Đường dẫn truy cập

Lo sợ gia tăng về số phận các nhà hoạt động tại Syria


Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ và Liên hiệp quốc hướng tới Madaya từ Damascus.
Đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ và Liên hiệp quốc hướng tới Madaya từ Damascus.

Quan ngại gia tăng về số phận của hàng ngàn người Syria làm việc bên trong đất nước bị chiến tranh xâu xé này cho các tổ chức phi lợi nhận hay các dự án phát triển và quản trị được sự tài trợ của các cơ quan Hoa Kỳ và các chính phủ Tây phương.

Các giới chức Tây phương lo ngại họ sẽ bị nhắm làm mục tiêu bởi chế độ Assad trong lúc cuộc tấn công của chính phủ tiếp tục chiếm thêm các thị trấn và lãnh thổ từ tay phe nổi dậy. Và ở hậu trường, các giới chức đang kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận các nhân viên NGO và các nhà hoạt động chính trị người Syria muốn trốn chạy, theo nhiều nhà ngoại giao và các cơ quan cứu trợ mà VOA tiếp xúc.

Cho đến giờ chưa đầy 20 “trường hợp ngoại lệ chính trị” đã được phía Thổ Nhĩ Kỳ thu nhận thông qua cửa khẩu biên giới Bab al Samah ở miền bắc Syria, chỉ cách các đội dân quân liên kết với chính phủ có vài kilomet và gần một bệnh viện đã bị một cuộc không kích của chính phủ đánh trúng hồi đầu tuần này.

Những quan ngại tức thời tập trung vào khoảng 6.000 người Syria – con số bao gồm cả các nhân viên hợp đồng làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) Tây phương, cùng với gia đình và thân nhân của họ.

Một giới chức Anh nói với đài VOA: “Có những mối lo ngại to lớn về số phận của họ. Không nên đánh giá thấp mối nguy hại này.”

Ông Bassam al-Kuwaiti, một nhà hoạt động chính trị người Syria làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo rằng họ sẽ bị “chế độ Syria và quân đội Nga nhắm làm mục tiêu.”

Trong suốt cuộc xung đột kéo dài 5 năm, và trước cuộc nổi dậy, chính phủ Assad đã đối xử rất gay gắt với nhân viên NGO và các nhà hoạt động chính trị.

Một bản phúc trình về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2014 nêu ra rằng Syria đã “bắt giữ hàng chục ngàn cá nhân có liên hệ với các tổ chức phi chính phủ, những nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo, những người cung cấp cứu trợ nhân đạo và các bác sĩ, mà không được tiếp cận với việc xét xử công bằng,” sử dụng cưỡng hiếp và tấn công như những hình phạt.

Khi nói về nhân viên NGO, chế độ đã nhắm mục tiêu đặc biệt vào những người làm việc về các vấn đề dân chủ và xã hội dân sự.

Tuần trước, một ủy ban điều tra được LHQ hỗ trợ báo cáo hàng ngàn người Syria đã mất tích hay chết trong các trung tâm giam giữ của chính phủ với một quy mô lên tới mức “tiêu diệt” dưới sự bảo trợ của chính phủ. Bản phúc trình đưa ra những chi tiết đáng ngại về những người bị giam giữ đã chết vì bị tra tấn hay đối xử vô nhân đạo ở các trung tâm giam giữ do các cơ quan tình báo của chính phủ Syria điều hành.

Ngoài những người Syria làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận Tây phương, người ta còn ngày càng lo ngại về những gì có thể xảy ra cho các nhà hoạt động chính trị thân Tây phương đã xây dựng một mạng lưới các hội đồng tại những quân do phe nổi dậy chiếm đóng.

Trong khắp những nơi nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy ở Syria, 416 hội đồng địa phương đang hoạt động trước khi cuộc tấn công của chính phủ được Nga yểm trợ diễn ra ở vùng nông thôn Aleppo.

Tại một số thị trấn, các giới chức hội đồng được bầu ra trong những cuộc bầu cử được tổ chức một cách thô sợ. Nhiều hội đồng ở Aleppo, vùng nông thôn Idlib, Latakia và những thị trấn do phe nổi dậy kiểm soát vòng quanh Damascus, bắt nguồn từ các nỗ lực cứu trợ địa phương. Nhưng các hội đồng này đã phát triển nhanh chóng nhờ vào các nỗ lực của dân chúng và tài trợ của phương Tây.

