Nga đang bị coi là nơi xuất phát vụ tấn công tin tặc tồi tệ nhất từ trước đến nay đánh vào các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn chưa lên tiếng. Ông Trump lâu nay vẫn thận trọng với việc quy trách nhiệm cho Moscow về các cuộc tấn công trên mạng.
Việc thiếu vắng một tuyên bố nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm làm người ta hoài nghi rằng sẽ có sự đáp trả nhanh chóng. Điều này cũng gợi ý rằng bất kỳ hành động trả đũa nào - có thể là các biện pháp trừng phạt, cáo buộc hình sự hay hành động trên mạng - sẽ được gác lại để cho chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden xử lý.
Sarah Mendelson, giáo sư ngành chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon và là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp quốc, nói: “Tôi hình dung rằng chính quyền sắp tới muốn lập ra một danh sách các phương án và sau đó sẽ lựa chọn trong số đó”.
Điều chắc chắn là không hề bất thường khi các chính quyền sẽ kiềm chế, không đưa ra các cáo buộc công khai về các vụ tấn công tin tặc cho đến khi họ thu thập đủ bằng chứng.
Trong trường hợp mới xảy ra, các quan chức Hoa Kỳ nói họ chỉ mới biết về những vụ xâm nhập nghiêm trọng tại nhiều cơ quan chính phủ, trong đó các nhân viên tình báo nước ngoài đã bám rễ tới 9 tháng mà không bị phát hiện.
Nhưng phản ứng của ông Trump, hay cũng có thể nói là việc ông không phản ứng, đang được theo dõi chặt chẽ, vì điều này liên quan đến chuyện ông rất chú tâm đến nỗ lực nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tháng 11 song vẫn không đi đến đâu, cũng như liên quan đến chuyện ông từ chối công khai thừa nhận rằng tin tặc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 theo hướng có lợi cho ông.
Hiện chưa rõ là ông Biden có thể sẽ thực hiện những hành động gì hoặc phản ứng của ông có thể được định hình như thế nào do những lời chỉ trích rằng chính quyền Obama đã không hành động đủ mạnh để ngăn cản sự can thiệp hồi năm 2016.
Mặc dù vậy, ông Biden đưa ra manh mối trong một tuyên bố hôm thứ Năm 17/12 khi ông nói rằng chính quyền của ông sẽ chủ động ngăn chặn các cuộc tấn công trên mạng và sẽ buộc bất kỳ đối thủ nào đứng sau các vụ hack đó phải trả giá.
Các tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ cho đến nay không đề cập đến Nga. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 14/12, khi được hỏi về sự dính líu của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận rằng Nga luôn cố gắng xâm nhập vào các máy chủ của Mỹ, nhưng ông nhanh chóng chuyển sang nói về các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin và Richard Blumenthal nhất định quy trách nhiệm cho Nga. Hai thượng nghị sĩ này đã được báo cáo tóm tắt hôm 15/12 về chiến dịch hack trong một phiên họp mật của Ủy ban Quân vụ.
Ngay trong chính quyền hiện tại, có những dấu hiệu khác cho thấy họ nhận thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công. Vụ này xảy ra sau khi các gián điệp mạng siêu hạng bơm mã độc vào phần mềm của một công ty cung cấp dịch vụ mạng. Cơ quan an ninh mạng dân sự đó đã ra thông báo hôm 17/12, cảnh báo rằng vụ hack tạo ra "rủi ro nghiêm trọng" cho các mạng chính phủ và tư nhân.
Phản ứng từ phía Mỹ có thể bắt đầu bằng một tuyên bố công khai rằng Nga được cho là có trách nhiệm. Đây là quan điểm được nhiều người đồng tình trong chính phủ Hoa Kỳ và trong cộng đồng an ninh mạng.
Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy thường không được đưa ra ngay lập tức. Một ví dụ là hồi năm 2014, phải mất vài tuần sau khi thông tin về vụ hack hãng Sony Pictures Entertainment được công khai, chính quyền Obama mới nêu đích danh Triều Tiên, và giám đốc tình báo quốc gia lúc đó - James Clapper - mới xác nhận Trung Quốc là "nghi phạm hàng đầu" trong cuộc tấn công tin tặc vào Vụ Quản trị Nhân sự.
Công khai nêu tên và lên án luôn là một phần của quy trình. Trong một bài viết bày tỏ quan điểm trên New York Times tuần này, cựu cố vấn an ninh nội địa của ông Trump, Thomas Bossert, viết rằng “Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh của mình là lý tưởng nhất, phải công khai và chính thức quy trách nhiệm về những vụ hack này”. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh SiriusXM, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney nói rằng việc Nhà Trắng không lên tiếng phản đối là điều “hết sức đặc biệt”.
Một khả năng khác là ở cấp liên bang sẽ đưa ra một bản cáo trạng, giả sử là các nhà điều tra có thể thu thập đủ bằng chứng để khép tội các tay tin tặc riêng rẽ. Những vụ án như vậy tốn nhiều công sức và thường mất nhiều năm, và mặc dù những vụ án đó có thể không mang lại nhiều cơ hội truy tố, đưa ra xét xử, song Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá rằng chúng có tác dụng răn đe mạnh mẽ.
Các lệnh trừng phạt, một biện pháp lâu đời, thậm chí có thể có nhiều tác động hơn và gần như chắc chắn sẽ được ông Biden cân nhắc. Tổng thống Barack Obama đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì can thiệp bầu cử năm 2016, và chính quyền Trump cùng các đồng minh phương Tây có hành động tương tự đối với Moscow vì Nga bị cáo buộc đã đầu độc một cựu sĩ quan tình báo ở Anh.
Vạch trần tình trạng tham nhũng của Điện Kremlin, bao gồm cả cách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin tích lũy và che giấu tài sản của mình, chính là động thái có thể đạt đến mức độ trả đũa thậm chí còn ghê gớm hơn.
Cựu đại sứ Mendelson nói: “Đây không chỉ là đòn ăn miếng trả miếng hoặc là hack lại hệ thống của họ. Mà là ‘Chúng tôi sẽ nhắm vào những cái thực sự quan trọng với quý vị, đó là số tiền được giấu đi, và lật tẩy ra mạng lưới lớn hơn cũng như nó liên kết với Điện Kremlin ra sao’”.
Hoa Kỳ cũng có thể trả đũa trong không gian mạng, việc này trở nên thuận lợi hơn vì chính quyền Trump đã cho phép và đã dẫn đến một số hoạt động.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo năm 2018 rằng các hoạt động tấn công trên mạng đánh vào các đối thủ nước ngoài giờ đây sẽ là một phần trong kho vũ khí của Hoa Kỳ và phản ứng của Hoa Kỳ sẽ không còn mang tính phòng thủ.
Jason Healey, một học giả thuộc Đại học Columbia chuyên về xung đột trên không gian mạng, nói: “Chúng ta hoàn toàn có thể đánh sụp mạng quốc gia của họ. Và bất cứ khi nào chúng ta thấy các nhân viên của họ xuất hiện và hoạt động, thì họ cũng biết rằng chúng ta sẽ truy đuổi họ, dù họ ở đâu”.
Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ cũng đã thực hiện các biện pháp chủ động hơn, với các hoạt động mà các quan chức mô tả là "săn lùng trước", cho phép họ phát hiện các mối đe dọa trên mạng ở các quốc gia khác trước khi đạt đến mục tiêu đã định. Ví dụ, các quân nhân không gian mạng của quân đội Mỹ đã hợp tác với Estonia trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ trong một chiến dịch chung nhằm phát hiện và phòng thủ trước các mối đe dọa từ Nga.
Jason Healey thuộc Đại học Columbia nói rằng tuy Mỹ cũng có nhiều hoạt động thu thập thông tin trên mạng mang tính chất tấn công - chẳng hạn như nghe trộm điện thoại của các nhà lãnh đạo nước ngoài là đồng minh của Mỹ, và cài phần mềm gián điệp vào các bộ router thương mại - song những nỗ lực như vậy vẫn được xem là có chừng mực so với vụ hack SolarWinds làm 18.000 tổ chức chính phủ và khu vực tư nhân bị nhiễm mã độc.
Healey cho rằng vì bản thân hoạt động gián điệp không phải là tội phạm, nên cách đáp trả tốt hơn cả là hãy tăng gấp ba khả năng phòng thủ an ninh mạng.
David Simon, một chuyên gia an ninh mạng và cựu cố vấn đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng những người chịu trách nhiệm về các vụ tấn công tin tặc phải chịu hậu quả - và chính quyền Trump “đã rất thiếu sót trong việc buộc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm”.
Ông viết trong một email: “Chừng nào chưa có chuyện rõ ràng là Hoa Kỳ buộc các đối thủ phải trả giá đắt, chừng đó còn khó có thể thấy Điện Kremlin có sự thay đổi về chất trong hành vi của họ”.