Một nhà khoa học gốc Việt phục vụ cho quân đội Mỹ vừa được vinh danh là một trong những gương mặt tiêu biểu vì những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực mô hình và mô phỏng, trở thành người gốc Á đầu tiên được ghi tên vào ‘bảng vàng’ những người tiên phong giúp phát triển những công nghệ có nhiều ứng dụng trong quốc phòng và không gian.
Tiến sĩ Phạm Đại Khánh, kĩ sư không gian chính trong Bộ phận Công nghệ Không gian Cận Địa cầu tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân của Không quân Hoa Kỳ, vào tháng 6 được đưa tên vào Sảnh đường Danh vọng về Mô hình và Mô phỏng năm 2023 của Trung tâm Quốc gia về Mô phỏng (NCS), một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Florida nhắm mục tiêu hỗ trợ và thăng tiến lĩnh vực này khắp toàn nước Mỹ.
Được thành lập từ năm 2014, Sảnh đường Danh vọng của NCS đã vinh danh 36 cá nhân vì những thành tựu và đóng góp của họ cho sự phát triển của lĩnh vực mô hình và mô phỏng trong hơn 100 năm qua, theo website của tổ chức. Tiến sĩ Khánh là người gốc Á đầu tiên được ghi tên vào danh sách này.
“Ông Phạm đã có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng nghiên cứu lớn hơn, cũng như Không quân, đưa khoa học lý thuyết hệ thống, nguyên tắc kỹ thuật điều khiển và mô hình nghiên cứu vận hành lý thuyết trò chơi vào để giải quyết các vấn đề kỹ thuật hàng đầu và những ưu tiên năng lực của Không quân,” một thông cáo của tổ chức này cho biết.
Trả lời phỏng vấn VOA, Tiến sĩ Khánh nói ông vinh hạnh được NCS lựa chọn ghi tên vào bảng danh dự của năm nay cùng với hai nhà khoa học khác nữa. Sự ghi nhận này cũng là một niềm “vui và hãnh diện” không chỉ đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói riêng mà còn đối với cộng đồng người Châu Á Thái Bình Dương nói chung, ông nói thêm.
“Để mà thành công mình phải bước qua rất nhiều trở ngại. Mình phải tạo ra những điều mới, những lĩnh vực khoa học công nghệ mới cho Bộ Quốc phòng,” ông nói. “Mình đã bắt đầu đi bắt đầu lại mười lần, mỗi lần là những lĩnh vực khác nhau, từ những lĩnh vực đó mình đạt được những kết quả tương đối không nhỏ. Đó là lý do vì sao họ chọn mình.”
Giải thích thêm về công tác của mình, Tiến sĩ Khánh nói một ứng dụng nổi bật nhất là trong việc vận hành hàng ngàn những vệ tinh trong không gian từ theo dõi thời tiết cho tới định vị định hướng (GPS). Việc lập mô hình và mô phỏng không chỉ giúp các nhà khoa học biết được hoạt động của vệ tinh vào một thời điểm trong quá khứ mà còn giúp họ đưa ra dự đoán về hành vi của chúng trong tương lai.
“Mình có thể đi ngược lại quá khứ để tìm hiểu cái vệ tinh này 24 giờ trước nó ở đâu, làm những điều gì,” ông nói. “Đấy là mình dùng mô hình mô phỏng để giải quyết những thắc mắc về những sự vật trong không gian như phi thuyền, vệ tinh, nó đã ở đâu và nó đã làm gì và nó sẽ làm gì trong tương lai. Mình dùng những dữ liệu thông tin mà mình theo dõi cập nhật từ không gian về Trái đất. Mình cũng có khả năng điều khiển từ xa, thay đổi chế độ hoạt động của nó.”
Những nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực mô hình và mô phỏng đã giúp Bộ Quốc phòng Mỹ tìm ra những giải pháp để đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia cũng như những hoạt động chính trị bảo vệ an ninh toàn cầu mà Mỹ cần phải tham gia vào, ông nói thêm.
“Trong 19 năm qua, mình đạt được những thành quả trong lĩnh vực vệ tinh truyền tải; dùng thiết bị đo đạc quang học lượng tử ánh sáng để kiểm nghiệm những hành động và khả năng của các sự vật trong không gian như máy bay, phi thuyền, vệ tinh, làm sao để chúng không va chạm gây ra tại nạn hoặc những trở ngại khác trong tương lai.”
Tiến sĩ Khánh, 52 tuổi, sinh trưởng ở Việt Nam, nơi cha mẹ ông phục vụ trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sau đó trở thành tù nhân phải “học tập cải tạo” từ năm 1975 đến năm 1982. Họ đến Mỹ định cư vào đầu những năm 1990, khi mà ông đang là sinh viên năm thứ hai theo học ngành kĩ thuật ở Sài Gòn và gần như không nói được tiếng Anh.
Đặt chân tới Mỹ, ông học lại ba năm trung học. Trong khoảng thời gian này, ông vừa đi học vừa làm lao công vào buổi tối, ông theo học cao đẳng cộng đồng và lấy bằng hai năm trong lĩnh vực công nghệ hệ thống điện tử.
Cuối những năm 1990, ông tiếp tục lấy bằng cử nhân bốn năm và bằng thạc sĩ ngành kĩ thuật điện tại Đại học Nebraska. Năm 2004, ông nhận bằng Tiến sĩ Kĩ thuật Điện từ Đại học Notre Dame. Cùng năm, ông vào làm việc cho tới nay tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico.
Năm 2018, ông được trao giải thưởng Arthur S. Flemming của Đại học George Washington cho những thành tựu nghiên cứu của mình trong lĩnh vực Khoa học Cơ bản. Giải thưởng cao quý dành cho công chức chính phủ liên bang này từng vinh những những tên tuổi lớn như Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người duy nhất giữ chức vụ này dưới hai chính quyền tổng thống thuộc hai đảng khác nhau.
Gần hai thập niên làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng, Tiến sĩ Khánh nói những thành tựu của ông không đến từ việc chỉ tập trung vào một lĩnh vực duy nhất mà từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đôi khi lạ lẫm với chuyên môn của ông. Điều đó khiến ông không ngừng học hỏi và cộng tác với những đồng nghiệp để nâng cao hiểu biết của mình.
“Chín, mười lần là thay đổi công việc, luôn luôn tìm kiếm những cái mới và học hỏi những cái mới,” ông nói. “Mình luôn luôn chấp nhận sự rủi ro, không rõ ràng nhưng mà mình tạo ra được những đột phá mới cho lĩnh vực mô hình mô phỏng và đáp ứng những giải pháp về khoa học và công nghệ cần thiết cho Hoa Kỳ.”
Buổi lễ kết nạp Tiến sĩ Khánh và hai nhà khoa học khác vào Sảnh đường Danh vọng về Mô hình và Mô phỏng năm 2023 của Trung tâm Quốc gia về Mô phỏng sẽ diễn ra và ngày 12 tháng 10.
Ngoài vinh dự này, Tiến sĩ Khánh mới đây cũng được loan báo là người đoạt Giải thưởng Thành tựu Kĩ thuật/Nghiên cứu/Kinh Doanh năm 2023 của Hội Nhà Khoa học và Kĩ sư Châu Á, một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Colorado chuyên giúp người Mỹ gốc Á thăng tiến trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Diễn đàn