Đường dẫn truy cập

Nhân sự của Đảng Cộng sản: ‘Sự áp đặt từ trên xuống’


Một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
Một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

Sự sắp xếp nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khóa tới ‘đều là do một nhóm nhỏ quyết định’ và thể chế độc đảng ‘khó lòng đảm bảo các nhân sự được chọn sẽ không tham nhũng’, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn cấp tập chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm sau để trình làng một thế hệ lãnh đạo mới khi dàn lãnh đạo chủ chốt hiện nay đa phần sẽ về hưu.

Trong bối cảnh đó, đã có một số sự điều chuyển các vị trí nhân sự trong Đảng để chuẩn bị cho các vai trò mới, trong đó có việc Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trở lại làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng còn ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được giới thiệu làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Với sự điều chuyển này, gần như chắc chắn ông Nên sẽ có một ghế trong Bộ Chính trị khóa 13, cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi tương lai ông Nghị, vốn đã là ủy viên trung ương và từng là Thứ trưởng Xây dựng, vẫn còn mơ hồ.

Thăng hay giáng?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến và là nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, cho rằng sự điều chuyển ông Nghị có thể có hai kịch bản: thăng chức hay giáng chức.

“Một là ông ấy không còn là bí thư Kiên Giang nữa nên khó có thể tiếp tục là ủy viên trung ương nữa,” và việc ông Nghị trở lại cái ghế trước đây ở Bộ Xây dựng ‘có thể xem như bị giáng cấp,’ tiến sĩ A nói.

Khả năng thứ hai là ông Nghị làm thứ trưởng để chuẩn bị lên làm lãnh đạo Bộ Xây dựng. Trong trường hợp này thì ông Nghị có thể được xem là ‘thăng chức’.

“Thăng chức hay giáng chức tùy thuộc vào kết quả đấu tranh giữa các phe, giữa phe ông Trọng và ông Dũng,” nhà quan sát này dẫn giải.

Việc ông Nghị bị đưa khỏi Kiên Giang, vốn được xem là ‘căn cứ địa’ của gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng, ông A nói, “Nếu ông ấy không vào trung ương nữa thì đó là sự nhổ tận rễ tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng.”

Nhiệm kỳ khóa 11 cũng như Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2016 đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Kết quả là ông Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ còn ông Dũng phải về hưu.

Kể từ sau khi ông Dũng về hưu, nhiều nhân vật vốn được xem là phe cánh của ông Dũng, điển hình như cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, đã bị triệt hạ. Ông Thăng đã phải ngồi tù vì những sai phạm trước đó.

‘Không dân chủ’

Về sự điều chuyển ông Nguyễn Văn Nên, một người vốn không có xuất thân hay nền tảng ở thành phố lớn nhất nước, về làm lãnh đạo cao nhất thành phố này, ông A cho rằng nếu bổ nhiệm người gốc địa phương lên làm lãnh đạo thì người đó sẽ có nhiều lợi ích vì ‘ở đó họ có vợ con, gia đình, họ hàng, bạn bè’.

Các đời bí thư hay chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh trước đây đa số là những người có xuất thân hay trải qua quá trình công tác ở thành phố này rồi được thăng cấp sau đó, trong khi ông Nên xuất thân ở tỉnh Tây Ninh, sau lên làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi chuyển sang làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Tiến sĩ A nói việc điều ông Nên về thành phố Hồ Chí Minh là ‘quyền của Bộ Chính trị mà có cần lấy ý kiến gì của Thành ủy và các đảng viên ở đấy đâu’ trong khi ‘lẽ ra đảng bộ ở đó phải được quyền bầu ra người đại diện của họ.’

“Dân chủ theo kiểu cộng sản, ngay cả trong Đảng cũng không có dân chủ,” nhà hoạt động này nhận xét.

“Nhân sự của Đảng cộng sản tất cả đều do một nhóm người quyết định,” cho nên nếu Đảng chọn được người ít tham nhũng và có khả năng thì dân được nhờ, còn ngược lại thì ‘dân đành phải chịu,’ vẫn theo lời tiến sĩ Nguyễn Quang A.

“Từ mấy chục năm nay bao giờ họ cũng làm rất chặt và kỹ càng chuyện nhân sự chứ không phải chỉ dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng họ có làm được hay không?” ông A đặt vấn đề.

Do đó ông A cho rằng chuyện cán bộ không tham nhũng ‘là vấn đề thể chế’ chứ không phải ‘ở việc chọn người’.

“Người dân Việt Nam chẳng có lợi ích gì, cho dù phe nào thắng trong cuộc đối đầu giữa ông Trọng với ông Dũng,” nhà hoạt động Nguyễn Quang A nhận định. “Họ chỉ là những nhóm người phấn đấu cho lợi ích của họ là chính, chứ không phải là lợi ích của đất nước.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG