Vụ phóng hoả tiễn mới nhất của Bắc Triều Tiên đã làm tăng thêm mối lo ngại của Mỹ và các nước đồng minh là quốc gia Cộng Sản này đang ra sức đẩy mạnh chương trình phát triển phi đạn đạn đạo. Thông tín viên Jeff Custer của đài VOA.
Hôm 7 tháng 2, đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên cho biết nước họ đã phóng một hoả tiễn tầm xa từ địa điểm phóng hoả tiễn Tong Chang Ri ở duyên hải phía tây. Bản tin nói rằng vụ phóng được thực hiện theo lệnh của lãnh tụ Kim Jong Un và đạt được thành quả mà họ gọi là "một sự thành công hoàn toàn." Bình Nhưỡng cũng cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện những vụ phóng như vậy.
Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã nhanh chóng lên án vụ phóng của Bắc Triều Tiên bị cho là để phát triển phi đạn đạn đạo.
Bà Park nói: "Bắc Triều Tiên đã làm ngơ cảnh báo của cộng đồng quốc tế và đã thực hiện một hành vi khiêu khích không thể chấp nhận được qua việc phóng đi một phi đạn tầm xa sau khi thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư."
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đưa ra một lời lên án nghiêm khắc: "Chúng tôi sẽ có phản ứng quyết liệt, qua sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cũng sẽ làm hết sức mình để bảo đảm an toàn và an ninh của người dân chúng tôi."
Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Đại sứ Mỹ Samantha Power, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động một cách mạnh mẽ để đáp trả những sự vi phạm của Bình Nhưỡng đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Power phát biểu: "Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng nếu không có một phản ứng mạnh mẽ và hữ hiệu từ cộng đồng quốc tế. Sự phát triển được tăng tốc của chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho nền hoà bình và an ninh quốc tế, không riêng cho hoà bình và an ninh của các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên mà còn cho hoà bình của toàn thế giới."
Bình Nhưỡng nhất mực cho rằng vụ phóng hoả tiễn hôm 7/2 là một hoạt động không gian hoà bình. Nhưng việc họ rõ ràng không tuân hành các nghĩa vụ quốc tế đang nêu ra những nghi vấn về mục đích của vụ phóng này.
Nhiều nhà quan sát ở Tây phương nghi Bình Nhưỡng tìm cách phát triển kỹ thuật phi đạn đạn đạo. Họ cho rằng kỹ thuật dùng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo cũng có thể được dùng để phóng đi một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân.
Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bình Nhưỡng thực hiện những vụ thử nghiệm hạt nhân hoặc những vụ phóng sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo.