Tin tức truyền thông nói giới hữu trách Hoa Kỳ đã liên kết Bắc Triều Tiên với vụ tấn công mạng hồi tháng trước nhắm vào hãng phim giải trí Sony. Vụ tấn công này được thực hiện để làm áp lực buộc hãng phim này phải huỷ bỏ việc công chiếu một cuốn phim chế giễu lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Từ Seoul, thông tín viên VOA Brian Padden tường thuật rằng vụ việc này rất quen thuộc với các công ty ở Nam Triều Tiên, đã có thành tích bị miền Bắc nhắm làm mục tiêu.
Ông Simon Choi, một nhà nghiên cứu về an ninh mạng tại một công ty chống virut ở Seoul gọi là Hauri Incorporated, đã nghiên cứu các mã số nhu liệu xấu dùng để hack hệ thống máy điện toán của Công ty Sony. Ông nói những mã số này tương tự với những mã số đã được sử dụng trong một vụ tấn công mạng nhắm vào các công ty Nam Triều Tiên hồi năm 2012.
Ông Choi nói những mã số này xác nhận là nhu liệu xấu được sử dụng trước đây là từ một địa chỉ IP ở Bắc Triều Tiên, và nhu liệu tìm thấy trong vụ hãng phim Sony là giống nhau. Vì thế ông cho rằng vụ hãng phim Sony có liên hệ với Bắc Triều Tiên.
Các chuyên gia phân tích an ninh khác đã mô tả vụ tấn công là “do nhà nước bảo trợ” và nhiều nguồn tin nói rằng Bắc Triều Tiên là chính phủ có liên can. Một giới chức chính phủ Hoa Kỳ viện dẫn các bản tin nói rằng Washington cũng đã đi đến cùng một kết luận nhưng còn do dự chưa chính thức cáo buộc Bắc Triều Tiên về việc phát động một vụ tấn công khủng bố trên mạng.
Vụ tấn công vào hãng Sony phơi bày hàng chục ngàn tài liệu mật. Các thủ phạm cũng đã đe doạ công bố thêm trừ phi Sony bãi bỏ kế hoạch cho ra mắt cuốn phim “The Interview”, một phim hài đen nói về việc ám sát lãnh tụ Kim Jong Un. Hãng phim và các nhà phân phối đã khuất phục trước yêu sách này sau khi các tay hacker tự xưng là Guardians of Peace, tức Những người Bảo vệ Hoà bình, dường như đe doạ sẽ thực sự tấn công vào các rạp chiếu phim này.
Chính phủ Bắc Triều Tiên phủ nhận việc can dự vào vụ tấn công mạng nhắm vào hãng Sony nhưng gọi đó là một “việc làm đúng đắn” và thừa nhận rằng vụ này có thể do những người ủng hộ Bắc Triều Tiên thực hiện. Trước đây trong năm, Bình Nhưỡng đã gọi chính cuốn phim này là một hành vi chiến tranh.
Sony ước tính sẽ thất thu hơn 100 triệu đôla về cả chi phí lẫn thu nhập dự kiến, chỉ vì bãi bỏ việc chiếu cuốn phim. Nhưng các chuyên gia phân tích an ninh nói những vụ tấn công mạng có thể đề ra các hiểm hoạ lớn hơn cho an ninh quốc gia với tiềm năng làm ngưng hoạt động các tiện nghi điện khí, các hệ thống hàng không và các công ty tài chính.
Ông Kim Hung-kwang, chủ tịch một nhóm bất đồng chính kiến có tên là Đoàn kết Trí thức Bắc Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng đã khai triển các khả năng mạng từ hơn 1 thập niên.
Ông Kim cho biết từ năm 2004 đến năm 2009, họ ở trong một giai đoạn mà họ đã đẩy mạnh khả năng của mình bắng cách xây dựng các sách lược cụ thể riêng của họ và trực tiếp tấn công Nam Triều Tiên. Kể từ khi đó, ông cho rằng Bắc Triều Tiên đã tiến vào một giai đoạn cải tiến và phát triển.
Ngăn chặn các cuộc tấn công này rất khó và tốn kém. Ông Choi nói Nam Triều Tiên đã thiết lập một hình thức mạng lưới hợp tác để cảnh báo sớm nhằm báo động các công ty về mọi mưu toan vi phạm an ninh mạng.
Theo ông Choi, nếu các vụ hacking xảy ra hay nếu tìm ra các nhu liệu xấu từ Bắc Triều Tiên, chính phủ sẽ chia sẻ thông tin với các công ty để lập tức đáp ứng.
Hoa Kỳ cho hay đang gắng sức đưa những thủ phạm vụ tấn công này ra trước công lý, và đang cứu xét nhiều phương án để đáp lại. Nhưng điều này có thể tỏ ra khó khăn trong bối cảnh Bắc Triều Tiên vốn phần lớn đã bị cắt đứt khỏi nền kinh tế toàn cầu và bị đặt dưới các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc vì theo đuổi chương trình hạt nhân.