Đường dẫn truy cập

Nhiều nước láng giềng khốn đốn vì vấn đề người tị nạn Syria


Người tị nạn Syria chen nhau lấy thực phẩm viện trợ. Viện trợ quốc tế cho vụ khủng hoảng người tị nạn mà các chuyên gia cho là tệ hại nhất kể từ thế chiến thứ hai cho đến nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà LHQ cho là cần phải có.
Người tị nạn Syria chen nhau lấy thực phẩm viện trợ. Viện trợ quốc tế cho vụ khủng hoảng người tị nạn mà các chuyên gia cho là tệ hại nhất kể từ thế chiến thứ hai cho đến nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà LHQ cho là cần phải có.

Các nước Âu Châu đang ra sức ứng phó với làn sóng của những người tị nạn tới được nước họ hoặc được cứu ở trên Địa Trung Hải từ những chiếc thuyền ọp ẹp chở quá đông người. Nhưng tâm điểm của vụ khủng hoảng nhân đạo này là ở Libya và những nước láng giềng của Syria. Thông tín viên Jamie Dettmer của đài VOA tường thuật.

Trong 4 năm qua, giữa lúc Syria chìm ngập trong chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Li Băng đã phải tiếp nhận hàng triệu người vượt biên xin tị nạn. Tình trạng đó làm cho các nguồn lực của 3 nước này bị căng thẳng và họ đã không ngừng thúc giục các nước Tây phương tiếp nhận người Syria tị nạn để giảm bớt những sức ép đè lên nước họ.

Hồi tháng 7, nhiều tuần lễ trước khi bức ảnh của em bé Syria chết đuối tạo ra cơn bão lửa chính trị và truyền thông ở phương Tây, các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo là họ không có khả năng để ứng phó với làn sóng người tị nạn và Âu Châu sẽ phải đối mặt vấn đề là có rất nhiều người Syria tìm cách tới Âu Châu trên những chiếc thuyền chở người vượt biên trái phép.

Ông Volkan Bozkir, Bộ trưởng Liên hiệp Âu Châu Sự vụ của Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo “Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn khả năng để ứng phó với vấn đề người tị nạn. Giờ đây nhiều người bắt đầu nói tới sự xuất hiện của một làn sóng mới của người tị nạn và nó sẽ làm cho Liên hiệp Âu Châu phải trực diện với tình trạng có thêm người di dân.”

Tiếp nhận người tị nạn rất tốn kém

Cậu bé tị nạn người Syria bế em gái trở về nhà ở huyện Hacibayram ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Những tác động kinh tế-xã hội của vụ khủng hoảng người tị nạn đã hiện rõ qua sự tăng vọt của tội phạm và những vấn nạn xã hội khác.
Cậu bé tị nạn người Syria bế em gái trở về nhà ở huyện Hacibayram ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Những tác động kinh tế-xã hội của vụ khủng hoảng người tị nạn đã hiện rõ qua sự tăng vọt của tội phạm và những vấn nạn xã hội khác.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận khoảng 2 triệu người Syria, và các giới chức ở Ankara tin rằng vụ khủng hoảng người tị nạn Syria cho đến nay đã làm cho họ tốn 6 tỉ đô la. Liên hiệp Âu Châu đã quyết định cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 63 triệu đô la để giúp người tị nạn, nhưng hầu hết khoản tiền đó chưa được chuyển giao. Kể từ tháng 3, khi Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt những sự hạn chế đối với người Syria vượt biên, nhiều người đã tìm kiếm sự giúp đỡ của những kẻ đưa người lậu. Và có một số tin tức cho biết lính Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ súng về hướng những người tị nạn để tìm cách ngăn chận.

Viện trợ quốc tế cho vụ khủng hoảng người tị nạn mà các chuyên gia cho là tệ hại nhất kể từ thế chiến thứ hai cho đến nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà Liên Hiệp Quốc cho là cần phải có. Đợt vận động mới nhất của Cao uỷ Tị nạn để quyên góp 4 tỉ 500 triệu đô la chỉ quyên được chưa tới 25%. Chương trình Thực phẩm Thế giới đã phải liên tục cắt giảm ngân khoản của phiếu lương thực hàng tháng, và hiện nay, những người tị nạn có đăng ký ở Li Băng chỉ nhận được 13 đô la rưỡi một tháng.

Những hậu quả của tình trạng chính phủ thiếu khả năng ứng phó và ngân quỹ bị thiếu thốn trầm trọng có thể thấy được hàng ngày tại các tỉnh biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ như Gaziantep, Kilis, Sanliurfa và Hatay, và ngay cả ở Istanbul, là thành phố nằm xa hơn về hướng bắc. Số người Syria ăn xin ngoài đường hoặc tranh nhau xin làm những công việc nặng nhọc, thất thường mỗi ngày một nhiều, và những tác động kinh tế-xã hội của vụ khủng hoảng người tị nạn đã hiện rõ qua sự tăng vọt của tội phạm và những vấn nạn xã hội khác.

Sự bực tức cũng dân chúng địa phương cũng gia tăng và nhiều người than phiền là người Syria làm cho mức lương của họ hạ thấp vì sẵn sàng làm việc với số tiền công rất ít oi.

Sự đối xử với người tị nạn cũng ngày càng tệ hơn. Ông Mohamed, một người tị nạn 42 tuổi đến từ Aleppo, nói rằng “Những người làm ăn ở đây đối xử với chúng tôi không tốt. Họ thường không trả công cho chúng tôi theo mức mà họ đã hứa.” Ông Mahamed có bốn người con và đang thuê một căn chung cư ọp ẹp ở một khu của dân lao động ở Gaziantep cho biết tiền thuê nhà hồi gần đây ở thị trấn biên giới Kilis đã tăng gấp đôi. 28 trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có 278.000 người đang tạm trú và không còn chỗ để nhận thêm người.

Tình hình ở Li Băng

Người tị nạn Syria đứng bên ngoài căn lều trong trại tị nạn ở thị trấn phía đông Houch al-Harimeh ở Libăng.
Người tị nạn Syria đứng bên ngoài căn lều trong trại tị nạn ở thị trấn phía đông Houch al-Harimeh ở Libăng.

Tình hình ở Li Băng cũng giống như vậy và có thể nói là còn tệ hại hơn khi đề cập tới vấn đề nhà ở. Dưới những áp lực, chủ yếu là của nhóm Hezbollah có nhiều thế lực của người Hồi giáo Shia, Li Băng không cho phép thiết lập trại tị nạn cho 1 triệu rưỡi người Syria tràn vào quốc gia rất bất ổn này. Vấn đề thành phần dân số rất quan trọng trong sinh hoạt chính trị ở Li Băng, và vì lo ngại là các trại tị nạn đồng nghĩa với sự hiện diện lâu dài của người tị nạn, hầu hết là người Hồi giáo Sunni, cho nên người Hồi giáo Shia phản đối việc lập trại tị nạn.

Tại một khu trại dựng tạm nằm gần thị trấn Bar Elias nhiều bụi bặm, ông Abed Razzak Khali đã từ ngoại ô Damascus tới đây tị nạn với vợ và hai đứa con nhỏ. Ông nói ông không hiểu tại sao gia đình ông không có thêm trợ giúp. Ông chỉ tay về phía đứa con gái một tuổi của ông và nói “Về phần tôi, tôi có thể kiên nhẫn, tôi có thể chờ đợi. Nhưng con bé này không thể nhịn đói. Vâng, họ có cho chúng tôi một ít, nhưng những gì mà chúng tôi cần thì nhiều hơn rất nhiều. Thật là khổ sở.”

Sự khốn khổ mà những người Syria này chịu đựng đã khiến họ rời bỏ Syria và giờ đây chính điều này cũng khiến họ quyết định chạy khỏi Li Băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Libya tình hình có khác hơn đôi chút. Những người vượt biên tới đây phần lớn là từ các nước trong vùng phía nam sa mạc Sahara. Nhiều người đến từ Somalia với ý định thực hiện những chuyến hải hành đầy nguy hiểm để vượt Địa Trung Hải. Trong chuyến đi thăm các trung tâm tạm giam ở Tripoli, phóng viên đài VOA nhận thấy hầu hết những người di dân tràn vào Libya để chuẩn bị sang Âu Châu là những người di dân thuần tuý, những người muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và chạy trốn đói nghèo, và không phải là những người tị nạn vì chiến tranh.

Dựa trên mức tiêu thụ của lương thực được trợ giá, các giới chức ước tính hiện nay có khoảng 1 triệu người di dân không đăng ký ở Libya. Một số người đang làm việc trong lúc nhiều hy vọng sẽ vượt Địa Trung Hải trong nay mai. Những chuyện này xảy ra trong một đất nước đầy xáo trộn và chia thành hai phe giao tranh với nhau.

Tại một trung tâm tạm giam người di dân trong quận Ben Ashour ở Tripoli, Trung uý Abdul Naser Hazam cho biết ông và những người dưới quyền cảm thấy rất bất mãn. Không phải vì những người di dân mà vì không có sự trợ giúp của quốc tế để cải thiện những cơ sở tạm giam người di dân đang thiếu thốn đủ mọi thứ. Ông nói “Các quan chức Tây phương không tới đây. Lẽ ra họ phải tới để thấy những chúng tôi mà chúng tôi đang ra sức giải quyết.”

Ông Altaher Mohamed Makni, một chính khách Libya, nói “Các nước Châu Âu có tiền và nên giúp đất nước của những người di dân này phát triển và đầu tư vào các dự án ở những nước Phi Châu phía nam sa mạc Sahara. Điều đó sẽ giúp cho người di dân khỏi phải tìm cách rời bỏ đất nước của họ.”

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu chủ nhật vừa qua cũng trình bày một ý kiến tương tự. Trong bài diễn văn đọc tại Ankara, ông nói các nước Âu Châu không nên tập trung nỗ lực vào việc ngăn chận người tị nạn hay người di dân, mà phải chú tâm vào việc giải quyết những cú sốc làm cho họ phải bỏ chạy và giúp cho họ ở lại trên đất nước của mình.

Khi đề cập tới 5 nước hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông nói “Họ không trả cái giá cho những sự việc xảy ra ở Syria và Iraq. Chúng tôi, những nước láng giềng của Syria, đang trả cái giá này.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG