Trong năm 2015 với những hệ thống được lập ra để bảo vệ những quyền cơ bản bị các chính phủ phá vỡ. Thông tín viên Henry Ridgwell có bài tường trình sau đây.
Trong phúc trình thường niên của tổ chức tranh đấu cho nhân quyền – Ân xá Quốc tế - phổ biến hôm thứ Tư, các nhà nghiên cứu nêu rõ rằng tình hình tại Syria là vụ khủng hoảng cấp bách nhất trên thế giới, nhất là đối với người tị nạn.
Bà Tirana Hassan, giám đốc đặc trách ứng phó khủng hoảng của Ân xá Quốc tế, phát biểu.
"Chúng tôi ghi nhận các vụ oanh kích nhắm vào trường học, bệnh viện, và nhà dân. Nga và Syria nhắm mục tiêu vào thường dân và các mục tiêu dân sự, và chắc chắn đó là một tội ác chiến tranh."
Bà Hassan mới đây đã đi thăm cửa khẩu Kilis giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi 58.000 người Syria tản cư đang chờ được băng qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không mở cửa biên giới cho họ vào.
"Châu Âu, trên cơ bản, đã tìm cách biến Thổ Nhĩ Kỳ thành kẻ canh gác biên giới cho họ, và cách làm đó không giải quyết được vấn đề. Người tị nạn dồn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang thực sự tuyệt vọng, và họ tìm lối thoát bằng cách sử dụng những đường dây đưa người vượt biên bất hợp pháp. Và chúng tôi ghi nhận rất nhiều vụ lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ bắn đạn thật vào người tị nạn."
Tình trạng nhân quyền xuống cấp trên toàn cầu
Trong lúc Syria đang là tâm điểm của những vụ xung đột trên thế giới, Tổng thư ký Hội Ân Xá Quốc Tế, ông Salil Shetty, nói có một xu hướng rộng lớn hơn của sự xuống cấp trong lãnh vực nhân quyền.
"Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cái gọi là cộng đồng quốc tế tiếp tục đứng nhìn một cách bất lực trong lúc Syria đối mặt với một vụ tan chảy hoàn toàn. Nhưng không phải chỉ có Syria mới như vậy. Iraq, Yemen, Burundi, Bắc Triều Tiên đều ở trong tình trạng nguy kịch."
Ông Shetty cảnh báo các hệ thống được thiết kế để bảo vệ nhân quyền đang bị tấn công.
"Những nước ký kết công ước tị nạn đang vi phạm công ước một cách trắng trợn trong lúc hàng triệu người đang chạy trốn chiến tranh và sự bách hại. Nhiều nước Phi châu đã cấu kết với nhau và doạ rút khỏi Toà án Hình sự Quốc tế. Ở cấp độ khu vực, cơ chế Nhân quyền Âu châu đang bị đe dọa."
Phúc trình của Hội Ân Xá Quốc Tế nêu ra một số thành quả trong năm 2015, trong đó có việc Ai Cập phóng thích 3 ký giả của đài truyền hình Al Jazeera và việc Toà án Hình sự Quốc tế tiến hành một cuộc điều tra về tình hình ở Vùng Tây Ngạn và Dải Gaza.