Một nhóm các nhà làm phim độc lập trong và ngoài nước vừa trình làng bộ phim tài liệu do chính các ‘ký giả công dân’ thực hiện nói về một trong những vấn đề gây bức xúc nhất trong xã hội Việt Nam, nguồn gốc của đại đa số đơn thư khiếu kiện trong nước và cũng là nguyên nhân đẩy biết bao gia đình, đa số là nông dân, vào cảnh lầm than, màn trời chiếu đất.
‘Nỗi đau mất đất’ là tập 1 trong loạt phim phóng sự–tài liệu ‘Vượt qua nỗi sợ hãi’ dài 5 tập do nghệ sỹ Kim Chi, người từng tham gia nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, và cô Helena Lee từ California cùng một số bạn bè cả ở trong lẫn ngoài nước chung tay thực hiện.
Ê kíp làm phim trên dưới chục người đã mất 1 năm rưỡi thu thập tài liệu, phỏng vấn nhân chứng, quay, dựng, và biên tập phim. Kinh phí cho các chuyến đi và chi phí kỹ thuật đến từ sự tự nguyện của mỗi người đóng góp công sức trong phim.
Cô Helena cho biết vì loạt phim hoàn toàn mang tính tự nguyện, vô vụ lợi nên nhóm đã tặng quyền công chiếu cho các kênh truyền hình, các kênh Youtube, và các trang Facebook.
Tập đầu ‘Nỗi đau mất đất’ được phát hành rộng rãi và miễn phí ngay trước phiên xử phúc thẩm một nhà hoạt động đất đai được nhiều người biết tiếng, bà Cấn Thị Thêu, vào ngày 30/11/16.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với cô Helena Lee
‘Nỗi đau mất đất’ vừa công chiếu trên các phương tiện truyền thông xã hội là bức tranh toàn cảnh về những vụ cưỡng chế đất đai xảy ra trên khắp mọi miền đất nước, trong đó nhấn mạnh hai trường hợp điển hình là bà Cấn Thị Thêu ở phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) và ‘người nông dân nổi dậy’ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
‘Nỗi đau mất đất’ nối kết các sự kiện riêng lẻ về tình trạng dân oan bị cưỡng chế đất, bị bần cùng hóa, mất phương tiện sinh sống, trở thành những ‘dân oan’ khiếu kiện hay những ‘tù nhân bất đắc dĩ’ vì các hoạt động đấu tranh của họ bị hình sự hóa với các tội danh như ‘Gây rối trật tự’ hay ‘Chống người thi hành công vụ.’
Đa số tư liệu trong phim, kể cả những cảnh đàn áp, bố ráp đều do chính các nạn nhân quay lại.
Tập 2 nhan đề “Phá vỡ khuôn khổ” nội dung chính xoay quanh việc định hình của xã hội Việt Nam bị dằng co giữa hai chiều hướng cộng Sản tập trung và tư bản tư hữu.
Tập 3 “Nói không với đảng” chuyển tải những suy nghĩ của một số đảng viên kỳ cựu trong bối cảnh đất nước hiện nay về vai trò của đảng cộng sản và khát vọng dân chủ của người dân.
Tập 4 “Những người tù vĩ đại” nói về những tù nhân lương tâm tại Việt Nam, những người bị lãnh án vì các hoạt động đấu tranh cho các nhân quyền căn bản và kêu gọi tôn trọng quyền làm chủ đất nước của công dân.
Tựa đề tập cuối nói lên chủ đề xuyên suốt của loạt phim, “Vượt qua nỗi sợ hãi”, đúc kết tất cả các vấn đề nguyên thủy những người thực hiện muốn chuyển tải nhằm thức tỉnh nhận thức của mọi người về vai trò công dân trước hiện trạng xã hội.
Cô Helena cho biết ý tưởng làm nên bộ phim “Vượt qua nỗi sợ hãi” xuất phát từ chính ‘nỗi sợ hãi’ của bản thân và sự cảm nhận về nỗi sợ hãi đã bám rễ sâu xa trong tư tưởng của người dân Việt ‘sợ’ nói ra chính kiến hay suy nghĩ thật của mình, ‘sợ’ bị bắt, bị tù đày và bị trù dập.
Thông điệp chính của bộ phim là chia sẻ câu chuyện của những người trong cuộc về thực tế dân chủ và nhân quyền, những vấn đề đang hiện hữu ở Việt Nam, để mọi người ‘cởi trói tư tưởng’, tìm hiểu sự thật, và tìm kiếm công lý.
Nhóm làm phim nói những câu chuyện đó cần được chuyển tải đến mọi người, không phải để nói xấu chế độ hay bôi xấu xã hội Việt Nam, mà để hướng tới sự cải thiện, làm cho xã hội tốt đẹp và công bằng hơn.
Cô Helena chia sẻ dù đây không phải là những thước phim chuyên nghiệp nhà nghề, nhưng giá trị của chúng chan đầy máu và nước mắt của những nhân chứng sống. Trong phần giới thiệu phim trên kênh YouTube USAflows của nhóm, những người thực hiện viết rằng: “Đây không phải là những thước phim hoàn hảo vì nó đơn thuần được quay lại bởi cán nạn nhân trong cuộc, nhưng những thước phim này là vô giá bởi nó được trả bằng máu của chính họ.”
Sau phần 1, những tập phim kế tiếp sẽ được hoàn tất ra mắt khán giả trong năm 2017 tới đây.