Đường dẫn truy cập

Khi ‘quốc’ bị dùng như… ‘cuốc’


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thiên hạ cười rần rần khi hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng loạt loan tin, có một bệnh nhân hát quốc ca và nhạc phẩm tuyên truyền “Như có bác Hồ”, trong lúc đang được phẫu thuật não (1).

Lõi của sự kiện vừa kể không nằm ở quốc ca. Nó nằm ở chỗ lần đầu tiên, dưới sự hướng dẫn của hai chuyên gia Nhật, một nhóm bác sĩ Việt Nam áp dụng phương pháp phẫu thuật mới (mổ thức tỉnh) để lấy khối u ra khỏi não người bệnh.

Trước, khi thực hiện những ca phẫu thuật kiểu này, các bác sĩ chỉ gây mê, vì khối u nằm lẫn trong não nên không thể loại bỏ rủi ro: Phẫu thuật gây tổn thương đến não, sau phẫu thuật, tuy loại bỏ được khối u nhưng bệnh nhân bị câm, liệt...

Phương pháp phẫu thuật mới chỉ gây tê để bệnh nhân không cảm thấy đau đớn nhưng không mê man, thành ra bệnh nhân có thể cử động, nói, hát theo yêu cầu của các phẫu thuật viên để họ dựa vào đó tính toán việc loại bỏ khối u, không gây tổn thương cho não.

Trong tường thuật về ca phẫu thuật đầu tiên theo phương pháp mổ thức tỉnh, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đã tư duy và hành xử theo quán tính tuyên truyền, qui chiếu mọi thứ vào việc đề cao “quốc”. Đó cũng là lý do khiến thiên hạ bật cười.

***

“Quốc” vốn thiêng liêng. Sự quan tâm và tình yêu dành cho “quốc” tương ứng với mức độ thịnh vượng và bền vững của một thực thể độc lập, có chủ quyền. Tuy nhiên ở Việt Nam, “quốc” chỉ là vỏ, che chắn cho việc biến “quốc” thành “cuốc”.

Hồi tháng 12 năm 2009, vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2009), TP.HCM nhan nhản những pa-nô vẽ một đoàn quân mặc lễ phục, súng đeo trước ngực, mắt nhìn thẳng, sau lưng đoàn quân là bóng vài cao ốc, cần cẩu loại lớn, bên trên đoàn quân là quốc kỳ Việt Nam. Việc dựng những pa-nô ấy trở thành lùm xùm vì người ta phát giác, đoàn quân trong pa-nô là quân… Trung Quốc, được Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM bê nguyên con, ịn vào pa-nô!

Thời điểm đó, trả lời phỏng vấn của RFA, ông Nguyễn Thành Rum, khi ấy là Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM, vặn hỏi phóng viên của đài này rằng có thấy quốc kỳ Việt Nam không? Với ông Rum chừng đó là đủ. Chuyện bê nguyên đoàn quân Trung Quốc, ịn vào các pa-nô tuyên truyền cho ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam , dựng pa-nô ấy trên khắp các góc phố, kể cả các công thự, doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có một vấn đề đáng bận tâm là đã vi phạm… bản quyền (2)!

Với ông Rum, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM, tuy có học vị Tiến sĩ về… Dân tộc học và đã hoàn tất Cao cấp Lý luận chính trị, “quốc” chỉ là “cuốc”. Bởi chỉ có “cuốc”, tháng 3 năm 2014, trước khi nghỉ hưu, ông thản nhiên ký một lúc 21 quyết định bổ nhiệm thuộc cấp tin cẩn làm lãnh đạo kế thừa. Cũng vì xem “quốc” là “cuốc”, chính quyền TP.HCM chỉ… phê bình ông Rum rồi hủy 21 quyết định đó (3).

Do “quốc” chỉ là “cuốc”, ông Rum cũng đã từng đề nghị và sắp đặt việc chuyển nhượng trụ sở của Đoàn Ca nhạc nhẹ TP.HCM – một công thự - cho Công ty Diệp Bạch Dương của bà Dương Thị Bạch Diệp với giá rẻ như bèo. Vụ chuyển nhượng này đã giúp bà Diệp có điều kiện vay thêm ngân hàng cả ngàn tỉ. Trong mắt các viên chức hữu trách, “quốc” cũng chỉ là “cuốc” như nhận thức của ông Rum nên chẳng có ai thèm bận tâm. Mãi tới tuần trước, khi tương quan giữa thế và lực của các nhóm trên sân khấu chính trị Việt Nam đã thay đổi, bà Diệp mới bị tống giam, ông Rum mới bị khởi tố (4).

***

Ông Rum chỉ là ví dụ minh họa mới nhất cho một tầng lớp xem “quốc” như “cuốc” và dùng “quốc” như “cuốc”. Tầng lớp ấy tạo ra một hệ thống truyền thông không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để khai thác sự quan tâm và tình yêu mà người Việt dành cho “quốc” để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “cuốc” nhanh, “cuốc” mạnh”, giữ tư thế “vững chắc” để “cuốc” mãi. Đem quốc ca và nhạc phẩm tuyên truyền “Như có bác Hồ” gắn vào một ca phẫu thuật não rõ ràng là lố bịch. “Quốc” còn bị xem như “cuốc”, bị dùng như “cuốc” thì những lố bịch đến mức quái gở kiểu đó sẽ còn nhiều, còn lâu!

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/suc-khoe/ca-mo-dac-biet-benh-nhan-vua-mo-nao-vua-hat-quoc-ca-20190128213349117.htm

(2) https://anhbasam.wordpress.com/2009/12/23/chi-can-quoc-ky-con-nguyen/

(3) https://plo.vn/thoi-su/phe-binh-ong-nguyen-thanh-rum-vi-ky-21-quyet-dinh-bo-nhiem-truoc-khi-ve-huu-495094.html

(4) https://vnexpress.net/phap-luat/ba-duong-thi-bach-diep-va-nhieu-cuu-lanh-dao-tp-hcm-bi-bat-3874050.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG