Đường dẫn truy cập

Australia đồng ý tiếp nhận thêm người tị nạn Syria


Di dân chờ đợi để vượt qua biên giới của Hy Lạp với Macedonia, gần làng Idomeni, ngày 6/9/2015.
Di dân chờ đợi để vượt qua biên giới của Hy Lạp với Macedonia, gần làng Idomeni, ngày 6/9/2015.

Australia vừa đề nghị tái định cư thêm người tị nạn từ Syria, nhưng cho biết sẽ không tăng tổng số người tị nạn vào nước họ. Thông tín viên Phil Mercer của đài VOA tường thuật từ Sydney.

Hình của xác em bé Syria giạt vào bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm chấn động thế giới.

Thủ tướng Australia Tony Abbott bày tỏ sự kinh hoàng đối với cái chết của em bé này.

Bộ trưởng Di trú Australia Peter Dutton sẽ họp với Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Geneve để bàn về việc Canberra có thể làm gì thêm.

Thủ tướng Abbott cho biết việc tiếp nhận thêm người Syria là một việc vô cùng quan trọng.

"Chúng tôi vốn dĩ đã là nước hào hiệp nhất thế giới tính trên cơ sở đầu người khi nói tới chuyện giúp đỡ người tị nạn thông qua Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi có quyết tâm làm nhiều hơn nữa để ứng phó với vụ khủng hoảng tại phần đất đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn này của thế giới."

Chính phủ của Thủ tướng Abbott cũng cho biết tổng số người tị nạn mà Australia tiếp nhận là 13,750 người sẽ không gia tăng, và điều này có nghĩa là trong lúc có thêm người Syria được tái định cư, những người tị nạn khác đến từ những nơi có khó khăn như Afghanistan và Myanmar sẽ phải chờ đợi.

Phát ngôn viên về vấn đề di trú của đảng Lao động đối lập Richard Marles nói rằng chính phủ nên làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người lâm cảnh khốn cùng.

"Như vậy là không đủ. Nếu tất cả những gì được đề nghị chỉ là một sự xếp đặt lại thứ tự ưu tiên của một chương trình đang có, thì trên thực tế chính phủ hoàn toàn không có đề nghị gì cả."

Cho đến nay, Australia đã tái định cư khoảng 4,500 người Syria chạy trốn cuộc nội chiến.

Trước đây Canberra đã đồng ý gia tăng tổng số người tị nạn được tiếp nhận trên cơ sở “một lần rồi thôi” để ứng phó với những vụ khủng hoảng người tị nạn, trong đó có vụ khủng hoảng Kosovo trong thập niên 1990. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ đề nghị về một sự gia tăng như vậy vào lúc này.

Thủ tướng Abbott nói với các phóng viên rằng “cách duy nhất có thể ngăn chặn những cái chết của di dân thực ra là ngăn chặn các tàu thuyền”.
Thủ tướng Abbott nói với các phóng viên rằng “cách duy nhất có thể ngăn chặn những cái chết của di dân thực ra là ngăn chặn các tàu thuyền”.

Hai năm chẵn đã trôi qua từ khi chính phủ của ông Abbott giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử với lời hứa hẹn là sẽ áp dụng những chính sách cứng rắn để ngăn chận làn sóng người tị nạn đến Australia bằng tàu thuyền.

Quân đội đã được lệnh xua đuổi thuyền chở người tị nạn, trong khi những người trên những chiếc tàu chưa tiến vào hải phận miền bắc Australia bị đưa tới những trung tâm tạm giam ở các nước khác trong vùng Nam Thái Bình Dương để chờ làm thủ tục.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch gọi những chính sách như vậy là kết quả của “những thủ đoạn chính trị hù doạ”, phương hại tới quyền của người tị nạn. Tuy nhiên các quan chức cấp cao của Australia tiếp tục khẳng định là những chính sách này đã giúp cho rất nhiều người không bị thiệt mạng vì những chuyến hải hành nguy hiểm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG