Một nhà phân tích người Nga - từng đóng góp vào bộ hồ sơ nghiên cứu, do Đảng Dân chủ tài trợ, về mối quan hệ giữa Nga và cựu Tổng thống Donald Trump - mới đã bị bắt hôm 4/11 với cáo buộc nói dối FBI về các nguồn thông tin của mình, trong đó có một người ủng hộ lâu năm cho bà Hillary Clinton.
Vụ án nhằm vào ông Igor Danchenko nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra đang diễn ra của điều tra viên đặc biệt John Durham về nguồn gốc cuộc điều tra của FBI về việc liệu ban vận động tranh cử năm 2016 của ông Trump và Nga có thông đồng làm thay đổi kết quả của chiến dịch tranh cử tổng thống năm đó hay không.
Bản cáo trạng, trong vụ án hình sự thứ ba do ông Durham khởi tố và là vụ thứ hai trong vòng hai tháng, có khả năng gây thêm khiếu nại từ các đồng minh của ông Trump, rằng các đảng viên Dân chủ đã liên kết với nhau làm việc ở hậu trường nhằm gia tăng nghi ngờ về ông Trump và Nga, góp phần dẫn đến cuộc điều tra của FBI về cuộc bầu cử.
Cáo trạng gồm 5 tội danh cáo buộc ông Danchenko đã khai man nhiều lần với FBI khi được phỏng vấn vào năm 2017 về vai trò của ông này trong việc thu thập thông tin cho Christopher Steele, một cựu điệp viên người Anh, người đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa chiến dịch Trump và Nga được tài trợ bởi Đảng Dân chủ.
Ông Danchenko, một người Nga sống tại Mỹ, chuyên gia về các vấn đề Nga và Á-Âu với tư cách là nhà phân tích tại Viện Brookings, là một nguồn tin quan trọng đối với ông Steele khi ông này biên soạn hồ sơ nghiên cứu của mình. Hồ sơ này cuối cùng đã được cung cấp cho FBI và được chính quyền liên bang sử dụng khi đề nghị cấp và được trao lệnh giám sát nhắm vào cựu trợ lý chiến dịch của Trump, Carter Page.
Theo cáo trạng, ông Danchenko nhiều lần nói dối FBI về các nguồn thông tin của mình. Các công tố viên nói rằng việc lừa dối này là yếu tố quan trọng vì FBI đã “dành nguồn lực đáng kể để cố gắng điều tra và chứng thực” các cáo buộc trong hồ sơ và đã “dựa phần lớn” vào nó để có được lệnh giám sát.
Cáo trạng còn nói rằng ông Danchenko đã làm FBI lạc hướng bằng cách phủ nhận ông đã thảo luận về bất kỳ cáo buộc nào trong hồ sơ với một người quen, là người từng làm giám đốc quan hệ công chúng và là đảng viên Dân chủ kỳ cựu, người này tình nguyện tham gia chiến dịch tranh cử của bà Clinton, đối thủ năm 2016 của ông Trump.
Trên thực tế, theo bản cáo trạng, bằng hình thức ẩn danh, ông Danchenko đã cung cấp một hoặc nhiều cáo buộc trong hồ sơ cho người cộng sự của bà Clinton. Khi FBI làm việc để chứng thực các cáo buộc của hồ sơ, cần lưu ý đến điều quan trọng là phải biết vai trò của đảng Dân chủ trong việc 'mớm’ thông tin vì FBI đã dựa vào “độ tin cậy, động cơ và sự thiên vị tiềm năng của ông ấy với tư cách là một nguồn thông tin”, vẫn theo cáo trạng.
Người này không được nêu tên trong hồ sơ của tòa án, nhưng luật sư của ông đã xác nhận danh tính của ông này là Charles Dolan Jr., cựu giám đốc điều hành của Hiệp hội Thống đốc đảng Dân chủ, người đã cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của bà Hillary Clinton và làm tình nguyện cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà.
Cáo trạng còn nói rằng ông Danchenko đã nói với FBI rằng ông đã thu thập thông tin về các hoạt động của ông Trump tại khách sạn từ nhiều nguồn nhưng bản thân không biết liệu những cáo buộc tình dục có phải là sự thật hay không.
Cáo trạng cáo buộc ông Danchenko đã nói dối FBI về một cuộc điện thoại vào tháng 7/2016 mà ông ta khai đã nhận được từ một người mà ông tin là chủ tịch Phòng Thương mại Nga-Mỹ. Người này, theo hồ sơ và lời kể của ông Danchenko với FBI, đã nói với ông về “một âm mưu hợp tác đang tiến triển tốt” giữa ban tranh cử của ông Trump và Nga - một khẳng định mà các công tố viên nói rằng dẫn đến quyết định chuẩn thuận các đơn xin lệnh giám sát.
Bản cáo trạng nói ông Danchenko đã ngụy tạo tài khoản của mình và thực sự chưa từng nhận được một cuộc điện thoại nào như vậy.
Cả bộ hồ sơ lẫn cuộc điều tra của ông Durham đều mang nặng động cơ chính trị.
Bộ Tư pháp thời ông Trump đã bổ nhiệm ông Durham vì ông Trump tuyên bố cuộc điều tra về mối quan hệ của ban vận động bầu cử của ông với nước Nga là một cuộc “truy sát chính trị”.
Bản cáo trạng nói rằng FBI không thể chứng thực được về phần lớn bộ hồ sơ, và ông Trump sử dụng chính điều đó như là bằng chứng cho thấy đã có một cuộc điều tra nhơ bẩn do các đảng viên Dân chủ giật dây.
Tuy nhiên, hồ sơ này không đóng vai trò làm nổ ra cuộc điều tra Trump-Nga. Báo cáo của tổng thanh tra Bộ Tư pháp năm 2019 đã đặt ra nhiều câu hỏi đáng kể về tính chính xác của thông tin và sự phụ thuộc của FBI vào nó. Ông Mueller cuối cùng cũng thấy có mối quan hệ đáng ngờ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga, nhưng không đủ bằng chứng để buộc tội âm mưu làm ảnh hưởng cuộc bầu cử. Các đảng viên Dân chủ đã chỉ trích cuộc điều tra Durham là có động cơ chính trị, nhưng chính quyền Biden đã không ngăn chặn nó.