Ai cũng có lỗi lầm và thất bại. Chính lỗi lầm và thất bại đó, dù đau thương đến mấy, vẫn là bài học quan trọng và cần thiết cho mỗi người, mỗi dân tộc, để từ đó vươn lên. Nhưng bài học chỉ thật sự có giá trị nếu nó dựa trên những điều thật, không phải giả dối.
Trong bài trước, tôi biện luận rằng tôn trọng lịch sử là nhu cầu thiết yếu của một quốc gia, mà giới lãnh đạo quốc gia phải là người đi đầu.
Nhưng mỗi dịp 30 tháng Tư về, giới lãnh đạo Việt Nam và guồng máy lại tiếp tục ra rả những lời tuyên truyền cũ rích và sai lệch. Thành phần lãnh đạo vẫn tiếp tục coi đại thắng 30 tháng Tư năm 1975 là “Đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Trên những phương tiện truyền thông, những người đứng đầu guồng máy đảng, nhà nước, chính quyền Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có vẻ rất tự mãn với những thành tựu của Việt Nam sau 47 năm chiến tranh chấm dứt.
Nhìn kỹ lại, thật ra Việt Nam có điều gì đâu để tự hào, tự mãn. Không cần nói điều gì quá to tát, và cũng không cần đưa ra các con số về kinh tế, như bình quân thu nhập đầu người, tổng sản lượng quốc gia, hay tỷ lệ tăng trưởng. Cứ nhìn vào hai yếu tố: cảm nhận của người Việt về chính đất nước mình có lạc quan hay tự tin? và cảm nhận của quốc tế đối với người mang quốc tịch Việt Nam có tích cực hay tín nhiệm? Thực tế là phần lớn người Việt nếu có cơ hội thì xác xuất họ chọn ra đi sẽ cao hơn ở lại.
Tôi có dịp tiếp xúc với một số người Việt có cơ hội đến Úc, trong đó phần lớn có vẻ được ăn học đàng hoàng và khá giả về tài chánh. Hầu như tất cả đều thấy được nền văn minh của nước này, và ước gì Việt Nam cũng tiến bộ như vậy. Họ cũng mong muốn con em họ học xong, có được công ăn việc làm, và trở thành thường trú nhân hay công dân Úc sau này.
Tóm lại, tuy cuộc sống vật chất tại Việt Nam ngày nay khá hơn, đại đa số vẫn muốn chính họ và con em họ có thể định cư ở một nơi khác. Chắc trong thâm tâm, sự bất an về tương lai vẫn ám ảnh lên nhiều người Việt, nên mới giải thích được tâm trạng này.
Chúng ta đều biết người Việt có giòng máu kiêu hùng và yêu nước trong người, như lịch sử và văn học Việt Nam dẫn chứng. Nhưng kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975 trở đi, và cho đến bây giờ, tinh thần yêu nước đó đã phai nhòa. Nếu yêu nước là phải yêu xã hội chủ nghĩa, phải yêu đảng yêu bác, còn nếu không thì sẽ bị trù dập, tù đầy, thì chính tư duy hẹp hòi và độc hại này đã giết chết những hạt mầm yêu nước chân chính rồi.
Nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn, người dân Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại. Ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, người Việt vẫn không khuất phục. Nhưng mộng bá quyền và bành trướng của Trung Quốc vẫn còn mạnh trong tư duy của Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và trên sông Mekong chẳng khác gì đang xiết cổ đất nước Việt Nam. Họ không chừa bất cứ thủ đoạn nào, kể cả sự đối xử thô bạo và tàn ác lên người dân mình và các sắc tộc thiểu số tại Trung Quốc.
Tuy hiểm họa của Trung Quốc rất lớn, nhưng nó cũng chỉ là một phần. Những hiểm họa khác như môi trường sống, biến đổi khí hậu, thiên tai, thực phẩm, nước sạch, năng lượng v.v… cũng rất quan ngại.
Đối với tất cả những thử thách và hiểm họa này, không thể ngồi chờ nước lụt đến chân rồi mới nhảy. Không có sự chuẩn bị, thì khi tất cả đều ập đến, nó sẽ là “họa vô đơn chí”.
Ở vai trò lãnh đạo của mọi quốc gia, người đứng đầu phải có tầm nhìn, chiến lược, và trên hết, là nhân sự chuyên môn và tài giỏi để thay mặt và đại diện mình điều hướng công việc một cách hiệu quả nhất.
Nước Việt Nam không thiếu nhân tài. Người Việt thông minh, hiếu học và chịu khó. Điều quan trọng là lãnh đạo có giữ được chất xám, có thu hút được người tài, có chính sách biết trọng dụng giới tinh hoa không thôi.
Đối với những thử thách lớn lao của Việt Nam hiện nay, có ba điều ưu tiên mà lãnh đạo quốc gia cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Một, một “Hội nghị Diên hồng” 2025, hay một thời điểm nào đó thích hợp, để tập hợp trí tuệ tập thể của những bộ óc ưu tú hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Họ phải là những người có tri thức sâu rộng, tư duy độc lập, tinh thần phóng khoáng, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói những điều mình suy nghĩ, không phải để vừa lòng lãnh đạo hay người khác, mà để đánh giá vấn đề một cách đúng đắn nhất. Không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu thiếu đi tầm nhìn và chính sách lâu dài dựa trên phương pháp khoa học. Những bộ óc ưu tú và chuyên môn sẽ cùng nhau vạch ra con đường chiến lược để giúp cho Việt Nam hình thành nên lộ đồ mà đi, hoặc thay đổi hướng đi khi cần vì các yếu tố khách quan hay vì môi trường thay đổi liên tục. Chiến lược phát triển 10 năm, 20 năm và 30 năm tới, dựa trên khả năng đích thực về vật chất và con người Việt Nam, là điều kiện căn bản nhất mà Việt Nam không thể thiếu.
