Đường dẫn truy cập

Vụ Vũ ‘Nhôm’ dính toàn tình báo


Hai trong số những sĩ quan cao cấp dính líu trong vụ Vũ 'Nhôm'.
Hai trong số những sĩ quan cao cấp dính líu trong vụ Vũ 'Nhôm'.

Cuối cùng, những tình tiết liên quan đến sự nghiệp tình báo của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) cũng được bạch hóa qua phiên xử ba ông tướng và hai ông sĩ quan cấp tá của Bộ Công an Việt Nam, trong đó, hai ông cựu Thứ trưởng Công an cùng bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, một ông tướng khác và hai sĩ quan cấp tá (tính cả Vũ “Nhôm”) cùng bị cáo buộc “ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trừ Trung tướng Bùi Văn Thành, bốn bị cáo còn lại đều là sĩ quan cao cấp của lực lượng tình báo thuộc Bộ Công an Việt Nam: Trần Việt Tân - Thượng tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Phan Hữu Tuấn - Trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo). Nguyễn Hữu Bách - Đại tá, Cục trưởng B61 Tổng cục Tình báo và Thượng tá Phan Văn Anh Vũ – lần thứ ba là bị cáo của một chuỗi vụ án đình đám.

Có thể hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã đủ ê chề vì càng “chỉnh”, càng khiến thiên hạ thấy nên “đốn” ráo, thành ra hệ thống tư pháp Việt Nam đợi tới sát tết âm lịch mới điệu ba ông tướng và hai ông sĩ quan cấp tá tới pháp đình. Những bận bịu thường thấy ở thời điểm “tống cựu, nghinh tân” dễ khiến dân chúng sao nhãng chuyện thời sự, bớt bàn ra, tán vào.

Tuy nhiên dụng tâm trong việc dụng “chiêu” tới đâu thì vẫn không thể che đậy hết sự bầy hầy của lực lượng tình báo thuộc Bộ Công an Việt Nam.

Vũ “Nhôm” thành lập Công ty TNHH Xây dựng 79 vào năm 1997, sau khi ông Nguyễn Bá Thanh trở thành Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Doanh nhân với biệt danh Vũ “Nhôm” nhanh chóng nổi như cồn vì có thể thâu tóm hết công thự này tới công thổ khác tại Đà Nẵng. Nhờ có thể mua công sản với giá rẻ như bèo, Vũ “nhôm” trở thành đại phú, lập ra, góp vốn vào nhiều doanh nghiệp khác, chuyển sang kinh doanh đa ngành,…

Tuy bản chất của tình báo là tìm kiếm, khám phá các bí mật để biết trước, hỗ trợ quốc gia phòng vệ, tấn công sớm nhưng Tổng cục Tình báo của Bộ Công an không nhìn ra Vũ “Nhôm” là “chân gỗ” của một tổ chức tội phạm lũng đoạn cả chính trị - kinh tế - xã hội ở Đà Nẵng. Cơ quan này chỉ thấy Vũ “Nhôm” như một “nhân tài”, có chỗ để dùng giống như “đồng chí” Nguyễn Bá Thanh, khi đó đã là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đang dùng.

Năm 2009, Vũ “Nhôm” được tuyển dụng làm “tình báo viên”. Giống như “đồng chí” Nguyễn Bá Thanh, Tổng cục Tình báo cũng dùng quyền lực, hỗ trợ Vũ “Nhôm” thâu tóm công sản, công thổ. Sự khác biệt chỉ nằm ở phạm vi hoạt động – không còn khu trú ở Đà Nẵng mà mở rộng tới TP.HCM, các doanh nghiệp của doanh nhân Vũ “Nhôm” không còn là những doanh nghiệp bình thường mà trở thành những “công ty bình phong”, các thương vụ trở thành “hoạt động nghiệp vụ” nên đương nhiên được ưu đãi, cũng vì vậy, không ai bận tâm đến các vụ chuyển nhượng công sản, công thổ, gây thiệt hại cho công quỹ tối thiểu là 1.500 tỉ đồng.

Lời khai của cả năm bị cáo trong hai ngày 28 và 29 tháng 1 tại phiên xử họ, minh định sự thật hết sức… bất ổn, rằng: “Tình báo viên” Phan Văn Anh Vũ chỉ có một “nhiệm vụ”: Phát triển qui mô các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của riêng doanh nhân Vũ “Nhôm” đến mức tối đa. Còn Tổng cục Tình báo nói riêng và ngành công an nói chung, tuy đã sử dụng tất cả các “biện pháp nghiệp vụ”, hỗ trợ hết mình cho Vũ “Nhôm” làm giàu nhưng không kèm theo bất kỳ yêu cầu nào và chẳng hề bận tâm đến chuyện Vũ “Nhôm” làm gì, đúng hay sai (1).

Chuyện duy nhất mang dáng dấp “biện pháp nghiệp vụ” mà Vũ “Nhôm” đã thực hiện trong sự nghiệp của một “Tình báo viên” là biết trước, tổ chức chuyển nhượng xong, rút sạch vài ngàn tỉ đồng trong hàng loạt doanh nghiệp, dự án (Công ty Xây dựng 79, Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Nova Bắc Nam 79, Công ty Minh Hưng Phát, Dự án The Sunrise Bay Đà Nẵng), Vũ “Nhôm” chỉ bị “kẹt” 637 tỉ đã góp cho Ngân hàng Đông Á vì ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, rồi ung dung rời khỏi Việt Nam trước khi Bộ Công an thực hiện lệnh… bắt!

***

Có bao nhiêu người tin các ông tướng là Thứ trưởng Công an, Tổng cục trưởng, Tổng cục phó, ông Đại tá Cục trưởng một Cục nghiệp vụ của Tổng cục Tình báo vô tư, ngay tình khi tuyển dụng Vũ “Nhôm” làm “Tình báo viên”, chủ động soạn – ký – phát hành hàng loạt văn bản đóng dấu “Tuyệt mật”, yêu cầu hệ thống công quyền chuyển nhượng công sản, công thổ cho các “công ty bình phong” mà Vũ “Nhôm” là chủ nhưng lại không biết Vũ “Nhôm” làm gì và nay, “thành khẩn” nhận đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?

Ngay cả không có ai tin cũng chẳng sao! Chỉ cần hệ thống tư pháp Việt Nam thấy các ông tướng, ông tá ấy, chỉ phạm hoặc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là… xong! Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hài lòng vì thêm một lần nữa, chứng tỏ với “toàn đảng, toàn quân, toàn dân” đã nỗ lực “tự chỉnh đốn” là… đủ. Vậy có ai tin Vũ “Nhôm” may mắn đến mức được hỗ trợ kiếm hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác mà không phải chia cho ai đồng nào, cũng chẳng cần phải đứng tên giúp ai?

Chẳng ai tin cũng không sao! Hệ thống tư pháp không tìm được bằng chứng tướng Tân, tướng Thành, tướng Tuấn, đại tá Bách đã tham nhũng, nhận hối lộ. Có một cách mà thiên hạ vẫn dùng, đó là kiểm tra, xác định tài sản của những viên chức có dấu hiệu đáng ngờ, buộc phải giải trình về nguồn gốc, giải trình không hợp lý sẽ bị phạt tù, tài sản bị sung công nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không ưng lối này. Tháng 11 vừa rồi, khi bỏ phiếu cho Dự luật Phòng – chống tham nhũng mới, Quốc hội Việt Nam đã gạt bỏ hết những giải pháp như thế.

Quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân, gồm những ai thì ai cũng biết. Đó là các thành viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, các ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo chính quyền các địa phương. Với thành phần như thế làm sao Quốc hội có thể chấp nhận qui phạm pháp luật: Xem “giàu có bất minh” là tội hình sự, ngoài việc tống những viên chức “giàu có bất minh” vào tù, còn phải tịch thu, sung công những tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc, tệ lắm thì cũng buộc phải nộp thuế?

Không có ai bị quy kết tham nhũng, nhận hối lộ trong các vụ án liên quan tới “Tình báo viên” Phan Văn Anh Vũ. Tình báo vốn là lĩnh vực hết sức quan trọng đối với khả năng phòng vệ của một quốc gia, an toàn của một dân tộc nhưng ở Việt Nam, hoạt động tình báo của cả lực lượng công an lẫn quân đội (2) (3) cho thấy một thực trạng vô cùng nguy hiểm. Chẳng lẽ “bảo kê” công an, quân đội để duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của một tổ chức chính trị như đảng CSVN lại quan trọng hơn tương lai của một quốc gia, vận mệnh của một dân tộc?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vu-nhom-loi-dung-cong-ty-binh-phong-thau-tom-dat-cong-2019012813183602.htm

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-scandals-involving-Vietnam-military-intelligence-agency-has-been-solved-part-1-04062010074819.html

(3) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-scandals-involving-Vietnam-military-intelligence-agency-has-been-solved-part-2-Tvan-04062010132506.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG