Trong khi tiểu bang California bước vào đợt thực thi ‘lệnh ở nhà’ lần thứ hai để kiềm chế sự lây lan của virus corona, một số người gốc Việt ở Little Saigon mặc dù ủng hộ việc chống dịch nhưng cho rằng ‘cứ phong tỏa hoài không phải là biện pháp’.
Lệnh ở nhà đã được kích hoạt trở lại trên nhiều thành phố và quận hạt có công suất giường chăm sóc đặc biệt giảm xuống dưới 15% ở tiểu bang đông dân nhất này của Mỹ. Hiện gần 85% cư dân California bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế mới nhất này, trong đó có đông đảo người gốc Việt.
Bang California hiện là nơi đang có nhiều ca nhiễm virus corona nhất nước Mỹ. Hôm thứ Bảy ngày 5/12, bang này đã lập kỷ lục với 30.000 ca nhiễm mới trong một ngày.
‘Không sống trong sợ hãi’
Từ thành phố Huntington Beach thuộc quận Cam, anh Terry Huy Nguyễn, một nhân viên ngân hàng, cho biết từ ngày có lệnh ở nhà, cuộc sống của anh vẫn ‘không thay đổi gì’.
“Ban ngày tôi làm việc ở nhà, buổi chiều tôi vẫn đi gặp gỡ bạn bè như thường,” anh nói và cho biết nhiều bạn bè anh cũng giống như anh.
Anh Huy giải thích do anh trẻ tuổi, sống độc thân, bạn bè toàn là người trẻ nên ‘không sợ Covid’. “Đa số chúng tôi có tinh thần coi Covid này như cúm thông thường thôi,” anh nói.
“Tôi là đi chơi thoải mái, không care (quan tâm). Bạn bè rủ là đi,” anh Huy nói.
Tuy nhiên, anh cho biết khi ra đường anh vẫn áp dụng các biện pháp đề phòng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội và không đến nơi đông người và điều quan trọng là trước khi đi thăm cha mẹ, anh đều phải đi xét nghiệm, nếu kết quả âm tính mới đi.
Theo lời anh thì bạn bè anh ‘có rất nhiều người bị nhiễm’ và ‘trong 10 đứa có 4, 5 đứa bị còn những đứa khác thì không khai thôi’ và ‘chắc chắn có nhiều người bị nhưng không đi xét nghiệm’.
“Nhưng tụi nó bị có vài ngày là hết,” anh giải thích lý do anh không sợ Covid-19.
Về mùa lễ hội cuối năm, anh cho biết năm nay anh vẫn đi tham dự tiệc tùng nếu có lời mời của bạn bè và cũng dự định tổ chức tiệc trong nhà ‘nhỏ hơn mọi năm’. Anh than phiền việc anh không thể đi du lịch được vì nhiều nước không cho người Mỹ nhập cảnh còn một số tiểu bang ở Mỹ yêu cầu cách ly những người đến từ California trong khi nhiều thành phố anh muốn đi ‘cũng đóng cửa để chống dịch’.
Anh mô tả tình hình ở khu Little Saigon là ‘các cơ sở thương mại vắng hơn’ nhưng ‘ngoài đường xe cộ vẫn chạy bình thường và vẫn kẹt xe như thường’ và cho biết đa số người dân đi đến nơi nào đó rồi đi về chứ không tụ tập.
‘Nên để người dân tự nguyện’
Theo lời anh thì do vùng anh ở ‘Cộng hòa ngang ngửa Dân chủ’ nên chính quyền không thực thi lệnh ở nhà khắt khe như ở vùng đông Dân chủ như ở Bắc California.
“Cảnh sát sẽ nói cái này là cá nhân, là trách nhiệm của bản thân mỗi người chứ chúng tôi không chế tài cái gì hết,” anh cho biết và nói thêm rằng những người theo Đảng Cộng hòa như anh ‘không sống theo nỗi sợ mà vẫn sống cuộc sống bình thường’.
“Mọi người tự nhắc nhở nhau thôi. Chỉ khi nào đi những nơi như Walmart hay Costco thì phải đeo khẩu trang chứ còn tiệc tùng ở nhà thì tùy người. Có người đăng lên Facebook họ vẫn tiệc tùng bình thường,” anh cho biết.
Mặc dù tuân thủ quy định đeo khẩu trang và cho rằng ở Little Saigon hiện 9/10 người đã đeo khẩu trang khi ra ngoài nhưng anh bày tỏ nghi ngờ công dụng của biện pháp này.
“Chẳng hạn như vô nhà hàng đi tới nhà vệ sinh họ cũng bắt đeo nhưng khi ngồi xuống bàn nói chuyện thì họ cho cởi ra. Như vậy đâu có nghĩa lý gì,” anh nói và dẫn ra một nghiên cứu cho rằng đa số ca nhiễm mới là ‘xảy ra ở môi trường kín trong nhà’.
Anh cho rằng chính quyền chỉ nên khuyến cáo người dân chứ không nên ép buộc người dân ở nhà hay đóng cửa kinh doanh.
“Các chính trị gia không bị ảnh hưởng. Đóng cửa thì họ vẫn có tiền bạc,” anh Huy lập luận. “Chỉ có những người kinh doanh nhỏ là chịu khổ, rồi những người sống trong sợ hãi không dám ra đường.”
Anh nói lệnh ở nhà ‘sẽ gây nhiều vấn đề hơn Covid’ và chỉ ra việc nhiều người ‘sẽ bị trầm cảm do không được đi thăm gia đình, bạn bè, không có chỗ đi chơi’.
“Mùa đông năm nay sẽ rất cô đơn và khó khăn cho một số người,” anh khẳng định.
Anh Huy không cho rằng các cuộc tập hợp đông đảo ủng hộ ông Trump sau cuộc bầu cử trong thời gian qua ở Little Saigon sẽ góp phần lây lan virus corona.
“Biểu tình ngoài trời đâu có sao đâu. Biểu tình trong nhà mới mệt. Giống như hồi Black Lives Matter biểu tình cả triệu người có ai nói gì đâu,” cư dân này lập luận.
‘Phải bung ra mà sống’
Giống như anh Huy, chị Trần Đặng Kim Tuyết, chủ nhà hàng Phá Lấu Quán ở thành phố Westminster, cho biết đợt phong tỏa lần này ‘ngoài đường vẫn có xe cộ chạy như bình thường’. “Đợt phong tỏa trước cỡ 7-8h tối là ngoài đường không còn ai,” chị nói.
“Tâm lý mình đã quen với bệnh này rồi nên mình không sợ lắm như lúc đầu,” chị Trần Đặng Kim Tuyết, chủ nhà hàng Phá Lấu Quán ở thành phố Westminster cho biết.
“Bây giờ đã biết nó cũng như bệnh cảm thì sẽ biết chăm sóc sức khỏe tốt hơn.”
Riêng việc kinh doanh của nhà hàng, chị Tuyết cho biết ‘chậm hơn hẳn’ nhưng ‘vẫn tốt hơn so với đợt đầu’.
Nhà hàng của chị đã giảm giờ mở cửa xuống, theo lời chị, và đóng cửa vào 8 giờ thay vì 10 tối như trước, nhưng ‘đến 7 giờ tối là hết khách’. Còn những nhà hàng, quán ăn trước đây thường mở cửa đến sau nửa đêm giờ cũng phải đóng cửa hết, chị cho biết.
Về ảnh hưởng của lệnh ở nhà đối với cuộc sống, chị Tuyết giãi bày: “Từ lúc dịch bệnh tới giờ là không tổ chức tiệc tùng, lễ lộc gì hết. Chỉ tổ chức sinh nhật hay Lễ Tạ ơn trong phạm vi gia đình thôi chứ không mời bà con hay bạn bè tới như những năm trước. Nói chung là khá buồn.”
Chị nói chị ủng hộ biện pháp của chính quyền để ‘giúp cho dịch bệnh không bùng phát’ nhưng nếu phong tỏa lâu quá thì ‘sẽ tội cho các tiểu thương’.
“Bây giờ có bùng dịch thế nào thì những tiểu thương như tụi tôi vẫn phải bung ra đi làm thôi chứ không thể nào vì dịch bệnh mà ở nhà. Tôi không có khả năng đó nữa,” chị nói.
“Dịch chưa hết mà hết tiền cũng đâu sống nổi đâu,” chị than thở và cho rằng nếu chị vì cuộc sống mà bươn chải bất chấp dịch bệnh ‘thì chính phủ cũng không thể cấm mình đi làm kiếm tiền được’.
Theo lời chị kể thì trong đợt phong tỏa đầu, vợ chồng chị phải đóng cửa quán và ở nhà trong suốt ba tuần. Khi đó chị ‘thật sự chịu không nổi, rất căng thẳng vì tiền bạc chi phí này nọ mọi thứ vẫn phải trả’.
Chị cho biết ‘chính quyền sở tại cũng thông cảm với tình hình khó khăn của người dân nên không làm khó gì cho người dân hết’. “Có chủ nhà hàng không biết lệnh cấm vẫn cho khách vào ăn thì cũng không có ai đến nhắc nhở gì hết,” chị Tuyết kể.
“Chính quyền đã có cố gắng chống dịch bằng cách đóng cửa, giới nghiêm này nọ mà dịch vẫn bùng phát thì chỉ cầu xin sớm có thuốc thôi,” chị nói và cho rằng dịch bệnh trầm trọng một phần ‘do ý thức người dân’.