Cộng đồng ASEAN (gọi tắt là AC) đã chính thức ra đời và đi vào hoạt động từ 31-12-2015 với ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh - Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Tiếng pháo giao thừa 2015 chuyển sang 2016 nổ tung trên bầu trời cũng là khi thế giới chứng kiến hơn 600 triệu “công dân ASEAN” của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ra đời. Người ta đã quen với những cụm từ “giấc mơ Mỹ”, “công dân EU”, nay lại có thêm “công dân ASEAN”. Có nhiều bạn thanh niên phấn khởi và tự hào vô kể, nhưng cũng không ít người khác đờ đẫn như những kẻ ngủ mơ không hơn không kém.
Vì cuộc đời là những chuyến đi...
Trong số hơn 600 triệu công dân ASEAN, Việt Nam đã góp ngót gần 100 triệu, đó chẳng phải chuyện đùa. Những ai xem cộng đồng ASEAN là cơ hội, họ nhìn nhận được giá trị của những “chuyến đi” trong những ngày mở cửa nội khối ASEAN. Tôi dùng hình ảnh chuyến đi để bạn hình dung một ASEAN thông thoáng hơn nhiều về mặt di chuyển hàng hóa, công nghệ, vốn, nguồn lao động... nhờ động lực giảm bỏ các rào cản thuế quan giữa các quốc gia với nhau. Nếu “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman chỉ ra một thế giới khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ gần như hướng tới sự xóa bỏ về rào cản, thì cộng đồng ASEAN cũng được xem là một mẫu tự điển hình trên cả tấm địa đồ thế giới. Tóm lại, hàng hóa và con người tự do hơn.
Tuy nhiên đó mới chỉ là giá trị hàn lâm, nặng tính lý thuyết và vĩ mô mà mô hình cộng đồng ASEAN mang lại. Cái giá trị dôi ra, hay giá trị kéo theo cũng là những chuyến đi của các công dân ASEAN để có thể hoàn thiện tâm thế, nhận thức đáp ứng một cộng đồng ASEAN có quá nhiều cái mới. Cộng đồng ASEAN tạo môi trường và kích thích sự di chuyển của con người để tiếp cận với những cái khác biệt nội khối; học hỏi những cái mới và hay từ nhóm quốc gia ASEAN phát triển hơn (điển hình là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia); chia sẻ và tối đa hóa nguồn tài lực, vật lực để mang về hiệu quả công việc cao nhất trên cơ sở lợi thế so sánh; gặt hái nhiều kinh nghiệm trong tích lũy kiến thức, chuyên môn, ứng xử, điều hành và trung hòa các mối quan hệ để phát triển việc làm ăn, kinh doanh... Sẽ có nhiều du học sinh được học chương trình đào tạo tốt hơn; có nhiều người nhận việc làm lương cao hơn; tay nghề giữa người với người trong ASEAN có cơ hội được thu hẹp về khoảng cách trình độ; sự chia sẻ giữa người với người trong ASEAN cũng dễ dàng hơn đối với những ai biết cách tiếp xúc và làm việc trong môi trường đa quốc gia.
Những công dân ASEAN thực thụ không phải nằm ở chỗ đón nhận bằng chứng nhận từ phía chính phủ hay Ban thư ký ASEAN sau khi cộng đồng ASEAN được thành lập, mà quan trọng hơn là những công dân ấy phải nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong một xã hội mới, cộng đồng mới trước hoặc ngay khi cộng đồng ấy ra đời và vận hành. Nói một cách nôm na, mỗi công dân ASEAN không phải là một người bước vào thiên đường, mà chính ra là một cuộc đua tiếp sức mà ở đó anh nào chuẩn bị tốt, khởi động tốt, phối hợp tốt, trách nhiệm và kỷ luật tốt... thì anh ấy chiến thắng; bằng ngược lại sẽ bị tụt hậu.
Ai là kẻ đang ngủ mơ?
