Nhật Bản và Liên minh châu Âu hôm 17/7 ký một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn mà cả hai bên đều kỳ vọng là sẽ có khả năng đối trọng với các biện pháp bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiệp định thương mại đầy tham vọng hình thành một khu vực kinh tế mở lớn nhất thế giới này được ký kết trong bối cảnh có nhiều lo sợ rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm suy yếu tự do thương mại toàn cầu.
“Ngày càng có nhiều lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nhưng tôi muốn Nhật Bản và EU lãnh đạo thế giới bằng cách giương cao ngọn cờ thương mại tự do,” Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tại một cuộc họp báo sau lễ ký kết.
Trong tháng này, Mỹ đã áp thuế 25% lên hàng hóa của Trung Quốc có tổng trị giá 34 tỷ USD để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, và Trung Quốc cũng đã nhanh chóng trả đũa bằng việc tăng thuế đánh vào hàng hóa của Mỹ.
Hiệp định thương mại tự do Nhật Bản-EU cũng là một dấu hiệu cho thấy các mối quan hệ toàn cầu đang dịch chuyển trong khi ông Trump kéo nước Mỹ ra xa khỏi các đồng minh lâu năm như EU, NATO và Canada.
“Chúng tôi đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi chống lại chủ nghĩa bảo hộ. EU và Nhật Bản muốn tiếp tục hợp tác,” theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người đại diện cho các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia EU, nói với các phóng viên.
Hiệp định này xóa bỏ 10% thuế của EU đánh vào ô tô của Nhật và 3% thuế đối với hầu hết các linh kiện ô tô. Nó cũng sẽ xóa bỏ các biểu thuế của Nhật, trong đó có 30% thuế đối với pho mát của EU và 15% đối với rượu, đồng thời mở các công trình công cộng lớn ở Nhật Bản cho nhà thầu EU.
Công nghiệp thực phẩm của châu Âu là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Nó cho phép ngành này tận dụng được nhu cầu của Nhật Bản về pho mát, chocolate, thịt và pasta chất lượng cao.
Các nhà sản xuất ô tô, linh kiện và phụ tùng ô tô của Nhật cũng dự kiến sẽ gia tăng kinh doanh ở châu Âu, nơi họ đang bị thua các đối thủ của lục địa này.
Tuy vậy, ngành công nghiệp sữa của Nhật có thể sẽ mất thị phần trước các đổi thủ châu Âu một khi các mức thuế lên tới 40% áp trên các sản phẩm pho mát nhập khẩu bắt đầu giảm.
Nhật Bản và EU hôm 17/7 cũng đồng ý thiết lập kênh đối thoại thường xuyên về chính sách thương mại và kinh tế, với cuộc họp đầu tiên sẽ được tổ chức trước cuối năm nay.
Theo các nhà phân tích, cả Nhật Bản và EU, sau khi chứng kiến Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi các hiệp ước thương mại tự do, đều muốn cho thấy họ tiếp tục cam kết xóa bỏ các rào cản mà họ nói là cản trở sự phát triển.
“Tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường tiếp tục mở rộng ở châu Á-Thái Bình Dương,” theo Ajay Sharma, người đứng đầu khu vực về thương mại toàn cầu và tài chính của Ngân hàng HSBC.
Một cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và EU vừa kết thúc hôm 16/7 với một thông cáo chung khẳng định cam kết của hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương.
Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương với Nhật Bản và 10 quốc gia khác ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức vào tháng 1/2017 và thúc giục việc đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Canada và Mexico.
Ông Trump nói ông đang cứng rắn với thương mại tự do để bảo vệ người lao động và các công ty của Mỹ, nhưng những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận đó làm đảo ngược các luật lệ về thương mại toàn cầu đa phương.
Nhật Bản và EU chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và mối quan hệ thương mại của họ có triển vọng phát triển, theo các quan chức của EU. Các quan chức này kỳ vọng rằng hiệp định vừa ký kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế của EU tăng trưởng thêm 0,8% và nền kinh tế Nhật Bản tăng thêm 0,3% trong dài hạn.