Hai, ngoài những bộ óc ưu tú hàng đầu để đưa ra sách lược lâu dài của quốc gia, chính sách nhân dụng cho mọi thành phần trong xã hội là điều kiện ưu tiên tiếp theo. Việt Nam hiện nay được xem là middle income economy, theo World Bank, nhưng chưa được ở giữa mà ở dưới giữa (lower). Giáo dục và thông tin là hai lĩnh vực phải cải cách hoàn toàn để người dân biết rõ mình ở đâu, sở trường và sở đoản là gì, môi trường chung quanh lợi hại thế nào, cơ hội lẫn thử thách ra sao, cũng như kỹ năng để nhận định và giải quyết vấn đề kỹ thuật lẫn con người cần những gì. Giỏi kỹ thuật hay chuyên môn thôi vẫn chưa đủ, nhân viên mọi cấp cần có kỹ năng mềm để đối phó với nhiều tình huống, và để không mất nhân tài. Quan trọng nhất, chính sách nhân dụng hiệu quả nhất của mọi quốc gia nằm gọn trong giá trị “nhân lễ nghĩa trí tín”. Những giá trị này, người Việt không xa lạ. Chỉ cần hiểu sâu sắc, áp dụng triệt để nhưng bằng tinh thần khoan dung, cởi mở và chân thành. Người Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đã áp dụng tinh thần này trong chính sách nhân dụng của họ và họ trở thành con rồng con hổ châu Á. Việt Nam có thể học và có cách riêng theo văn hóa của mình. Tóm lại, đối xử nhân thế một cách nhân hậu thì không thể nào sai được.
Ba, những tiếng nói phê phán hay khác biệt thường khó nghe, nhưng chịu khó tập lắng nghe sâu một chút thì sau một thời gian, ai cũng có thể nhận ra rằng đằng sau những tiếng nói đó là những khát vọng chính đáng. Có khi nó thể hiện sự oan ức bất công của một bộ phận trong xã hội. Có khi nó là cái nhìn quý hiếm mà cặp mắt thường không thể thấy, lỗ tai thường không thể nghe, cảm giác thường không thể nghiệm, trực giác thường không thể linh tính. Và cũng có khi nó là tiếng ồn, như bao tiếng ồn khác trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải biết thanh lọc để khỏi phân tâm. Nhưng làm lãnh đạo quốc gia thì phải có trách nhiệm và khả năng để lắng nghe nguyện vọng của người dân. Bởi vì xã hội nào mà vận dụng được những khác biệt hay cá biệt đó, biết tôn trọng, dung hòa hoặc tạo phương tiện để nó trở thành điểm son, thì không có gì là bất khả cả. Ai cũng có thể đóng góp trong khả năng và trong tính cách riêng của mỗi người. Sự khác biệt không hề là một sự đe dọa mà còn là một sự cân bằng đúng nghĩa để mang lại tính hài hòa về năng lượng tích cực giữa con người.
Tóm lại, trước những thử thách to lớn đối diện Việt Nam hiện nay, và sắp tới, lãnh đạo không có tầm nhìn sẽ rất nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia.
Đã đến lúc giới lãnh đạo, vì sự tồn vong, phát triển và thịnh vượng của Việt Nam, cần lắng nghe và học hỏi để hành xử một cách văn minh đối với người dân của mình. Hãy bỏ hẳn những lời dối trá, giáo điều. Tuy không nói ra, nhưng không có nghĩa là người dân không biết. Coi thường người dân là đã sai từ điểm khởi đầu. Hãy tôn trọng lịch sử, ít nhất bắt đầu từ những điều căn bản như bài viết trước của tôi, và đối xử tử tế tương kính với mọi thành phần dân tộc, kể cả những người phê bình mình. Cách hành xử như thế của lãnh đạo thì mới lấy được lòng dân và sự kính trọng của họ. Lãnh đạo có khả năng và bản lĩnh là người không dùng vũ lực hay đe dọa người khác mà dùng lý lẽ và sự khôn ngoan (wisdom) để thuyết phục. Hãy loại bỏ ngay biện pháp dùng côn đồ để khống chế hay đe dọa những người bất đồng chính kiến. Hãy trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang và bao người bất đồng chính kiến khác hiện nay, và mời họ cùng tham gia đóng góp ý kiến để cải cách đất nước. Sự hưng thịnh của một quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, không phải độc quyền của một cá nhân hay nhóm người nào.
Lãnh đạo quốc gia không cần phải giỏi về mọi mặt. Thật ra họ chỉ cần có viễn kiến, chiến lược, khả năng dùng đúng người đúng việc, và tập trung lèo lái con thuyền. Còn lại, hãy để toàn xã hội dân sự tự do phát huy tối đa tài năng và sáng kiến của họ. Chỉ có sức mạnh của toàn dân tộc mới giúp Việt Nam có sự chuẩn bị và có khả năng vươn lên để đối diện những thử thách và vận dụng cơ hội trong những thập niên đầy bất an trước mặt.