Trần An-Bee
“Cái tôi thấy là một người đang cần sự giúp đỡ”.
Đó là câu trả lời của bác sĩ Partrick Turner trong bộ phim Call the Midwife đang chiếu trên kênh ABC của Úc vào tuần qua (6/6/2020). Một người đàn ông đã ngoại tình, bị lây bệnh từ cô gái phục vụ anh ta. Sau đó anh đã lây bệnh cho vợ của mình khi cô ấy đang mang thai và có nguy cơ căn bệnh đó sẽ lây cho bào thai đang trong bụng mẹ. Người đàn ông sau đó vì xấu hổ nên không muốn đến gặp bác sĩ Partrick để chữa trị. Ông ấy cho rằng, vì biết mối quan hệ không trong sáng của ông, nên bác sĩ sẽ nghĩ ông ta là một người chồng vô liêm sỉ và là người không tốt. Câu trả lời của bác sĩ đã thay đổi cái nhìn của ông ta, ông dám đối diện với vợ con để xin lỗi, dám đến để chữa trị bệnh và quay về sống bên vợ con. Dù phim chỉ tới đó nhưng có thể đọc ra ngụ ý về một gia đình hạnh phúc sau này.
George Floyd, người đàn ông da đen bị cảnh sát Mỹ quỳ gối đè lên cổ làm ngộp thở và chết, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của rất nhiều người trên khắp nước Mỹ và một số nơi khác trên thế giới trong hai tuần qua. Theo một số nguồn tài liệu, George đã từng là một tội phạm, đi tù và đã mãn hạn tù và hiện tại ông ấy đang cố gắng sống và làm những điều tốt cho cộng đồng mà ông có liên hệ. Tin tức cho hay, để tỏ bày sự xin lỗi đối với người dân, cảnh sát đã quỳ gối trên đường phố và xin lỗi người dân, xin lỗi gia đình George Floyd. Ông Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, 2020 - đại diện cho Đảng Dân Chủ, trong cuộc biểu tình bảo vệ quyền sống của người da đen, cũng đã quỳ gối để trò chuyện và trao đổi với những người da đen mà cụ thể là trò chuyện cùng cha con người biểu tình tại Wilmington hôm chủ nhật vừa qua. Chính hành động quỳ gối này của cảnh sát và của ông Biden cũng đã châm ngòi cho rất nhiều người chửi cảnh sát và ông Biden rằng đã nhu nhược quỳ gối trước cái chết của một tên tội phạm.
Con người và nhân phẩm của người - đó chính là câu trả lời cho hai câu chuyện trên. Dù anh có là người xấu xa, không chung thuỷ, hay anh là tội phạm thì đã có toà án lương tâm hay nơi thi hành luật pháp xét xử. Đứng trước một người bệnh, một bác sĩ cần ra tay giúp họ chữa trị. Đứng trước một sinh mạng con người, chúng ta cúi đầu đưa tiễn và cầu an. Ai trong chúng ta có quyền xét xử khi chúng ta không phải là người ra án lệnh và không phải là người cầm cân nảy mực trong những vấn đề này!?
Khi đặt bút ghi vào học bạ của một học sinh cũng thế, những câu nhận xét đơn giản lại có thể trở thành nỗi ám ảnh đeo bám trẻ suốt đời. Đã có rất nhiều những câu chuyện kể rằng, đôi khi chỉ vì hoàn cảnh mà một em học sinh đến lớp trễ, không đi học đều, hay không hoàn thành bài vở đúng hẹn, câu nhận xét được phê trong học bạ về em:
là một học sinh không chăm chỉ, hay thiếu ý thức trách nhiệm.
Vậy đã có ai tìm hiểu lý do đàng sau những chậm trễ, yếu kém của em là gì? Đã có ai tìm hiểu cách thức để hỗ trợ em, sự hỗ trợ tinh thần, tài chính, hỗ trợ phương pháp sắp xếp thời gian, phương pháp học và làm bài hiệu quả, chẳng hạn? Câu nhận xét trên có lẽ chẳng ai trong chúng ta muốn thấy trong học bạ của con em mình. Cũng có những lời nhận xét của thầy cô đã làm biến đổi cả một cuộc đời và làm cho nó tốt đẹp hơn. Chẳng hạn như lời nhận xét của thầy cô rằng:
Cô rất vui vì em đã cố gắng và đạt được một số tiến bộ trong môn tiếng Việt. Cô tin rằng kết quả sẽ còn tốt hơn nữa nếu em duy trì việc đọc sách của em hàng ngày. Chúc mừng em!
Lời nhận xét ấy vừa chỉ ra được phương pháp mà em học sinh ấy đã sử dụng để đem lại sự tiến bộ cho việc học của mình, vừa cho thấy cái tâm của một người thầy biết quan tâm đến học sinh, khuyến khích và đặt niềm tin vào học trò của mình. Chính người học trò ấy là chủ thể tại trung tâm của việc học này. Sự cố gắng dù là nhỏ bé của em đã được ghi nhận. Em không bị chê trách việc tại sao mình không đạt điểm tuyệt đối, nhưng được khuyến khích để tiếp tục dùng phương pháp thích hợp để học tốt hơn.
Xét về phương diện của những người làm việc có chuyên môn và có tâm, thì lời nói, thái độ và những nhận xét được nói hay được ghi lại trên giấy là những điều vừa thể hiện trình độ, vừa thể hiện cái tâm và phương pháp làm việc đặt người mình đang nói chuyện, hay đang phục vụ ở vị trí trung tâm. Đối với mỗi chúng ta, dù có vai trò cao thấp như thế nào trong xã hội, chúng ta đều hiện diện ở đây và làm công việc chúng ta đang làm là vì con người. Xét cho cùng chúng ta đều đang là những người phục vụ, lấy mục đích phục vụ làm trung tâm để đem lại chất lượng phục vụ cao nhất, tốt nhất cho người được phục vụ. Phục vụ chính là thương hiệu của chúng ta. Phục vụ tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Vì liên quan đến con người, nên tất cả những gì liên quan đến con người từ tâm, sinh lý, đến vật chất hiện sinh đều đem đến hoặc là những kết quả tích cực, hoặc là tiêu cực.
“Cái tôi thấy là một người đang cần giúp đỡ”. Một câu nói rất đơn sơ nhưng nó đặt người được phục vụ ở vị trí trung tâm của hành động phục vụ. Nhân phẩm của con người được đặt lên trên hết.
Hy vọng đến một ngày nếu mỗi chúng ta biết đặt câu nói ấy vào hoàn cảnh cụ thể, đem nó vào trong công việc và vai trò mà mình đang thực hiện, thì chắc rằng tình thân ái, sự tôn trọng, quan tâm, an hoà và vị tha sẽ là những nét đẹp khiến cuộc sống ta, dân tộc ta và xã hội ta đẹp biết bao.
Lại ngậm ngùi nghĩ đến cái đẹp của một trưa nắng cho bao tâm hồn, trong lành và thanh cao như lời ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc sĩ Văn Cao.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Tự hỏi: liệu mình đã biết yêu người, đã luôn biết đặt những người mình phục vụ ở vị trí trung tâm chưa? Mong sao mùa xuân lại đến và luôn ở lại trong hồn ta vì ta đang mang trong mình cái tâm của người phục vụ.