Ủy ban Cố vấn Trong nước của Liên minh châu Âu (EU DAG) cho Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa lên tiếng lo ngại về việc không gian xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp tại Việt Nam sau những vụ bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động môi trường gần đây tại quốc gia Đông Nam Á.
Chính quyền Việt Nam gần đây đưa ra xét xử và kết án nhiều năm tù các nhà hoạt động môi trường đồng thời là những lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự, gồm Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách và Bạch Hùng Dương. Họ đều bị cáo buộc tội “trốn thuế,” một tội danh mà các tổ chức nhân quyền cho rằng chính quyền Việt Nam dùng để bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong một xu thế đáng lo ngại tại quốc gia đo Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp vào tháng trước, EU DAG nói rằng có những “lo ngại đáng kể đã được nêu lên trong cuộc họp về sự thu hẹp không gian cho xã hội dân sự ở Việt Nam” và rằng nhóm “vẫn quan ngại sâu sắc về các vụ bắt giữ, bỏ tù và kết án một số nhà bảo vệ quyền môi trường nổi tiếng ở Việt Nam.”
Tuyên bố của ủy ban này, đưa ra hôm 29/9, nói rằng nhóm đã nghe các báo cáo từ Ủy ban châu Âu và các tổ chức khác về tiến trình thực hiện EVFTA, một hiệp định thương mại bị nhiều tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động vì dân chủ cho Việt Nam phản đối nhưng đã có hiệu lực từ tháng 8 năm ngoái. Theo nhóm Cố vấn, ngày càng có nhiều báo cáo, ý kiến, tuyên bố và nghị quyết do Liên Hợp quốc và Liên minh châu Âu đưa ra ghi lại “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra ở Việt Nam.”
“Sự quấy rối những người bảo vệ nhân quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các nhà báo dựa trên việc sử dụng tùy tiện cách diễn đạt quá rộng của Bộ luật Hình sự và Luật Thuế (ở Việt Nam) đã bị EU và các cơ chế giám sát nhân quyền của LHQ, bao gồm Hội đồng Nhân quyền LHQ (HRC) và Nhóm làm việc về giam giữ tùy tiện (WGAD), tố cáo,” tuyên bố của EU DAG cho biết.
Đài Quan sát Bảo vệ người Bảo vệ Nhân quyền vào giữa tháng trước đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp đến chính quyền Việt Nam trước những quan ngại về việc nhà cầm quyền sử dụng tội danh trốn thuế để bắt bớ và hình sự hóa bốn nhà hoạt động môi trường nêu trên. Tổ chức này cho rằng chính quyền Hà Nội đã sách nhiễu pháp luật đối với họ.
Ông Bách, một luật sư về quyền môi trường đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) bị tòa phúc thẩm tuyên y án 5 năm tù hôm 11/8. Cùng ngày hôm đó, ông Lợi và ông Dương – đều là lãnh đạo của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), bị tuyên lần lượt 4 năm và 2 năm rưỡi tù sau trong một phiên xử phúc thẩm riêng biệt. Trước đó hồi tháng 6, bà Khanh, nhà bảo vệ quyền môi trường nổi danh nhất của Việt Nam và là giám đốc của Green ID, bị tuyên án 2 năm tù.
Các tổ chức nơi ông Bách, ông Lợi và ông Dương làm việc – tức LSPD và MEC – cùng Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Vệt Nam (VCHR) cho rằng ba nhà lãnh đạo dân sự này bị bắt giữ là do họ đã thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự trong việc giám sát EVFTA. Nhóm Cố vấn, EU DAG, hồi tháng 7 năm ngoái cho biết rằng ông Bách và ông Lợi bị bắt sau khi nộp đơn xin làm thành viên của nhóm này.
Các vụ bắt giữ và kết án các nhà lãnh đạo dân sự về quyền môi trường được xem là mâu thuẫn với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu khi quốc gia Đông Nam Á cam kết có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sẽ từ bỏ nhiệt điện than đến năm 2040.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần khẳng định rằng các bản án này “không liên quan gì đến hoạt động môi trường”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 6 nói rằng “Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.”
Tuy nhiên, nhà báo David Hutt hồi tháng 7 nhận định trên tờ Diplomat rằng sở dĩ các nhà hoạt động môi trường nổi bật như bà Khanh bị bắt là vì Đảng Cộng sản ở Việt Nam lo sợ rằng các yêu sách ban đầu về môi trường sẽ đi quá xa đến mức đòi hỏi những thay đổi về chế độ.
Các chính phủ phương Tây, gồm Mỹ và Anh, cùng các tổ chức nhân quyền đã lên án việc Việt Nam kết án các nhà hoạt động môi trường, đặc biệt là bà Khanh, người được quốc tế công nhận với việc thúc đẩy các vấn đề về biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững ở Việt Nam.
EU DAG nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng các quyền của các tổ chức xã hội dân sự trong việc xem xét và giám sát việc thực hiện EVFTA. Ủy ban này cho rằng hiệp định thương mại “chỉ có thể được thực hiện đúng như cam kết nếu xã hội dân sự có thể giám sát minh bạch và xem xét kỹ lưỡng việc thực hiện.”
Nhân quyền được xem là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa liên minh châu Âu và Việt Nam và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA. Hơn 60 nghị sĩ châu Âu hồi tháng 9 năm 2020 đã đề xuất kích hoạt điều khoản nhân quyền để đình chỉ EVFTA sau khi đưa ra quan ngại về các bản án tử hình vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên, hiệp định thương mại này cuối cùng vẫn được EU và Việt Nam phê chuẩn và có hiệu lực gần một năm sau đó.
Báo cáo Đánh giá tác động dài hạn của EVFTA cho biết hiện tại, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại chính của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 21,3 tỷ EUR. Khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang EU, và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á.
Diễn đàn