Đường dẫn truy cập

Gallup International: Người Việt hài lòng về hiệu quả của chính phủ


Quốc hội Việt Nam tại một phiên họp ở Hà Nội. Phần đông người Việt hài lòng với sự lãnh đạo hiệu quả của chính phủ ở Hà Nội, theo một khảo sát của Gallup International thực hiện tháng 12/2017.
Quốc hội Việt Nam tại một phiên họp ở Hà Nội. Phần đông người Việt hài lòng với sự lãnh đạo hiệu quả của chính phủ ở Hà Nội, theo một khảo sát của Gallup International thực hiện tháng 12/2017.

Việt Nam chỉ đứng sau Philippines về số lượng người dân hài lòng về mức độ hiệu quả trong hoạt động của chính phủ, theo một khảo sát mới nhất được Gallup International và Romir cùng thực hiện.

Theo khảo sát toàn cầu của Gallup International có trụ sở ở Thụy Sỹ, được thực hiện trong thời gian từ tháng 11-12 năm 2017 phần đông người dân Việt Nam đồng tình với đường hướng phát triển của chính phủ và cho rằng các nhà lãnh đạo đất nước tôn trọng ý muốn của họ.

Cái mà người dân đang tha thiết nhất là khiếu nại tố cáo, thì giải quyết rất chậm và thiếu hiệu quả, trong đó cái mà người ta mong nhất là sở hữu các thành phần đất đai như thế nào. Tất cả đều thuộc sở hữu của nhà nước thì rõ ràng lòng dân không muốn.
Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam

Trong nhóm 3 nước đứng đầu cuộc khảo sát có sự tham gia của gần 54.000 người từ 52 quốc gia, Việt Nam có mức trung bình 74%, xếp sau vị trí đầu bảng -- Philippines với 77%, và trước Ấn Độ với 72%.

Cách đây 10 năm, trong một khảo sát tương tự được thực hiện bởi Gallup, có trụ sở ở Washington DC của Mỹ, hầu hết người Việt Nam tự tin vào chính phủ của họ với 75% người được hỏi cảm thấy mức sống cá nhân đang được cải thiện và 93% cho rằng nền kinh tế đang trở nên tốt hơn.

Chính phủ 'trên nóng dưới lạnh'

Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nhìn chung người Việt Nam hài lòng về việc kinh tế phát triển mạnh nhưng ông cũng nói rằng còn nhiều bất cập mà người dân muốn chính phủ thay đổi. Người từng có 14 năm làm trong Quốc hội Việt Nam cho biết chính truyền thông nhà nước đã tự nhận xét rằng chính phủ còn “trên nóng dưới lạnh.”

“Tức là chủ trương ở trên thì muốn liền mà triển khai ở địa phương thì bị chậm. Điển hình là cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy nhà nước," theo ông Thuyết. "Nó không đồng bộ làm cho người dân nhìn thấy trên cải cách mà dưới không cải cách. Họ tin những lời nói của trên nhưng rõ ràng triển khai thực tế ở địa phương còn chậm. Nên chính phủ tự nhận xét là trên nóng dưới lạnh.”

Ông Thuyết, cũng là một luật sư lâu năm, cho rằng người dân mong mỏi nhiều nhưng tính hiệu quả của chính phủ “không phải cái gì cũng được.”

“Cái mà người dân đang tha thiết nhất là khiếu nại tố cáo, thì giải quyết rất chậm và thiếu hiệu quả, trong đó cái mà người ta mong nhất là sở hữu các thành phần đất đai như thế nào. Tất cả đều thuộc sở hữu của nhà nước thì rõ ràng lòng dân không muốn," LS Thuyết nói với VOA.

Tranh chấp sở hữu đất đai vẫn luôn là vấn đề nóng ở Việt Nam và vụ việc nổi cộm nhất trong những năm gần đây là vụ tranh chấp đất giữa người dân Đồng Tâm và chính phủ, dẫn tới việc người dân bắt giữ hơn 18 cảnh sát cơ động trong khi công an bắt giữ 4 công dân của xã này.

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực với mức GDP đạt 7,4% trong quý 1/2018, mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Trả lời câu hỏi về “Mức độ đồng ý của bạn như thế nào với sự phù hợp của từ ‘hiệu quả’ đối với chính phủ của bạn?” trong khảo sát của Gallup International, 75% người Việt Nam đồng tình, và ở Philippines con số này là 78%.

Việt Nam tiếp tục có số lượng người dân nhiều thứ 2, chỉ sau Philippines, với 70% trả lời tích cực trong việc đánh giá về sự tôn trọng của chính phủ họ đối với ý chí của người dân.

Trong đánh giá về đường hướng phát triển của chính phủ, 76% người Việt Nam được hỏi cho rằng chính phủ của họ đang đi đúng hướng. Philippines cũng dẫn đầu với 79% người dân hài lòng.

Nếu nền kinh tế tiếp tục thăng tiến, người dân Việt Nam có thể tiếp tục sẵn sàng hy sinh các quyền tự do để có một tương lai thấy trước được.
Gallup nhận định

"Người Việt hy sinh cho tương lai"

Tuy vậy, theo LS Thuyết, người dân vẫn phàn nàn và mong muốn rằng “mở rộng dân chủ hơn, có tự do báo chí, có luật biểu tình” để người dân được tự do thể hiện chính kiến của mình.

Trong con mắt của cộng đồng quốc tế, chính phủ Việt Nam bị cho là thường xuyên đàn áp các tiếng nói chỉ trích việc điều hành của chính phủ. Các blogger, luật sư và các nhà hoạt động thường xuyên bị giam cầm vì những những ý kiến chỉ trích Đảng Cộng sản và các chính sách của chính quyền. Theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra hồi tháng trước, hiện có 97 tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở Việt Nam.

Tổ chức Gallup ở Washington nhận định rằng sự lạc quan về kinh tế và lòng tin vào chính phủ tăng cao của người Việt có thể là những cái làm kìm hãm việc tổ chức các cuộc nổi dậy trong diện rộng.

“Nếu nền kinh tế tiếp tục thăng tiến, người dân Việt Nam có thể tiếp tục sẵn sàng hy sinh các quyền tự do để có một tương lai thấy trước được,” Gallup nhận định.

VOA Express

XS
SM
MD
LG