Đường dẫn truy cập

Những biến động năm 2014 định hình chính sách đối ngoại của ông Obama


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Năm 2014 đề ra một số thách thức lớn nhất cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nhiệm kỳ của ông, bao gồm Ukraine, sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo, việc triệt thoái lực lượng của Mỹ khỏi nước Afghanistan đầy bất ổn, dịch Ebola ở Tây Phi, và loan báo gây sốc về việc tiến tới bình thường hóa quan hệ với kẻ thù lâu năm Cuba. Thông tín viên Tòa Bạch Ốc Luis Ramirez nhìn lại một năm di sản chính sách đối ngoại của ông Obama mà đôi khi được mô tả là mập mờ, phức tạp và mâu thuẫn.

Việc Nga xâm chiếm bán đảo Crimea mà Ukraine kiểm soát là cú sốc đầu tiên của năm 2014 đối với chính quyền Obama. Tòa Bạch Ốc đưa ra những cảnh báo cứng rắn và những biện pháp trừng phạt nhưng không cam kết đưa binh sĩ Mỹ vào một cuộc xung đột mà Tòa Bạch Ốc coi là thuộc về vấn đề nguyên tắc nhưng không có tầm quan trọng chiến lược.

Đến giữa năm và với những cuộc xung đột ở Iraq và Syria bùng lên, một số người đã chỉ trích chính sách đối ngoại của ông Obama là yếu kém. Đáp lại những lời chỉ trích này, ông Obama nói:

"Những lời chỉ trích dành cho chính sách đối ngoại của chúng tôi thường nhắm vào việc không sử dụng vũ lực quân sự. Và câu hỏi mà tôi nghĩ tôi muốn đưa ra là, tại sao tất cả mọi người lại hăng hái muốn sử dụng vũ lực quân sự như vậy sau khi chúng ta vừa trải qua một thập kỷ chiến tranh với bao nhiêu là tổn thất cho binh lính và ngân sách của chúng ta? Chính xác là điều gì mà những người chỉ trích cho rằng có thể đã đạt được? "

Những lời chỉ trích gia tăng vào tháng 8. Trong lúc những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo tiến chiếm lãnh thổ ở Syria, Tổng thống nói ông vẫn còn đang vạch kế hoạch ứng phó:

"Chúng tôi chưa có chiến lược nào."

Vài tuần sau đó, ông Obama công bố một kế hoạch có phần dè dặt, điều động hàng trăm binh sĩ trở lại Iraq, mở rộng chiến dịch ném bom ở Syria và miễn cưỡng để Mỹ can dự sâu vào điều mà ông nói sẽ là một cuộc chiến nữa mà phải mất nhiều năm mới giành chiến thắng.

Chính vì sự miễn cưỡng tham chiến này mà đôi khi khiến ông bất đồng với những thành viên trong đội ngũ an ninh của ông, theo nhà phân tích Michael Rubin:

"Vấn đề cơ bản là Tổng thống, với sự xác tín chính trị của riêng mình, muốn tránh đưa bộ binh tham chiến, trong khi giới chuyên gia quân sự cho rằng tổng thống đang mắc sai lầm về việc đó."

Mặc dù giành được một số thắng lợi khi phản công Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, đến cuối năm 2014 nhóm này vẫn là mối đe dọa đáng kể. Các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine vẫn chưa hề được giải quyết, và mối quan hệ với Nga - nước mà ông Obama đã tìm cách thiết định lại quan hệ khi ông nhậm chức - đang trong thời kỳ ảm đạm nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Một nền tảng cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Obama là chính sách tái cân bằng lực lượng và các nỗ lực ngoại giao của Mỹ về khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi mà Mỹ đang theo dõi sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành vi ngày càng quyết đoán của nước này.

Tuy vậy, nhà phân tích Robert Daly cho biết chính sách này cũng có những thách thức riêng:

"Kể từ khi loan báo chính sách tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương, Mỹ vẫn tiếp tục bị phân tâm. Ai Cập, Libya, Syria, rồi Nhà nước Hồi giáo, Ukraine, Ebola. Người ta đặt ra câu hỏi liệu sự tái cân bằng này thực tế đã xảy ra hay chưa."

Trong số những thành công của mình, Tổng thống Obama đã điều động hàng trăm binh lính Mỹ chiến đấu với dịch Ebola ở Tây Phi.

Và vào cuối năm nay, Tổng thống làm nên lịch sử với một loan báo táo bạo nói rằng Mỹ đang bình thường hóa quan hệ với kẻ thù ý thức hệ lâu năm, Cuba, sau hơn nửa thế kỷ:

"50 năm qua cho thấy sự cô lập đã không có tác dụng. Đã tới lúc cần có một cách tiếp cận mới."

Tổng thống Obama hy vọng năm 2015 sẽ là một chương mới trong quan hệ của Mỹ với một thế giới mà trong năm 2014 đã nhanh chóng trở nên phức tạp hơn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG