Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ tăng thuế nhiên liệu để bù nợ và chống ô nhiễm


Việt Nam vừa công bố quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng dầu để bù đắp các khoản nợ công và chống ô nhiễm. Nhưng có nhiều quan ngại việc tăng thuế sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và tăng lạm phát.
Việt Nam vừa công bố quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng dầu để bù đắp các khoản nợ công và chống ô nhiễm. Nhưng có nhiều quan ngại việc tăng thuế sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và tăng lạm phát.

Việt Nam có kế hoạc tăng thuế lên các mặt hàng nhiên liệu bắt đầu vào tháng 7 để bù đắp vào các khoản nợ công và chống ô nhiễm, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết hôm 4/4. Tuy nhiên theo Reuters, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tăng thuế có thể làm tăng lạm phát và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam tăng thuế môi trường lên xăng dầu thêm 33.3% tới mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng (0,1754 USD) trên 1 lít, theo công bố trên website của Bộ Tài chính .

“Việc tăng thuế này là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững,” Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai nói trong thông cáo.

Theo phân tích của các chuyên gia mà Tuổi Trẻ ghi nhận, việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người tiêu dùng “lãnh đủ.”

Theo Bộ Tài chính, phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, là căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh để hạn chế các sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường.

Việt Nam, nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm. Thủ đô Hà Nội chỉ có được bầu không khí trong lành trong vòng chưa đầy 1 tháng trong năm ngoái, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh đưa ra vào tháng 1.

Chính phủ Việt Nam phải giữ được mức nợ công dưới 65% của tổng sản phẩm quốc nội và mức thuế mới sẽ được dùng để giảm gánh nợ này, theo Reuters.

“Việc này chắc chắn sẽ tác động không tốt tới các doanh nghiệp vì họ sẽ phải đối mặt với các mức giá đầu vào cao hơn và điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của họ,” kinh tế gia và cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm cho Reuters biết.

Công bố của Bộ Tài chính nói việc tăng thuế sẽ giúp bù đắp mức sụt giảm trong thu thuế từ nhập khẩu và xuất khẩu khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Việt Nam đã ký kết khoảng hơn 10 hiệp định thương mại tự do trong đó sẽ bãi bỏ các loại thuế trên một số sản phẩm nhập khẩu.

Nếu được chính phủ thông qua, việc tăng thuế sẽ làm lạm phát tăng thêm từ 0,11 đến 0,15% trong năm nay, theo thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai. Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4% cho năm nay.

“Việc tăng thuế sẽ làm cho chi phí đầu vào tăng cao hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải và hậu cần sẽ bị ảnh hưởng trước tiên,” kinh tế gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Cấn Văn Lục nhận định với Reuters.

“Nhưng cần phải giải quyết nạn ô nhiễm môi trường để có một sự phát triển bền vững ở Việt Nam,” theo kinh tế gia này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG