Đường dẫn truy cập

Blog 84: 'Không tin không có tham nhũng'


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trong báo cáo về thanh tra tình trạng tham nhũng năm 2015, ngành chức năng cho biết cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều chưa phát hiện được trường hợp tham nhũng nào. Tuy nhiên, trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thẳng thắn bày tỏ lo ngại với cử tri: “Tôi lo nhất, nói thật với các đồng chí là câu chuyện tham nhũng, đi đâu cũng nghe kêu và ai cũng nói. Làm cũng được nhiều việc nhưng đẩy lùi thì chưa ai dám nói, đạt yêu cầu thì chưa ai dám nói. Tại sao một tờ giấy phép phải xin mười mấy tháng mà cũng chưa có. Phải đáng suy nghĩ chứ. Trăn trở của bà con cử tri cũng đúng thôi”.

‘Trình độ’ tham nhũng tinh vi...

Giả thuyết đầu tiên được đưa ra để trả lời câu hỏi này là “tại vì không có tham nhũng, nên không phát hiện được tham nhũng cũng là điều dễ hiểu”. Giả thuyết này, dựa trên những gì đang diễn ra trên thực tế, ngay lập tức bị bác bỏ. Cử tri khắp nơi, hễ cứ nói về tham nhũng là ái ngại, thậm chí là bức xúc bởi tình trạng nhũng nhiễu, mãi lộ, lập quỹ đen... cứ vài ba ngày lại thấy đăng tải trên khắp phương tiện truyền thông.

Nhìn lại các đánh giá từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ cảm nghĩ: “Thống kê tham nhũng, người ta xếp mình vào nhóm cao so với thế giới. Nhìn mà buồn, xấu hổ lắm”. Bảng xếp hạng dựa trên thước đo là sự nhận thức của người dân, quan chức chính phủ ở quốc gia được khảo sát về vấn nạn tham nhũng. Thang điểm đánh giá từ 0 (cho quốc gia có nhận thức thấp nhất) đến 100 (quốc gia minh bạch nhất). Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp, “Chỉ số nhận thức tham nhũng” của Việt Nam vẫn nằm ở mức rất thấp, 31 điểm, xếp hạng 119 trong 175 quốc gia được xếp hạng. Thứ hạng này cho thấy tới thời điểm 2014, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn rất phổ biến, trong khi năm 2015 chưa có những kỳ tích trong chống tham nhũng, thì việc không phát hiện được trường hợp tham nhũng nào thì đúng là có vấn đề.

Giả thuyết thứ hai có thể đặt ra, nhìn từ thực trạng phản ánh của cử tri và các đánh giá về chỉ số cảm nhận tham nhũng, chỉ số môi trường đầu tư... chính là về tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp của những “quan tham”. Khi nhận xét về tình hình tham nhũng hiện nay trước giới cử tri và báo chí, đại diện của hai cơ quan thanh tra Hà Nội và TP HCM đều khẳng định tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực. Nhiều vụ tham nhũng lớn trong những năm gần đây cho thấy số tiền tham nhũng lên đến hàng triệu đô la Mỹ, và “ủ bệnh”, kéo dài suốt nhiều năm trời nhưng không bị phát hiện. Giả thuyết này càng được củng cố hơn khi Phó Thanh tra TP HCM Nguyễn Thị Ngọc Nga trả lời chất vấn rằng tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt phức tạp trong lĩnh vực đầu tư cơ bản, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu thầu thực hiện các dự án.

Hay năng lực phát hiện tham nhũng kém?

Nếu như giả thuyết thứ hai được chính các cơ quan chức năng trong ngành chống tham nhũng nhận định là đúng, thì giả thuyết cuối cùng chính là năng lực phát hiện và xử lý tham nhũng của cơ quan quản lý nhà nước hiện đang có vấn đề. Người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Trương Tấn Sang phải thừa nhận trước cử tri và giới báo chí rằng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực xã hội đang bộc lộ nhiều yếu kém. Vấn nạn chi tiêu hoang phí, cán bộ đi nước ngoài chỉ vì những việc vô bổ… làm người dân bất bình là thực tế đang diễn ra. Nếu không ngăn chặn thì không nhận được lòng tin của dân.

Trong khi đó, chính bà Nguyễn Thị Ngọc Nga cũng thừa nhận trước truyền thông và cử tri rằng công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, thủ tục hành chính rườm rà. Một số cán bộ công chức lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý và chính sách để tham nhũng, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, cố ý làm trái các quy định, quy trình công tác để hưởng lợi. Một số địa phương, cơ quan đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết đơn thư khiếu tố, khiếu nại của công dân liên quan đến tham nhũng, chưa chủ động thanh, kiểm tra. Công tác giám sát chưa thường xuyên nên tình trạng nhũng nhiễu ngấm ngầm diễn ra.

Một trong những ví dụ cơ bản nhất cho thấy năng lực quản lý và ngăn chặn tham nhũng còn hạn chế, theo cá nhân tôi nhìn nhận và đánh giá, chính là việc quản lý quà tặng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Nga nói rằng “Việc tặng quà, nhận quà biếu rất khó phát hiện, khó định giá quà nào là vi phạm”. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện mới diễn ra, mà đã diễn ra từ đầu những năm 2000, khiến dư luận bức xúc. Cả một thời gian dài những hình ảnh biếm họa “quà tặng trá hình tham nhũng” tràn ngập trên sách báo, truyền hình và ngập cả lòng dân. Vậy mà cả hơn thập kỷ trôi qua, vẫn không có các động thái mạnh tay thay đổi, bổ sung luật. Trong khi đó tại nhiều nước, luật quà tặng cho quan chức được quy định một cách chi tiết và cụ thể từ những năm cuối thế kỷ 20, tại sao không đặt vấn đề học hỏi? Vậy ra là năng lực quản lý tham nhũng kém, một phần cũng vì tinh thần cầu thị kém.

Hay như tại các cuộc họp hội đồng nhân dân thường kỳ, việc không đưa vấn đề tham nhũng vào bàn trực tiếp và thường xuyên, cũng cho thấy ngành quản lý vẫn chưa chú tâm vào công tác chống tham nhũng, câu hỏi đặt ra rằng: vô tình hay hữu ý? Các cử tri mạnh dạn đặt câu hỏi: “Tại sao trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, vấn đề chống tham nhũng không được đưa vào chương trình thảo luận của nghị trường các kỳ họp?” nhưng câu trả lời dường như vẫn chưa thỏa đáng, ít nhất là khi đặt trong bối cảnh Việt Nam năm nào cũng tuyên bố quyết tâm bài trừ tham nhũng vốn đang làm không ít người bức xúc và gây hậu quả nghiệm trọng.

Tôi xin dẫn lại ý kiến của đại biểu Lâm Thiếu Quân trên báo Tiền Phong như chính trăn trở của mình, rằng “Không thể nào tin rằng TP HCM không có tham nhũng”. Thậm chí tôi tin Hà Nội và nhiều nơi khác, tình trạng tham nhũng vẫn hàng ngày bào mòn niềm tin của nhân dân về một Việt Nam pháp quyền, minh bạch và không tiêu cực. Nhưng cần phải đợi chờ vào những hành động hiệu quả thể hiện năng lực và quyết đoán của ngành chức năng, chứ nếu chỉ nêu khẩu hiệu “quyết chống tham nhũng” thì tôi đã nghe nhiều lắm!

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG