Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn (UNHCR) mô tả cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu là một "tình hình hết sức bi thảm" và kêu gọi Liên minh châu Âu đảm nhiệm những trung tâm giải quyết di dân.
Phát ngôn viên của UNHCR, Melissa Fleming, hôm thứ Sáu nói rằng cuộc khủng hoảng đã phơi bày sự khác biệt trong thái độ và chính sách của các nước thành viên EU. Bà kêu gọi thành lập những trung tâm giải quyết di dân dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế.
Trước đó trong ngày, Trưởng Cao ủy Antonio Guterres nói cuộc khủng hoảng người tị nạn là một "thời khắc định hình" cho Liên minh châu Âu và nếu EU vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề này thì sẽ chỉ có lợi cho những kẻ đưa lậu người và buôn người.
Cuộc họp không chính thức của EU
Cuộc khủng hoảng di dân đứng đầu chương trình nghị sự tại một cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Luxembourg hôm thứ Sáu. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Federica Mogherini, cho biết vấn đề tìm kiếm và chuyển hướng những thuyền buôn người, lần đầu tiên được thảo luận hôm thứ Năm tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng, sẽ tiếp tục là chủ đề thảo luận.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi sự đoàn kết giữa các thành viên EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đầy thử thách.
"Chúng ta phải bắt đầu một hình thức hợp tác khác," ông nói. "Tinh thần của cuộc họp này và những cuộc họp trong tương lai phải là châu Âu không thể cho phép mình chia rẽ ngay cả khi đối mặt với một thách thức như vậy."
Trong một bức thư gửi cho bà Mogherini, chính phủ của Ý, Pháp và Đức dự kiến sẽ thúc đẩy một hệ thống của châu Âu hồi hương thêm những di dân không đủ điều kiện xin tị nạn và cải thiện kiểm soát biên giới bên ngoài.
Đề xuất hành lang tàu lửa
Tuy nhiên, bộ trưởng nội vụ của hai nước Cộng hòa Czech và Slovakia hôm thứ Sáu nói rằng hai nước họ sẽ cân nhắc cho phép một hành lang tàu lửa để di dân đi từ Hungary đến Đức nếu Hungary và Đức nhất trí về cách thức ứng phó với dòng di dân đổ vào. Cộng hòa Czech và Slovakia nằm trên tuyến tàu chính nối liền Đức với Hungary.
Trong khi đó, Quốc hội Hungary đã thông qua luật mới để ngăn chặn dòng di dân.
Khoảng một chục di dân hôm thứ Sáu đã bỏ trốn khỏi một trại ở Roszke gần biên giới Hungary và Serbia và có tới 300 người khác đang cố gắng rời khỏi trại để tiếp tục cuộc hành trình của họ đến Tây Âu. Những người đào thoát sau đó đã bị cảnh sát chống bạo động câu lưu trên đường cao tốc.
Từ chối xuống tàu
Ở thành phố Bicske của Hungary, hàng trăm người tị nạn từ chối rời khỏi tàu mà họ đã lên với hy vọng đến Đức, nước đã nói rằng sẵn sàng nhận tới 800.000 người tị nạn. Nhà chức trách Hungary nhấn mạnh những quy định của EU đòi hỏi phải đăng ký người tị nạn trước khi họ có thể rời đi tới Đức.
Các quan chức ở Bicske nói chỉ có 16 người tự nguyện xuống tàu để được đăng ký tại một trại tị nạn. Hàng trăm người khác vẫn còn trên tàu và hô to: "Không về trại!" và "Đức, Đức."
Thủ tướng Anh David Cameron hôm thứ Sáu nói rằng Anh sẽ nhận "thêm hàng ngàn" người tị nạn nữa từ Syria, thêm vào con số 5.000 di dân mà họ đã nhận. Ông Cameron cho biết quyết định này là một phản ứng về "quy mô của cuộc khủng hoảng và sự đau khổ của người dân." Ông đưa ra thông báo này sau cuộc họp báo tại Lisbon với Thủ tướng Bồ Đào Nha.
Thi thể bé trai được hồi hương
Trong khi đó tại thành phố Kobani ở Syria, người cha của bé trai mà hình ảnh của em đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng người tị nạn đã chôn cất vợ và hai con trai vào tuần này. Họ thiệt mạng trong một chiếc thuyền bị lật úp trong hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Bức hình thi thể của em Alan Abdullah Kurdi, một người Kurd ở Syria, được chia sẻ trong giới truyền thông trên toàn thế giới sau khi em được tìm thấy đã chết trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hầu hết các cơ quan truyền thông viết tên của cậu bé là Aylan, nhưng Ban Tiếng Kurdish của VOA đã nói chuyện với người chú của cậu bé và ông giải thích rằng trong tiếng Kurdish, tên của em được viết là Alan.
28 nước thành viên EU dự định tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vấn đề người tị nạn vào ngày 14 tháng 9 này.