Đường dẫn truy cập

Từ chuyện trái thanh long, nghe ‘có lỗi với dân’ mà rùng mình


Nơi tập kết xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Nơi tập kết xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, vừa nhắc nhở các đại biểu phải thảo luận kỹ lưỡng và thận trọng khi quyết định nội dung Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để không xảy ra sai sót, không

lãng phí vì ngược lại là... “có lỗi với dân” (1).

Đúng vào thời điểm ông Huệ và các đại biểu Quốc hội mà đa số còn là lãnh đạo các tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương, lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo chính quyền các địa phương đang thảo luận về việc ban hành thêm chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội thì nhiều giới đang hấp hối!

Phong Bụi – một Youtuber – vừa post lên chanel cùng tên video clip dài 19 phút 36 giây ghi lại một phần hiện trạng tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nơi có hàng chục ngàn héc ta thanh long đang vào vụ thu hoạch nhưng vì đường chuyển vận sang Trung Quốc bị tắc nên giá chỉ còn 500 đồng/ký (2)!

Lúc này, giá một tô phở bình dân ở Việt Nam khoảng 30.000 đồng. Muốn ăn một tô phở bình dân, nông dân trồng thanh long ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An phải bán được... 60 ký thanh long. Tuy giá chỉ còn 500 đồng/ký nhưng chẳng dễ bán nên phần lớn thanh long phải đổ cho bò ăn, cho gà mổ hoặc vứt xuống ao cho cá rỉa!

Vài nông dân ở huyện Tân Trụ, Long An kể với Phong: Chi phí cho mỗi héc ta thanh long khoảng 100 triệu nhưng bây giờ may lắm thì thu lại được... 10 triệu! Trung Quốc đóng cửa – không tiếp nhận nông sản, các công ty chuyên thu mua nông sản xuất cảng sang Trung Quốc chết, thương lái chuyên thu mua nông sản từ nông dân chết theo và nông dân tất nhiên không thể sống sót. Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã nhiều lần tạo ra tình cảnh... chết chùm!

Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng. Năm 2018, giá thanh long cũng từng rớt xuống còn... 500 đồng/ký (3). Mà cũng chẳng riêng thanh long! Ngay vào lúc này, bưởi, xoài, chuối, chanh dây, dưa hấu cũng đồng loạt mất giá bởi Trung Quốc từ chối nhập cảng (4).

Đáng ngạc nhiên là bất kể tình trạng này lập đi, lập lại suốt vài thập niên nhưng dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng, quốc hội, chính phủ không tìm ra được con đường nào cả. Nông dân, nông sản và rộng hơn, nông nghiệp Việt Nam vẫn càng ngày càng phụ thuộc sâu rộng hơn vào Trung Quốc.

Trương Thùy Trang – một khán giả của channel Phong Bụi trên Youtube – bảo rằng cô thấy thương nông dân huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Cô nhấn mạnh, ở Hà Nội, giá thanh long vẫn rất mắc, lúc này, giá thanh long ngon vẫn từ 45.000 đến 50.000 đồng/ký! Chẳng riêng Hà Nội, giá thanh long ở nhiều địa phương khác cũng đâu rẻ... thối như vậy.

Thế thì vấn đề nằm ở đâu? Đảng lãnh đạo thế nào mà quốc hội, chính phủ vẫn không nhìn ra, nghĩ tới chuyện khai thông lối ra cho nông sản Việt Nam ngay tại thị trường nội địa và những thị trường khác bên ngoài Việt Nam để cuối cùng, Trung Quốc vẫn là... độc đạo của nông sản Việt Nam, khiến nông dân, nông nghiệp tiếp tục lệ thuộc ngoại bang?

***

Chính sách tài khóa, tiền tệ là chuyện... vĩ mô, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề vĩ mô nhưng nông dân – nông sản – nông nghiệp chẳng lẽ... nhỏ đến mức không cần bận tâm. Mà không bận tâm thì làm sao giúp kinh tế - xã hội hồi phục, nói gì đến duy trì ổn định để phát triển.

Rõ ràng là hết sức quái gở khi Chủ tịch Quốc hội sợ Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không đúng, không trúng, lãng phí sẽ... “có lỗi với dân” nhưng lại không thấy giá nông sản rẻ thối, nông dân phá sản, nông nghiệp bấp bênh, bế tắc như hiện nay là đang... “có lỗi với dân”.

Không thấy như thế làm sao sửa? Không chịu nhận như thế làm sao thay đổi? Chẳng phải Quốc hội, chính phủ cũng từng dùng chiêu... “có lỗi với dân” để... an dân. Tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội từng thay mặt chính phủ nhắc nhở hệ thống công quyền: Cơ quan hay cá nhân nào chậm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là có lỗi với dân, còn để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân (4).

Muốn biết chính phủ “có lỗi”“có tội” với dân hay không cứ nhìn thực tế từ đó tới giờ. Muốn biết việc đề cập đến “có lỗi” cũng như “có tội” là thật tâm hay bịp bợm cũng cứ nhìn thực tế mà ngẫm. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lải nhải mãi về chuyện học tập và làm theo ông Hồ Chí Minh nhưng cứ đối chiếu ý kiến của ông Hồ Chí Minh tại Hội nghị sản xuất cứu đói hồi tháng 7 năm 1955 với thực tế hiện nay sẽ thấy những hệ thống này cũng dùng ông ta như dụng chiêu “có lỗi với dân”:

Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Phải biết giáo dục, lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Phải tiết kiệm là vì nếu được bữa nào xào bữa ấy, thì sẽ thiếu thốn.

Nếu cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu, vì nước ta là nước nông nghiệp, mọi việc đều dựa vào nông nghiệp.

Nếu cán bộ không biết lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm, nếu đảng viên không xung phong gương mẫu, thì việc gì cũng sẽ khó làm. Cho nên chính sách tăng gia sản xuất và tiết kiệm là một chính sách căn bản của chúng ta. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm để nâng cao đời sống của nhân dân, khôi phục kinh tế, mở mang văn hóa và đề phòng đói, chống đói.

Trách nhiệm của các cấp ủy và cán bộ là phải hết sức chú ý đến sản xuất và tiết kiệm. Các đảng viên phải gương mẫu trong việc đó. Tham ô, lãng phí là có tội, mà tham ô lãng phí gạo cứu đói tội càng lớn hơn. Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào đó. Thế là có tội với Đảng và Chính phủ, đối với nhân dân, đối với nước bạn. Đó là tội thật to. Các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức (5).

Chú thích

(1) https://quochoi.vn/cacvilanhdao/Pages/hoat-dong.aspx?ItemID=61589

(2) https://www.youtube.com/watch?v=jx23DWHfMsA&ab_channel=PhongBụi

(3) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/nong-san-tac-duong-sang-trung-quoc-dai-gia-vao-cuoc-giai-cuu-805641.html

(4) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nguoi-dan-dang-mong-tung-ngay-trien-khai-cham-la-co-loi-truc-loi-la-co-toi/437305.vgp

(5) http://ubmttq.hochiminhcity.gov.vn/TinTuc/htvalamtheotamguongdaoduchcm/Lists/Posts/Post.aspx?ID=314

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG