Đường dẫn truy cập

Nhân quyền và nỗ lực từ bỏ văn minh theo đường mòn để đến... CNXH


Phiên tòa xử Phạm Đoan Trang tại Hà Nội. Hình minh họa. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.
Phiên tòa xử Phạm Đoan Trang tại Hà Nội. Hình minh họa. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.

Liên Hiệp Quốc vừa công bố thư của bộ phận đặc sát thuộc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) gửi chính quyền Việt Nam, yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến việc bắt giữ - phạt tù chín công dân là: Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thành và Trần Quốc Khánh trong hai năm 2020 và 2021.

Thư vừa kể (1) dài 11 trang (1) đã được RFA dịch sang tiếng Việt và tóm lược trên trang web của đài này (2). Theo đó, bộ phận đặc sát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh sự lo ngại khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm các nguyên tắc chung trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền Việt Nam đã cam kết thực thi từ đầu thập niên 1980.

Ngoài việc yêu cầu chính quyền Việt Nam giải thích tường tận về việp áp dụng luật hình sự trong bắt giữ - xét xử - kết án chín người vừa đề cập, bộ phận đặc sát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc còn yêu cầu chính quyền Việt Nam giải thích về những cáo buộc liên quan đến sách nhiễu, trả thù có hệ thống nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các tổ chức dân sự, nhà báo và bloggers trong thời gian vừa qua.

Gần hai tháng sau ngày thư được gửi đến chính quyền Việt Nam (1/11/2021), hôm 21/12/2021, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva - Thụy Sĩ gửi thư phúc đáp (3). Bởi yêu cầu do bộ phận đặc sát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đề ra nên cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam chỉ đề nghị gia hạn thời gian trả lời đến 28/2/2022.

Lần này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam ngậm tăm, không... lên án những nhận định, yêu cầu vừa kể là... luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam như vẫn thường xảy ra sau khi các tổ chức chuyên hoạt động cho dân chủ, nhân quyền lên tiếng cảnh báo cộng đồng quốc tế về thực trạng tồi tệ đối với nhân quyền tại Việt Nam (4).

Nhìn một cách tổng quát, trong ba tháng gần đây, Việt Nam trở thành quốc gia khiến Liên Hiệp Quốc – vốn hết sức thận trọng vì đại diện cộng đồng quốc tế - liên tục phải lên tiếng do lo ngại vì các dấu hiệu vừa xâm hại, vừa bỏ rơi những quyền liên quan đến nhân vị của công dân Việt Nam. Ngoài thư của bộ phận đặc sát nhân quyền gửi vào đầu tháng 11/2021, tháng trước (12/2021), OHCHR loan báo là cơ quan này của Liên Hiệp Quốc xem việc kết án Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung, chuẩn bị xét xử Lê Trọng Hùng là những dấu chỉ nghiêm trọng về tính hợp pháp của việc giam giữ, tính công bằng của việc xét xử, khiến người Việt phải tự kiểm duyệt và những người quan tâm đến tự do truyền thông rùng mình. Sự trừng phạt đó ngăn cản mọi người thực hiện các quyền căn bản và tham gia tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng.

Tháng trước không chỉ có thế! Ngoài việc hối thúc chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả những cá nhân mà OHCHR nêu tên cũng như những người bị bắt giữ tùy tiện vì thực hiện quyền tự do ý kiến và biểu đạt của họ (4), OHCHR còn nhắc nhở Việt Nam về các nghĩa vụ pháp lý đối với cộng đồng quốc tế trong việc hợp tác chống tệ nạn buôn người, từ điều tra đến cung cấp các biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục và hỗ trợ các nạn nhân, sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ và bé gái Việt Nam do nghèo đói mà bị gạt ra bên lề xã hội rồi trở thành nạn nhân buôn người và những kẻ buôn người không bị trừng phạt. Việt Nam không làm gì cả cho dù trong vòng chưa đầy hai tháng (từ 3/9/2021 đến 28/10/2021) có 205 phụ nữ được xem là nạn nhân buôn người được hỗ trợ hồi hương...

... Cho dù có những bằng chứng rõ ràng về việc một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động của Việt Nam đã tuyển cả những bé gái chỉ 15 tuổi, giả mạo giấy tờ để đưa sang Saudi Arabia làm thuê. Dù đổ bệnh vì bị hành hạ, bị bỏ đói, không được chữa trị, van xin được hồi hương nhưng không được hỗ trợ và cô bé chết trước khi có thể lên phi cơ... nhưng chỉ có các tổ chức quốc tế, sau đó là OHCHR bày tỏ sự lo ngại khi tình trạng phụ nữ và các bé gái Việt Nam được xuất khẩu sang Saudi Arabia để làm thuê bị lạm dụng tình dục, bị chủ hành hạ, tra tấn dã man, bị bỏ đói, không được chăm sóc y tế, phải nhận mức lương thấp hơn mức đã thỏa thuận trong hợp đồng, thậm chí không được trả lương trở thành phổ biến yêu cầu Saudi Arabia phải có biện pháp (6) còn Việt Nam thì im lặng. Khi lên tiếng thì chỉ lên án các ý kiến về nhân quyền là... lạc lõng, sáo rỗng (7)!

***

Tháng trước, nhiều cơ quan trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam hoan hỉ giới thiệu một tiến sĩ mới trong lĩnh vực luật học: Thượng tọa Thích Chân Quang – thế danh Vương Tấn Việt. Luận văn tiến sĩ về đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” được ca ngợi là đặc sắc (8) vì cho rằng phải có sự cân đối giữa “quyền con người” và “nghĩa vụ con người”.

Nếu có thời gian xem hết video clip dài khoảng ba tiếng đó (9), người nghe hẳn sẽ thấy Thượng tọa – tân Tiến sĩ này đã thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam biện minh rằng, định chế quốc tế về nhân quyền chưa chính xác, muốn đề cập đến quyền, con người phải chu toàn nghĩa vụ với nhà nước, với cộng đồng. Cũng vì vậy cần có... “Tuyên ngôn Toàn cầu về nghĩa vụ con người”!

Đã có rất nhiều ý kiền bình phẩm về... “sự đóng góp vào kho tàng lý luận về nghĩa vụ con người đối với xã hội ấy. Trong đó có phân tích của Nguyễn Quốc Tấn Trung - một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật tại Đại học Victoria, Canada. Qua video clip 16 phút (10), Trung đã giải thích rất gọn ghẽ nhưng đầy đủ tại sao cộng đồng quốc tế chỉ có “Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người” mà không bận tâm đến việc phải soạn thảo... “Tuyên ngôn Toàn cầu về nghĩa vụ con người”: Mục tiêu của pháp luật quốc tế về nhân quyền là bảo đảm duy trì đặc điểm vô điều kiện của các quyền vốn được quan niệm là đương nhiên, phổ quát, không thể áp đặt bất kỳ đòi hỏi nào vì bất cứ lý do nào. Ví dụ quyền bình đẳng giới, phụ nữ hoặc những người thuộc giới tính thứ ba không phải chu toàn bất kỳ nghĩa vụ hay đòi hỏi nào để được hưởng quyền này...

Trung còn dẫn thêm quyền dân tộc tự quyết như một ví dụ khác. Với yếu tố đương nhiên, phổ quát và được luật pháp quốc tế bảo vệ,các dân tộc có quyền quyết định vận mạng xứ sở của mình, có quyền tranh đấu, kể cả sử dụng bạo lực để giành quyền đó. Bởi những đặc điểm ấy, Việt Nam vốn là một thành viên của Nhà nước Liên hiệp Pháp không cần phải thực thi bất cứ nghĩa vụ nào với Nhà nước Liên hiệp Pháp, không cần phải đáp ứng bất kỳ điều kiện này để được thừa nhận là có quyền tự quyết...

Nguyễn Quốc Tấn Trung lưu ý thêm, sở dĩ cộng đồng quốc tế không đặt định bất kỳ điều kiện nào đối với các quyền phổ quát vì không muốn các nhà nước lạm dụng để né tránh việc tôn trọng và bảo vệ các quyền này. Vì đã từng xảy ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng như nhà nước Đức Quốc xã từ chối thừa nhận quyền làm người của dân Do Thái... nên sau Thế chiến thứ hai, nhân loại mới ngồi lại với nhau để thảo luận và xác định đâu là những quyền cơ bản, không thể buộc phải hội đủ điều kiện thì mới đáp ứng...

Quảng bá, ca ngợi luận văn tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang có thể có tác dụng nhất định trong... đối nội vì ông có nhiều Phật tử nhưng về đối ngoại, không trước thì sau, không sớm thì muộn, luận văn tiến sĩ này cũng đến tay thiên hạ. Thiên hạ sẽ nghĩ gì khi những... “trí thức hàng đầu” ở Việt Nam hào hứng, đánh giá rất cao ý tưởng phải có... điều kiện đối với các quyền phổ quát mà nhân loại xem là căn bản và đương nhiên, thậm chí cần phải có thêm “Tuyên ngôn Toàn cầu về nghĩa vụ con người”? Vì sao học thuật ở Việt Nam hăm hở rời bỏ nền tảng vốn là thành tựu văn minh chung của nhân loại? Đường mòn đến chủ nghĩa xã hội hấp dẫn đến thế sao?

Chú thích

(1) https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=26688

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/un-speical-rapporteur-on-arbitrary-detentin-requests-respsonse-from-vn-goverenment-01102022123056.html

(3) https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadFile?gId=36703

(4) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/dau-tranh-chong-cac-luan-dieu-xuyen-tac-phu-nhan-thanh-qua-ve-dan-chu-nhan-quyen-o-viet-nam-hien-nay

(5) https://news.un.org/en/story/2021/12/1108292

(6) https://news.un.org/en/story/2021/11/1104872

(7) https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/luan-dieu-lac-long-sao-rong-677678

(8) http://daidoanket.vn/thuong-toa-thich-chan-quang-va-luan-an-tien-si-co-nhieu-dong-gop-dac-sac-5674876.html

(9) https://www.youtube.com/watch?v=IlauF4Ox1Z0&ab_channel=PhápQuang-SenHồng

(10) https://www.youtube.com/watch?v=ODR3ct4dLxM

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG