Những cuộc biểu tình, tuần hành chống bành trướng ở Việt Nam đã trải qua 5 ngày chủ nhật, khởi đầu từ ngày chủ nhật 5 tháng 6, 2011. Các cuộc tuần hành diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn là chính, nhưng cũng lan rộng, ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ… Số người tham dự chưa nhiều, từ vài chục, đến vài trăm, có lúc lên đến hơn 1.000, khi lên, khi xuống, nhưng nhìn chung theo hướng tăng dần, bền bỉ, được dư luận trong và ngoài nước ngày càng quan tâm theo dõi, đánh giá và nhận định.
Ở trong nước, báo chí chính thức của đảng CS và nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam cố hạ thấp các cuộc đấu tranh, gọi đó là những cuộc «tụ tập một số ít người, được giải thích đã giải tán» coi như không có gì quan trọng.
Có một trường hợp được chú ý là giáo sư Nguyễn Thế Sự, trưởng khoa Trung văn trường Đại học Hà Nội, trả lời phỏng vấn báo Phượng Hoàng ở Hồng Kông ngày 2/7/2011 đã cho rằng «đó là các cuộc tập họp của những kẻ bất mãn, ít hiểu biết thời cuộc, bị bọn phản động kích động». Một số người theo xu thế này cho rằng chính quyền có cảnh sát, công an, quân đội, những đảo lộn gây trở ngại cho việc làm ăn sinh sống của người dân, chưa quen với đấu tranh chính trị căng thẳng.
Trong khi đó các mạng internet lề trái, các blog Dân làm báo, Anh Ba Sàm, Người buôn gió, Nữ vương Công lý… luôn có những bài tường thuật, bình luận, phóng sự ảnh rất phong phú, tỷ mỷ kịp thời, mang tính chuyên nghiệp khá cao, hấp dẫn công luận. Những bài bình luận này cho rằng các cuộc biểu tình tuần hành ngày chủ nhật sẽ còn diễn ra liên tục, ngày càng đông đảo, hình thức ôn hòa nhưng nội dung càng mạnh mẽ do thúc đẩy bởi lòng yêu nước chân chính không gì ngăn cản được. Các bài bình luận, tuyên cáo, hiệu triệu…xuất hiện trong cuộc đấu tranh cũng cho rằng cuối cùng sẽ đạt kết quả là buộc chính quyền phải theo những đòi hỏi yêu nước của nhân dân và dân tộc, nếu không muốn bị trào lưu yêu nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của toàn dân dâng lên thành cao trào cách mạng tràn ngập.
Hai nhận định trái ngược. Thực tế trong thời gian tới sẽ diễn biến theo xu thế và khả năng nào? Quan sát một cách khách quan, tình hình đang ở thế giằng co, chưa bên nào áp đảo, chế ngự hẳn bên nào. Mỗi bên có những lợi thế khác hẳn nhau.
Một bên có thế khá mạnh của chính quyền, nắm trong tay luật pháp, tòa án, bộ máy đàn áp, nhà tù, hệ thống thông tin, báo chí, phát thanh, có hệ thống đảng từ trên xuống dưới tuy hàng ngũ ngày càng lỏng lẻo, chán nản rã rời ở cơ sở. Thế yếu của chính quyền là bị tố cáo «ươn hèn với giặc, tàn bạo với dân», bán rẻ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, đi đêm với kẻ thù bành trướng… với nhiều dẫn chứng khó chối cãi. Một thế yếu nữa là thất hứa trong chống tham nhũng, còn tỏ ra bênh che và thực hiện tham nhũng vô độ, tự mình trở thành kẻ nội xâm, tự mình từ bỏ tính chính đáng trước con mắt tinh tường của nhân dân.
Phía đối lập ngày càng hình thành đông đảo, số lượng và phẩm chất chuyển hóa khá nhanh, có sức lôi cuốn mạnh và chắc, tự tin ở lẽ phải và chính nghĩa, có dự trữ lực lượng vô tận. Giới trí thức tinh hoa dân tộc đóng vai chủ đạo, dẫn đường với hàng vài chục giáo sư, tiến sỹ, luật gia, nhà báo… có uy tín hàng đầu, liên kết với một đội ngũ văn nghệ sỹ mang thật sự bản chất nhân dân, lại có hàng chục nhân vật cộng sản cựu trào danh tiếng trong sạch, có hàng chục viên tướng quân đội và công an gắn mình với nhân dân, với đất nước, có cả đại biểu quốc hội trước đây và đương nhiệm…Sát cánh là đội ngũ tuổi trẻ, học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành luật và ngành sử, ngày càng thức tỉnh và dấn thân. Thế rất mạnh của lực lượng đối lập là nêu cao lòng yêu nước, thương dân, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, dương cao lá cờ yêu nước truyền thống.
Một thế mạnh nữa là lực lượng đối lập luôn có sáng kiến mới, vì là trí thức trẻ thông minh sáng tạo, am hiểu thời thế và thế giới, biết rút kinh nghiệm và học hỏi mọi nơi như những kinh nghiệm Bắc Phi.
Nhưng thế yếu của đối lập là chưa tổ chức được chặt chẽ thống nhất. Dự trữ lực lượng lớn nhưng chưa huy động được nhiều. Nhiều hành động còn mang tính tự phát. Dư luận xã hội tuy ngầm ủng hộ khá rõ nhưng còn e ngại trực tiếp xuống đường tham gia đấu tranh.
Tuy nhiên, 5 chủ nhật vừa qua, đã có một số tiến bộ rõ; các điểm tập trung, tuần hành, phân tán và hội tụ rất linh hoạt, biến hóa, có khi phân tán ngồi tọa kháng trên diện rộng, khi thì tập trung đông đảo thành mít-tinh lớn, đọc tuyên cáo, tuyên ngôn, khi thì hô những khẩu hiệu thích hợp, khi thì hát đồng ca Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn, Lên đường, khi thì kéo đàn, thổi kèn cho vui vẻ, lại khéo lôi kéo các nhân viên công an, cảnh sát. Như cụ già nói thân mật: « Chú mày cấm tao và bà con được quyền yêu nước à?» Các em nói: «Chú là công an nhân dân hay công an bành trướng?» Các cô gái nói: «Anh ơi, em chỉ yêu anh công an yêu nước thôi, này hãy cầm lá cờ này, bỏ dùi cui xuống anh ơi …», làm cho mấy chú công an phải xử nhũn: «Chúng cháu chỉ ngăn bạo loạn thôi bác ạ». Khả năng đánh thức, cô lập, tranh thủ bộ máy đàn áp là rất lớn, vì anh em đều có lương tri, lòng tự trọng và biệt suy nghĩ, trừ những kẻ đã bán mình cho quỷ dữ và bắt tay với những phần tử bất hảo của xã hội đen để chống nhân dân.
Đã có những tin tức thuận lợi cho phong trào là nhiều người, từ giáo sư, luật sư, nhà báo, nghệ sĩ, cán bộ lão thành từng dự đấu tranh 5 chủ nhật qua hứa hẹn sẽ có mặt những chủ nhật tới, nhiều bạn già trẻ gái trai tuy nay còn do dự nhưng đã hứa hẹn, cam kết sẽ mạnh dạn tham gia những chủ nhật tới, không thể vắng mặt. Dân oan khắp nơi xa gần và bà con giáo dân yêu nước cũng hò hẹn sẽ thắp nến cầu nguyện cho toàn vẹn lãnh thổ, hòa nhập đấu tranh chung để tăng thanh thế.
Để xem, những chủ nhật tới 10 và 17 -7 tình hình sẽ ra sao. Cuộc đọ sức giữa 2 bên bước vào tình thế gay gắt. Vì cuộc họp đầu tiên của Quốc hội mới khóa XIII sẽ diễn ra; họ sẽ bàn luận và quyết định ra sao về cuộc khủng hoảng biển Đông. Rồi sẽ mở cuộc xét xử phúc thẩm luật sư Cù Huy Hà Vũ, chiến sỹ dân chủ ở hàng đầu chống bành trướng.
Sẽ là những ngày hè rất nóng, nhưng cũng rất thú vị cho những ai theo dõi thời cuộc, với mong muốn và hy vọng tốt lành cho quê hương và đất nước.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.