Nhật chật vật thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nội địa trong khi có các kế hoạch đầy tham vọng nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Chính phủ đang đầu tư 315 tỷ đô la vào chương trình quốc phòng trong 4 năm tới, nhưng một số công ty khổng lồ công nghệ và công nghiệp của Nhật Bản không muốn sản xuất thêm vũ khí bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng của họ.
Công nghệ Nhật Bản
Các thương hiệu toàn cầu nổi tiếng nhất của Nhật Bản quen thuộc hơn với tư cách là nhà sản xuất tivi, máy giặt hoặc ô tô. Điều ít được biết đến hơn – ngay cả ở Nhật Bản – là họ cũng sản xuất thiết bị quân sự.
Mitsubishi sản xuất máy bay chiến đấu và phi đạn cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Công ty điện tử Toshiba sản xuất pin cấp độ quân sự. Hãng xe hơi Subaru sản xuất trực thăng quân sự. Daikin, được biết đến nhiều hơn với các thiết bị điều hòa không khí, có một hoạt động kinh doanh phụ là sản xuất vũ khí.
Giờ đây, chính phủ muốn các công ty khổng lồ công nghiệp của Nhật Bản tăng cường sản xuất thiết bị quân sự - nhưng điều này đã vấp phải phản ứng im lặng, theo một báo cáo gần đây của hãng tin Reuters.
Cấm xuất khẩu
Nhà phân tích Tetsuo Kotani của Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản giải thích rằng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí chỉ được dỡ bỏ vào năm 2014, vì vậy rất ít công ty quốc phòng Nhật Bản bán vũ khí ra nước ngoài.
“Đối với các công ty quốc phòng Nhật Bản, lực lượng tự vệ (Nhật Bản) là khách hàng duy nhất. Vì vậy, không dễ để những công ty đó kiếm được lợi nhuận bằng cách chế tạo vũ khí. Và vì thế, một số công ty đặc biệt nhỏ hơn hiện đang rời bỏ các ngành công nghiệp quốc phòng đó,” ông Kotani nói với VOA.
Theo công ty phân tích tài chính Nhật Bản Nikkei, hơn 100 công ty Nhật Bản đã rời khỏi lĩnh vực quốc phòng trong 20 năm qua.
“Việc phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài không tốt cho khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, vì vậy chính phủ Nhật Bản đã quyết định trợ cấp cho những công ty quốc phòng Nhật Bản đang gặp khó khăn. Và bằng cách đó, chúng tôi đang cố gắng duy trì khả năng xây dựng quốc phòng bản địa của mình,” ông Kotani nói.
Đồng minh phương Tây
Nhật Bản, Ý và Anh đầu năm nay đã tuyên bố cùng phát triển một chương trình máy bay chiến đấu mới, được đặt tên là Tempest. Mitsubishi tham gia vào dự án.
Trong khi đó, Tokyo gần đây đã ban hành các hướng dẫn để hài hòa thiết bị với các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là nhà ngoại giao, đồng thời là cựu liên lạc viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nói liên minh của Hoa Kỳ là nền tảng của quốc phòng Nhật Bản - và điều quan trọng là Nhật Bản phải mua đúng thiết bị.
“Bạn cần thiết bị nào? Bạn cần những nguồn lực nào? Những khả năng nào bạn cần để bảo vệ đất nước của bạn? Bạn cần làm gì để phù hợp với người Mỹ để biến điều này thành một nỗ lực chung thực sự?”
“Nhật Bản chưa có sở chỉ huy tác chiến chung, điều đó có nghĩa là các lực lượng trên không, trên biển và trên bộ không thực sự hợp tác với nhau. Họ đang nói về việc có một sở chỉ huy tác chiến chung vào năm 2025 - không hẳn là một cảm giác cấp bách.”
“Không có trụ sở chung giữa người Mỹ và người Nhật, và đó là sau hơn 60 năm liên minh phòng thủ. Điều đó thật khó hiểu và nó cần phải được giải quyết nhanh chóng,” ông Newsham nói với VOA.
Phản đối của công chúng
Trong nhiều thập niên, hầu hết người Nhật phản đối việc tăng chi tiêu quân sự. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3 năm nay cho thấy hơn 40% cử tri muốn mở rộng lực lượng tự vệ, tăng từ 29% cách đây 5 năm.
Reuters đưa tin rằng những công ty khổng lồ công nghiệp của Nhật Bản có thể cảnh giác với việc làm hoen ố thương hiệu của họ trong lòng người tiêu dùng khi mở rộng sang lĩnh vực sản xuất quân sự.
Người đứng đầu bộ phận hệ thống phòng thủ của Mitsubishi Electric, ông Masahiko Arai, nói với Reuters rằng ông hy vọng rằng việc đóng góp vào “sự an toàn và an ninh” của Nhật Bản sẽ có lợi cho công ty, nhưng mối quan tâm lớn nhất của ông là điều gì sẽ xảy ra sau khi quá trình xây dựng quân sự kéo dài 5 năm của Nhật Bản kết thúc.
Diễn đàn