Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ tiếp tục cắm trại ở trung tâm thương mại của thành phố Bangkok và không rõ là khi nào họ mới quay về nhà.
Những người Áo Đỏ không hài lòng trước việc Phó Thủ tướng Suthep Thaungsuban ra trình diện với giới hữu trách Bộ Tư pháp để trả lời những câu hỏi về vụ đụng độ giữa người biểu tình với các lực lượng an ninh hôm mồng 10 tháng Tư.
Ông Suthep là người phụ trách công tác an ninh khi hơn 20 người thiệt mạng trong một nỗ lực bất thành của chính phủ nhằm giải tán người biểu tình.
Những người Áo Đỏ đòi hỏi là Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và ông Suthep phải được điều tra về vai trò của họ trong vụ trấn áp đó. Ông Abhisit cho biết ông sẽ gặp các giới chức Bộ Tư pháp một khi Quốc hội cho phép ông làm như thế.
Tuy nhiên, một nhân vật lãnh đạo cuộc biểu tình, ông Weng Tojirakarn tuyên bố rằng cuộc biểu tình chỉ chấm dứt khi nào ông Suthep nộp mình cho cảnh sát.
Những người biểu tình nói rằng Cục Điều tra Đặc biệt của Bộ Tư pháp thiên vị chính phủ. Trong khi đó, giới cảnh sát được xem là có thái độ thân thiện hơn với phe Áo Đỏ.
Ông Weng Tojirakarn cho biết như sau: "Chúng tôi muốn chính phủ được đặt vào hệ thống tư pháp, một hệ thống tư pháp thật sự chứ không phải hệ thống tư pháp có xung đột quyền lợi. Vì vậy nếu ông ấy ra trình diện với Cục Điều tra Đặc biệt thì tôi nghĩ rằng điều đó không phù hợp với một hệ thống tư pháp thông thường hay một hệ thống tư pháp chính đáng."
Thủ tướng Abhisit đã đề nghị một kế hoạch hòa giải, bao gồm việc tổ chức bầu cử vào tháng 11, cải tổ hiến pháp và bầu cử, và phát triển kinh tế. Những người biểu tình đã chấp thuận kế hoạch đó trên nguyên tắc.
Phát ngôn viên chính phủ, ông Panitan Wattayanagorn nói rằng những người biểu tình cần phải hiểu rằng kế hoạch hòa giải này có sự ủng hộ của đông đảo dân chúng.
Ông Panitan nói: "Chấm dứt cuộc biểu tình là nguyện vọng của nhân dân Thái Lan, của đa số người dân ở Thái Lan, và tôi nghĩ rằng đại đa số dân chúng đang chờ đợi và mong muốn phe Áo Đỏ chấm dứt cuộc biểu tình và bắt đầu làm việc để đạt được 5 mục tiêu của đề nghị hòa giải."
Những người biểu tình đã chiếm đóng khu vực thương mại hạng sang của thành phố Bangkok từ đầu tháng tư đến nay.
Những người biểu tình phần lớn là dân lao động ở nông thôn và thành thị, cùng với những người hoạt động chính trị thuộc cánh tả và những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006, tuy đã được đắc cử hai lần.
Những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok đã gặp bế tắc. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về từ thủ đô Thái Lan, những người biểu tình không hài lòng với cách thức mà các giới chức chính phủ tiến hành cuộc điều tra về những vụ đụng độ chết người với các lực lượng an ninh.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1