Bên cạnh không ít người, đặc biệt là người trẻ, ý thức được “công dân ASEAN là gì và phấn đấu một thời gian dài để tối đa hóa lợi ích cá nhân và xã hội, thì không ít người khác dường như vẫn “ngủ mơ” về danh xưng công dân ASEAN, với một giấc mơ chỉ toàn màu hồng. Họ bảo họ là công dân ASEAN, nhưng họ thậm chí còn không biết ASEAN có bao nhiêu quốc gia trong đó; chẳng màn các cơ chế quản lý lao động thay đổi ra sao từ sau 2015; thị trường ưu tiên ai và loại bỏ ai khi cộng đồng AEC đi vào hoạt động; học thế nào, chơi ra sao, tích lũy cái gì để kịp bạn kịp bè, không chỉ trong nước mà còn trong cùng khu vực ASEAN.
Các khảo sát về nhận thức và sự chuẩn bị của người dân ASEAN trước thềm cộng đồng ASEAN thành lập cho thấy sự bất đối xứng giữa nhiệm vụ và khả năng, hay ít nhất là sự chuẩn bị. Nói một cách nôm na, những gì được cho là tốt đẹp, là cơ hội với công dân ASEAN khi cộng đồng này thành lập, về mặt thực tế vẫn còn quá sức đối với rất nhiều người vốn kém cỏi ngay từ khi khởi đầu. Cộng đồng ASEAN ra đời bằng sự quyết tâm của 10 quốc gia, thậm chí ngay cả khi nhiều người còn nghi ngại về tâm lý chuẩn bị của người dân, thì cộng đồng này vẫn cán mốc 2015 một cách mỹ mãn. Thế nhưng khi chương trình hành động từ phía các nguyên thủ quốc gia đưa ra quyết liệt, vận hành rầm rập, thì tâm thế của không ít người dân vẫn đuổi chạy đuối sức phía sau. Thử hình dung, yêu cầu và nhiệm vụ, khối lượng công việc khi cộng đồng ASEAN ra đời cần 600 triệu dân phải thật sự là những người chơi khỏe mạnh, có sức bền và có độ nhạy cảm về trách nhiệm lẫn khả năng. Tuy nhiên thực tế có lúc trên 70% người ta không biết cộng đồng ASEAN là cái gì, có lợi nhiều không; không nắm thông tin về hành động, kế hoạch và những kịch bản sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới... thì nói gì đến chuyện thực thi. Như vậy, khi nhiệm vụ lên tới đầu thì người chơi vẫn chưa khởi động xong, chẳng biết lấy sức đâu mà bám theo mục tiêu vốn đã bị nhiều chuyên gia cảnh báo là rất tham vọng và khó thực thi của cộng đồng ASEAN.
Viễn cảnh lúc này không còn đẹp như mơ cho những ai đang mơ về cộng đồng ASEAN: nạn thất nghiệp gia tăng, làm nhiều nhưng lương thấp, thăng tiến chậm, thiếu nhân lực chất lượng cao vận hành những hệ thống máy móc ngoại nhập hiện đại tối tân, doanh nghiệp chết hàng loạt vì bị doanh nghiệp ngoại vượt mặt... Nói một cách hình tượng, cộng đồng ASEAN là cái đích dành cho những người có sức bền, có sự khởi động ổn thỏa, có mưu mẹo và tri thức để sinh tồn; trong khi nếu không có sức hay khởi động kém, thiếu tri thức thì dù rằng chẳng ai ganh đua hay ám hại thì cũng bị bỏ rơi mãi phía sau. Có hơn 600 triệu “cúp vàng”, nhưng không phát cho tất cả một cách vô điều kiện. Ai đủ bản lãnh về đích sẽ có cúp vàng (với những mức ưu tiên khác nhau) và đều có lợi. Và tất nhiên sẽ có những cúp vàng sẽ mãi mãi vắng chủ, vốn vẫn còn ngủ mơ!
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.