Tháng 10 năm ngoái, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tony Blinken loan báo Washington dành thêm 100 triệu cho phe đối lập ôn hòa của Syria, một số đã được dành cho các chính quyền địa phương bên trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria.

Các giới chức Tây phương coi sự xuất hiện của các hội đồng này là một bước đột phá dân sự và hy vọng nó sẽ góp phần hỗ trợ cho đường hướng chủ thuyết của cuộc nổi dậy, xoa dịu nạn bè phái và ngăn chặn các phần tử hồi giáo cực đoan. Và các hội đồng vẫn thường phải tránh né sự bất tán thành của Hồi giáo hay đối phó với mối đe dọa bạo lực.

Mối nguy cho các thành viên trong hội đồng trong những tuần lễ sắp tới có thể phát xuất không những từ phía chính phủ vào lúc chiếm thêm các phần đất, gây lo ngại cho các giới chức Tây phương và chính các thành viên hội đồng.

Sau cuộc tấn công tai hại của chính quyền Assad, một sự tái sắp xếp lại các toán dân quân nổi dậy đã được xúc tiến, củng cố cho sức mạnh của các toán dân quân Hồi giáo cứng rắn và chi nhánh Jahbat al-Nusra của al-Qaida, đã không hài lòng về các hoạt động của hội đồng.

Ông Mazen Gharibah thuộc Đơn Các Hội đồng Chính quyền Địa phương, làm công tác cố vấn cho các hội đồng địa phương, nói: “Nếu Jabhat al-Nusra và các phần tử Hồi giáo đồng minh bắt đầu tăng quyền hạn thì sẽ có rủi ro thực sự cho các thành viên hội đồng.” Ông nói thêm rằng, “Họ vốn đã tìm cách tiếp quả các hội đồng bằng các Ủy ban Hồi giáo Cao hơn.” Ông cho biết có một số thành viên Hội đồng ở Aleppo đang tìm cách bỏ đi.

Một số thành viên hội đồng nằm trong hàng chục ngàn thường dân bị thất tán đang trốn tránh ở biên giới gần cửa khẩu Bab al Samah. Hình ảnh chụp bằng vệ tinh do tổ chức Human Rights Watch công bố hôm nay cho thấy luồng thường dân ồ ạt ở gần biên giới.

Có những ước lượng khác nhau về con số thường dân bị thất tán – một số đã ẩn náu ở thị trấn Azaz gần đó hoặc tản mác trong những cánh đồng và những khu định cư nhỏ gần biên giới, khiến cho khó thực hiện được một cuộc kiểm kê chính xác.
Một số thường dân đang trực chỉ tỉnh Idlib ở sát bên, hy vọng họ sẽ có cơ hội tốt hơn để vượt qua biên giới gần cửa khẩu ở Bab al-Hawa.

Liên Hiệp Quốc ước tính có 70 ngàn người quanh Bab al Samah và Azaz, nhưng nhân viên cứu trợ nói con số có thể lên đến gần 100 ngàn.

Nhưng túm tụm gần biên giới không giúp cho những thường dân bị thất tán bớt lo lắng. Nhân viên cứu trợ mô tả một cảm giác hoảng loạn – một cảm giác cũng lan qua các chiến binh nổi dậy muốn đưa gia đình ra khỏi Syria tìm nơi an toàn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Nadim Houry của tổ chức Human Rights Watch nói, “Người Syria đi trốn oanh tạc ở khu vực Azaz cũng không được an toàn ngay ở các nơi mà họ đi tìm nơi trú thân, nhưng có quá ít chỗ để họ có thể đi.”

Tuy giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép thường dân đi qua biên giới với Syria, hồi giữa tuần họ đã để cho mấy trăm người chủ yếu là chiến binh nổi dậy Hồi giáo vào Thổ Nhĩ Kỳ từ tỉnh Idlib của Syria đi ngang qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và trở lại vùng nông thôn Aleppo miền bắc thông qua Bab al Samah, theo lời các viên chỉ huy nổi dậy.

Đài quan sát Nhân quyền Syria, một mạng lưới theo dõi của các nhà hoạt động ủng hộ phe đối lập, cho hay một nhóm đã dời chuyển vào ngày 15 tháng 2. Các cấp chỉ huy phe nổi dậy nói một nhóm nữa vào ngày hôm qua. Đa số các chiến binh đều trực chỉ Azaz.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG