Đường dẫn truy cập

Hợp pháp hóa quyền của người chuyển giới và bài học về quá trình vận động quyền tại Việt Nam


Hai cặp đôi đồng tính hôn nhau trong đám cưới công khai ở Hà Nội, ngày 27/10/2013.
Hai cặp đôi đồng tính hôn nhau trong đám cưới công khai ở Hà Nội, ngày 27/10/2013.

Sáng ngày 24 tháng 11 Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Bộ Luật Dân sự sửa đổi. Điều đáng chú ý nhất trong lần sửa đổi này là 2 Điều 36 và 37, Chương 2, Mục II, liên quan đến người chuyển giới (transgender) ở Việt Nam. Quá trình vận động luật này đã gây xôn xao dư luận và báo chí trong nước thời gian quan. Cụ thể, theo Điều 36 Bộ Luật Dân sự sửa đổi, “cá nhân có quyền xác định lại giới tính của mình. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Bên cạnh đó, điều 37 của Bộ Luật Dân sự vừa được thông qua quy định về chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Đây có lẽ là một bước tiến dài về quyền dân sự ở Việt Nam. Tại sao nói việc thông qua dự luật này quan trọng, và cần nhiều hơn nữa sự quan tâm từ xã hội và báo chí trong và ngoài nước?

Đầu tiên, ta phải nhận ra rằng, khái niệm “người chuyển giới” hay “xác định lại giới tính” là những khái niệm rất mới tại Việt Nam. Thế nhưng, người chuyển giới (nam sang nữ hoặc nữ sang nam) luôn luôn hiện diện trong mọi xã hội. Tại Việt Nam, không ai xa lạ với những cụm từ như “bóng lại cái”, “xăng pha nhớt”, vân vân, là những từ dùng để chỉ những người chuyển giới, mang ý nghĩa chế nhạo và kỳ thị. Rõ ràng, xã hội Việt Nam vẫn xem việc chuyển giới là “trái với tự nhiên”, hay trái với “thuần phong mỹ tục”. Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt giữa giới tính sinh học (sex) và giới tính xã hội (gender). Trong khi giới tính sinh học quy định bởi bộ phận sinh dục nam (dương vật), hay bộ phận sinh dục nữ (âm đạo), và một số đặc điểm về sinh học khác thì giới tính xã hội được quy định bởi văn hoá, truyền thống, phong tục của một xã hội cụ thể trong việc phân chia vai trò giữa nam và nữ. Do đó, người chuyển giới là người có giới tính sinh học không phù hợp với bản dạng (identity) mong muốn của cá nhân, và có nhu cầu thay đổi giới tính sinh học, và cư xử (behave) giới tính xã hội thể theo nguyện vọng của mình. Những kiến thức này không mới đối với các nước phát triển trên thế giới, mặc dù trên thực tế, người chuyển giới vẫn chịu nhiều sự kỳ thị dưới góc độ pháp luật hay xã hội. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của phong trào nữ quyền và phong trào quyền của người đồng tính, quyền con người của người chuyển giới được quan tâm hơn và từ đó, được cải thiện hơn nhiều tại các nước. Tại châu Á, cho đến nay mới chỉ có trên dưới 10 quốc gia hợp pháp hoá quyền của người chuyển giới trong cơ chế luật của mình, thì rõ ràng nhà nước Việt Nam vừa thông qua một điều luật rất cấp tiến.

Thế nhưng, trước khi tung hô các nhà làm luật hay các đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi muốn nhìn sâu hơn về quá trình hình thành và phát triển của phong trào xã hội này, để từ đó cho thấy rằng vận động luật từ xã hội dân sự là khả thi tại Việt Nam. Trước đây, người đồng tính, song tính và chuyển giới luôn phải sống trong bí mật để tránh sự kỳ thị từ gia đình và xã hội tại một nước Á Đông như Việt Nam - cho đến khi các tổ chức xã hội dân sự được thành lập và phát triển từ các cộng đồng người đồng tính, chuyển giới trên mạng. Cùng với sự ủng hộ về tài chính và chuyên môn từ các chính phủ và tổ chức dân sự nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ hoạt động mạnh trong việc vận động quyền và lợi ích của người đồng tính, song tính, và chuyển giới tại Việt Nam. Các tổ chức này bắt đồng hoạt động của mình từ việc xây dựng cộng đồng (community building), hỗ trợ những người đồng tính và chuyển giới trong việc đoàn kết lại và tổ chức các hoạt động xã hội cho chính cộng đồng của mình. Việc đoàn kết cá nhân lại là để nhằm tạo tiếng nói chung trong cộng đồng, làm nền tảng để đối trọng với các định kiến kỳ thị đối với người đồng tính, chuyển giới trong xã hội Việt Nam. Quá trình này diễn ra lâu dài và liên tục trong nhiều năm liền. Thành công đầu tiên của phong trào xã hội của người đồng tính, song tính, và chuyển giới là lên án các bài báo có hình ảnh, ngôn ngữ hoặc thông tin sai lệch và kỳ thị nhắm vào người đồng tính, song tính, chuyển giới. Đi đôi với hoạt động này là sử dụng phương pháp diễn ngôn (discourse) để thay đổi hình ảnh của người đồng tính, song tính, chuyển giới trong ngôn luận. Nghĩa là, các tổ chức xã hội tổ chức các buổi đối thoại và tập huấn cho cộng đồng, và đặt biệt là người làm báo, tuyên truyền các thông tin khoa học đúng đắn về người đồng tính, song tính, và chuyển giới. Với sự liên hiệp của nhà báo và các phương tiện truyền thông xã hội, hình ảnh người đồng tính, song tính và chuyển giới dần được cải thiện trong mắt của công chúng. Đây là một bước đệm rất quan trọng nhằm thuyết phục những người làm luật đưa các điều khoản về người đồng tính hoặc chuyển giới vào dự thảo luật, và để các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận và thông qua các quyền cơ bản của người chuyển giới ngày hôm nay.

Chỉ đôi ba dòng không thể khát quát hết những nổ lực không ngừng của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, cũng như những điều luật mới được thông qua không hẳn đã thay đổi cuộc sống của những người chuyển giới. Thế nhưng, một bước tiến bộ là một điều để trân trọng. Giữa những thực trạng tiêu cực ngổn ngang tại Việt Nam như hiện nay, việc thông qua luật thừa nhận quyền của một nhóm người thiểu số là điều đáng mừng. Ngoài ra, thực tế chính công dân và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam là lực lượng chủ yếu thúc đẩy quá trình hợp pháp hoá các quyền con người của người chuyển giới là một mô hình vận động quyền đáng được phân tích và học hỏi, từ đó rút ra bài học cho những phong trào xã hội trong tương lai.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Cao Huy Huân

    Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

VOA Express

XS
SM
MD
LG