gia hội nghị đang lùi bước và tìm cách cân nhắc lại và chờ xem tình hình diễn biến ra sao để có thể quyết định sẽ xúc tiến như thế nào.”
Ông Hosford nói thêm rằng rốt cuộc thì cuộc đàm phán 6 bên chỉ là một phương tiện để Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực đạt được mục tiêu. Ngoài Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, cuộc đàm phán này còn có cả Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Và mục tiêu của tất cả các phía liên quan không phải lúc nào cũng giống nhau.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc nắm giữ một vai trò then chốt trong tư cách là nước chủ trì hội nghị. Nhưng trong khi ủng hộ cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên thì sự hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho Bắc Triều Tiên qua sự trợ giúp kinh tế và năng lượng lâu nay đã khiến cho tiến trình trở nên phức tạp.
Ông Bruce Klingner cho biết thêm: “Sự giao tiếp kinh tế ngày càng nhiều giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên mang lại lợi ích cho Bình Nhưỡng trong khi Bình Nhưỡng không cần phải thực hiện các yêu cầu của hộâi nghị 6 nước. Như vậy thì cũng như nếu mẹ bạn cho bạn món tráng miệng mà bạn không cần phải làm công việc mà cha bạn nhất mực bắt bạn phải làm mới cho thì bạn sẽ theo mẹ để khỏi phải làm điều mình phải làm.”
Ông Zach Hosford nói rằng duy trì hiện trạng có khả năng đem lại lợi ích cho một số nước tham gia hội nghị, trong đó có Trung Quốc. Ông nói tiếp: “Trung Quốc là một nước theo chủ nghĩa cơ hội. Họ lợi dụng bất cứ kẽ hở nào họ nhận thấy tại Bắc Triều Tiên, qua các khu vực kinh tế đặc biệt, nhất là ở miền đông bắc, nơi các công ty Trung Quốc và chính phủ nước này có thể thu được lợi ích mà không làm xáo trộn bản chất và nền kinh tế của Bắc Triều Tiên.”
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng về lâu về dài gia tăng giao tiếp về kinh tế có phần chắc sẽ có ảnh hưởng lớn đến Bắc Triều Tiên. Theo ông Hosford, vì Bắc Triều Tiên có hai nền kinh tế hùng mạnh ở biên giới là Trung Quốc và Nam Triều Tiên, cho nên có phần chắc là Bình Nhưỡng không thể ngăn chặn được xu thế toàn cầu hóa và tiến bộ về công nghệ.
Cái chết của lãnh tụ Bắc Triều Tiên kim Jong Il không những chỉ khiến người ta nêu thắc mắc là tình hình nước này sẽ ra sao. Nó còn gây ra sự bất định về tương lai của cuộc đàm phán lâu nay bị bế tắc, liên quan đến việc chấm dứt các tham vọng về hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1