Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Thế giới: COVID-19 ảnh hưởng kinh tế Châu Á nặng nề


Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva.
Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva.

Ngân hàng Thế giới ước lượng dịch COVID-19 sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể trong năm nay tại Trung Quốc và các nước Đông Á-Thái Bình Dương, đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo khó. Trong dự báo cập nhật được công bố ngày 30/3, World Bank nói là theo kịch bản tệ hại nhất, khu vực này có thể bị trượt dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ gây nhiều tác hại cách đây hai thập niên. Phúc trình dự đoán tăng trưởng trong vùng sẽ chậm lại chỉ còn 2,1% trong năm nay so với 5,8% trong năm 2019.

Tuy nhiên, trong trường hợp tệ hơn, kinh tế khu vực sẽ co cụm lại 0,5%, ngân hàng ước tính, và đây sẽ là biểu hiện nền kinh tế yếu kém nhất của khu vực kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á trong những năm 1997-98 khiến 40% kinh tế giới lâm vào suy thoái. Ngân hàng ước đoán, theo một kịch bản tệ hại nhất, sẽ có hơn 11 triệu người trong khu vực lâm vào cảnh nghèo túng. Điếu này trái ngược rõ ràng với ước lượng trước đây là tăng trưởng trong năm nay sẽ đủ để đưa 35 triệu người ra khỏi cảnh nghèo khổ.

Ngân hàng Thế giới cho biết chưa kết thúc dự báo đối với những phần khác của thế giới, nhưng tuần qua, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nói rõ ràng là kinh tế toàn cầu đã đi vào suy thoái có thể xấu hay tệ hại hơn sự suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008. Trong dự báo căn bản của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại từ 6,1% năm ngoái xuống còn 2,3% năm nay. Trong kịch bản tệ hại nhất, tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ gần như chựng lại, chỉ còn 0,1%.

Cũng trong một kịch bản tệ hại nhất khi virus tiếp tục làm gián đoạn các hoạt động thêm nhiều tháng nữa, thì vùng này sẽ sụt giảm thêm 0,5% nữa, trong đó kinh tế Indonesia sụt giảm 2,3% , Malaysia 4,6%, và Thái Lan 5%.

“Cùng với hành động mạnh tay của các nước, hợp tác quốc tế sâu rộng hơn là vaccine hữu hiệu nhất chống lại mối đe dọa này,” ông Aaditya Mattoo, kinh tế trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, nói.

Ngân hàng Thế giới đã hứa cấp 14 tỉ đô la hỗ trợ tài chánh qua các gói được chuyển giao nhanh chóng để đẩy mạnh sự đáp ứng của các nước đang phát triển chống lại virus corona.

World Bank hy vọng sẽ triển khai thêm đến 160 tỉ đô la trong vòng 15 tháng để bảo vệ người nghèo và những người dễ bị ành hưởng nhất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết nếu cần thiết sẽ cam kết một ngàn tỉ đô la các nguồn cho vay để hỗ trợ các nước bị virus tác hại.

XS
SM
MD
LG