Hôm 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ biếu biểu quyết đề cử ứng viên cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với “kết quả tốt đẹp”, “thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị.”
Trang VietnamNet dẫn lời ông Trọng trong bài phát biểu tại bế mạc: “Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khoá XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII…Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị.”
Lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng quá trình giới thiệu nhân sự này được thực hiện “khách quan, công tâm.” Tuy nhiên, số lượng và chi tiết danh tính của các ứng viên không được ông Trọng hay truyền thông Việt Nam tiết lộ.
Trước đó, Hội nghị 12 vào tháng 5/2020 đã thống nhất số Ủy viên Bộ Chính trị khoá mới gồm 17-19 người, số Uỷ viên Trung ương là 200 người, gồm 180 chính thức và 20 dự khuyết (giống khóa XII). Tại Hội nghị 13, số Uỷ viên Trung ương tổng cộng dự kiến nâng lên đến 227 người.
Nhân sự cho Đại hội Đảng XIII, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021, luôn là đề tài được người dân và truyền thông trong và ngoài nước quan tâm. Vấn đề nhân sự này được Bộ Chính trị chuẩn bị từ năm 2017 bằng việc ban hành Quy định 90 về khung tiêu chuẩn, và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 10/2018 về việc thành lập các Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban văn kiện.
Nhận định về ứng viên tiền năng cho chức Tổng Bí thư, ông Cù Huy Hà Vũ viết cho VOA: “Trần Quốc Vượng, một người được dư luận đánh giá là “sạch sẽ” và hơn thế nữa, đã và đang nắm những cương vị “nội chính” chủ chốt cả trong Nhà nước lẫn trong Đảng, không chỉ trở thành người kế vị tất yếu mà còn là lựa chọn tối ưu của Tổng bí thư Trọng.
Theo các nhà quan sát trả lời phỏng vấn VOA, ngoài ông Trần Quốc Vượng, những tên tuổi được xem là sáng giá nhất và được nêu ra gồm các ông Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Lương Cường, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai.
Trước khi diễn ra Hội nghị 13, báo Công an Nhân dân đăng bài cảnh báo rằng “các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai trái, bịa đặt. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm, thu hút sự chú ý của nhiều người là xuyên tạc công tác nhân sự, cán bộ của Đảng để chống phá.”
Trong tuần này, giữa lúc Hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra ở Hà Nội, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bổ nhiệm quay trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng mà ông đã nắm giữ vào năm 2011.
Với việc “thuyên chuyển công tác” này, giới quan sát tin rằng dường như khả năng ông Nghị được bầu lại trong Ban chấp hành Trung ương sắp tới cũng không cao.