Đường dẫn truy cập

Nhật ký phóng viên VOA: Ông Mandela và tôi


Một người phụ nữ bật khóc sau khi đến viếng thi hài ông Mandela tại Tòa nhà Union Buildings ở Pretoria, ngày 12/12/2013.
Một người phụ nữ bật khóc sau khi đến viếng thi hài ông Mandela tại Tòa nhà Union Buildings ở Pretoria, ngày 12/12/2013.
Tôi chưa hề gặp ông Nelson Mandela. Ông đã rời chính trường trước khi tôi đến Nam Phi vào năm 2009.

Nhưng tôi sớm phát hiện ra rằng ông có mặt ở mọi nơi trên đất nước này.

Người Nam Phi gọi ông là Tata, hay cha, như thể ông là một thành viên trong gia đình.

Dân chúng mặc những chiếc áo có in hình gương mặt ông và hát những ca khúc về những thành tích của ông. Vô số người Nam Phi đã gặp ông kể lại về sự thân thiết lạ lùng mà ông có thể tạo dựng với những người hoàn toàn xa lạ.

Ông cũng từng là câu chuyện quan trọng nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi ở đây. Mỗi một mẩu tin nhỏ về ông – và chỉ là những mẩu tin nhỏ thôi vì ông đã về hưu - đều trở thành tin hàng đầu.

Và vì thế, khi hôm thứ tư tôi nghe nói các ký giả cũng được dành cho cơ hội đi qua linh cữu của ông và chiêm ngưỡng con người vĩ đại này một lần cuối (và đối với tôi cũng là lần đầu), tôi đã băn khoăn không biết tính sao.

Liệu tôi có nên tước mất cơ hội của những người tôi thường ủng hộ trong các bài viết của tôi - tỷ như người bà đã thức dậy sớm để lấy nhiều chuyến xe buýt mới đến được đây, đã tỉ mỉ chọn bộ trang phục cổ truyền để đến từ biệt con người đã tạo chuyển biến cho cuộc đời bà?

Liệu tôi, trong tư cách một ký giả nước ngoài được ưu đãi, có nên giành chỗ đi trước những người dân Nam Phi đã mất đi quá nhiều dưới thời apartheid và có quá nhiều lời cảm ơn để nói với ông?

Và tôi cũng tự hỏi, tôi có hòa hợp được với đám đông này?

Tôi đã theo dõi những diễn biến thời sự do chính phủ cung cấp. Bà quả phụ Graca của ông với dáng đi hết sức điềm tĩnh, ngẩng cao đầu nhưng gương mặt nặng trĩu đau buồn. Tôi đã theo dõi các nhà lãnh đạo thế giới mà tôi đã dành ra nhiều tiếng đồng hồ để chờ đợi ở các hành lang và không hề bao giờ cho tôi biết giờ nào mới được gặp. Tôi đã theo dõi họ dừng lại bên chiếc quan tài nhỏ màu trắng để tỏ lòng tôn kính.

Họ đã mặc những bộ com-lê màu đen kín đáo, những chiếc áo đầm lịch lãm, những bộ trang phục cổ truyền duyên dáng…trong khi tôi đây, mặc quần jean, đi giầy thể thao. Cần thiết phải cụ bị như thế để chạy tới chạy lui săn tin; hơi vô duyên để gặp một trong các thần tượng vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20.

Sau đó tôi đã theo dõi lúc những người cao tuổi đi qua linh cữu. Nhiều người bật khóc không giấu giếm lúc bước đi. Tôi đã theo dõi những người đi cùng con cái, trang phục bằng màu cờ Nam Phi. Các bậc cha mẹ trông rất đau khổ, trong khi con cái hả hê vô tư lự. Những gương mặt trẻ đó nói lên rằng, tôi có thể làm mọi thứ, có thể là mọi thứ.

Và tất cả là nhờ công ơn của người nằm trong chiếc áo quan mà tầm quan trọng của ông chúng ta chưa thể hiểu hết được.

Tôi lo lắng về việc này. Và thế là, trong cơn hoảng loạn thiếu ngủ, tôi đã hỏi một nhân viên bảo vệ xem ông ta nghĩ sao. Tôi ăn mặc có được hay không? Liệu tôi có thực sự được đón nhận trong không gian thiêng liêng này?

Và đây là một trong nhiều điều tôi thực sự yêu mến về đất nước này: Người bảo vệ nhìn tôi như thể tôi bị điên.

Ông nói, “Cứ đi đi, và ra hiệu cho tôi vào trong, “Bà được đón nhận mà.”

Và thế là tôi lấy đại một chiếc áo khoác mà tôi hy vọng trông cũng có vẻ đàng hoàng - một cái khăn choàng sặc sỡ mà sếp của tôi cho mượn trong những dịp phải xuất hiện trước ống kính - và tôi đi vào.

Tôi bước vào cùng với một ký giả truyền thanh trẻ tuổi. Cô này tự thực hiện các chương trình của mình và phụ trách các vấn đề trong cộng đồng Zulu. Cô ấy rất thông minh, tự tin và thành công.

Cô nói, “Nếu không nhờ ông ấy, thì tôi đã trở thành một cô bán trà ở đâu đó.”

Sự việc ấy xảy ra khá nhiều ở nước này: Bạn lái xe dọc đường đời, và bạn nghĩ rằng bạn đang sống trong một đất nước bình thường - thế rồi một lời nói như thế ập vào bạn như một chiếc xe 18 bánh. Bạn nhớ ra rằng, đúng thế. Ðiều đó xảy ra. Ðiều đó đã thực sự xảy ra, chưa bao lâu trước, như thế.

Bản thân tôi đã trải qua kinh nghiệm đó lần đầu tiên khi đi thăm Viện Bảo tàng apartheid vài năm trước. Hai vợ chồng tôi là công dân Mỹ, chúng tôi nhìn apartheid với con mắt của người bàng quan. Apartheid đã chấm dứt khi chúng tôi còn ở trường trung cấp. Cha mẹ chúng tôi nói với chúng tôi đó là một điều sai trái, một tội ác, nhưng chúng tôi không có liên hệ gì với vấn đề đó.

Vì thế đường đi của chúng tôi bị chặn lại vì một bức hình chụp một cặp vợ chồng đã buộc phải đi sống lưu vong vì các luật lệ thời apartheid. Một cô gái gốc Ấn Ðộ. Và chồng là một anh chàng trí thức da trắng.

Tôi là người gốc Ấn Ðộ. Và chồng tôi là một anh chàng trí thức da trắng.

Khi tất cả chúng tôi tỏ lòng thương tiếc trước linh cữu về những cuộc đời mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể có được nếu không nhờ ông Mandela, thì các nhân viên an ninh chặn hàng người lại.

Một người phụ nữ trẻ tuổi ngồi trên xe lăn đang ở đằng trước chúng tôi. Bà muốn nhìn thấy gương mặt ông. Nhân viên an ninh đã vội vã đến giúp người đẩy xe cho bà nâng bà lên vừa tầm áo quan. Phải, tôi nghĩ, đích thực tất cả chúng tôi đều được đón nhận ở đây.

Và rồi đến lượt tôi. Tôi do dự bước tới. Họ bảo chúng tôi phải di chuyển nhanh. Tôi ngưỡng mộ nhận ra rằng ông Mandela mặc một trong những chiếc áo vải batik đặc trưng “Madiba” của ông. Tôi chỉ thấy nửa khuôn mặt ông, và chùm tóc trắng của ông. Tôi nhìn trân.

Một nhân viên bảo vệ nói. “Ðừng nhìn chằm chằm”.

Và thế là hết.

Tôi đã theo dõi suốt buổi sáng lúc mọi người tỏ lòng tôn kính bằng những cử chỉ nhỏ: làm dấu chữ thập, giờ tay hay cúi đầu chào. Tôi không có một cử chỉ nào như thế. Tôi chỉ nhìm chằm chằm, như một phóng viên vụng về.

Giá mà tôi không bị ánh sáng các ống kính TV làm lóa mắt, và được phép dừng lại lâu hơn, thì có lẽ tôi đã làm khác đi.

Có thể tôi còn nói được vài lời.

Thực ra là chỉ có hai lời: Cảm ơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG