Người ta ước tính khoảng 27 triệu người bị thất tán hàng năm vì thiên tai. Một báo cáo mới nói vấn đề sẽ trở nên tệ hại hơn với những sự cố nguy hiểm thường xuyên hơn về thời tiết – và các diễn biến trong những vùng dễ bị tai hoạ.
Giám đốc Trung tâm Theo dõi Thất tán ngay trong nước Alfredo Zamudio nói sự thất tán vì các lý do có liên quan đến thiên tai đã tăng gấp 4 lần kể từ thập niên 1970. Nói cách khác, nguy cơ mất nhà vì bão tố, lụt lội, vân vân ngày nay cao gấp 4 lần:
“Đó là tầm vóc của vấn đề - thiên tai gây cảnh thất tán ra sao đối với dân chúng ngày càng nhiều hơn – đó là một vấn đề to lớn cần phải giải quyết.”
Trung tâm đã công bố một phúc trình mới có tên là Rủi ro Thất tán có liên quan đến Thiên tai, đo lường rủi ro và đề cập đến các nguyên do. Bản phúc trình được công bố trước Hội nghị Thế giới lần thứ ba về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai.
Hội nghị được tổ chức ở Sendai, Nhật Bản từ ngày 14 đến ngày 18 tháng này.
Ông Zamudio phác thảo các nguyên do gây ra sự thất tán ngày càng nhiều:
“Các nguyên do chính thúc đẩy diễn biến này là sự tăng trưởng dân số ở những vùng dễ bị thiên tai - tình trạng đô thị hoá nhanh chóng và thiếu qui hoạch – sự phân bổ tài sản không đồng đều. Ngoài rà, cần phải nói rằng ở một số khu vực, sự quản trị yếu kém và sự thất bại của nhà nước.”
Bản phúc trình nói các nước ở châu Á có rủi ro cao nhất bị thất tán vì dân chúng bị phơi bày trước “nhiều rủi ro thiên nhiên.” Những rủi ro này gồm – cái được gọi là “các vụ “đại biến” tác động đến nhiều người. Ông Zamudio nói:
“Các vụ “đại biến” ảnh hưởng đển trên 3 triệu người. Và con số những vụ này ngày càng tăng và tác động đến phần lớn những người ở châu Á.”
Ông Zamudio nói những vụ này bao gồm các cơn bão khổng lồ đã đập vào Philippines trong những năm vừa qua.
“Dân chúng ở một nước như Philippine và các khu vực khác của châu Á – đang sinh sống ở những nơi mà tình trạng đô thị hóa đang gia tăng rất nhanh – nơi họ đang sinh sống trong tình trạng rất nghèo nàn ở những khu vực dễ bị thiên tai, tỷ như lòng sông hay bờ biển, gần với những đợt sóng lớn hơn – những người này sẽ bị tác động rất mạnh và ngày càng thường xuyên hơn, trừ phi có một biện pháp nào đó được tiến hành rất nhanh để giải quyết tình trạng của họ.”
Những đảo quốc nhỏ - như Antigua và Barbuda, Haiti và Cuba, cũng nằm trong những nước có rủi ro cao.
Bản phúc trình còn nói 30 phần trăm những người ở vùng đồng quê miền bắc Kenya, miền nam Ethiopia và miền trung nam Somalia có nguy cơ bị “thất tán vĩnh viễn trước năm 2040”. Bản phúc trình nói, điều đó có thể xảy ra cho dù “sự biến đổi khí hậu không làm cho các vụ hạn hán xảy ra thường xuyên hơn hay nghiêm trọng hơn.” Ông nói tiếp:
“Rủi ro thất tán có 3 yếu tố: nguy cơ, cách thức dân chúng bị tác động và tình trạng dễ bị tổn thương của dân chúng. Vì thế, sự biến đổi khí hậu tác động đến 1 trong các yếu tố đó – tác động đến nguy cơ – đến mức độ thường xuyên của nguy cơ và sức mạnh của nguy cơ.”
Ông Zamudio nói xung đột và bạo động làm gia tăng thêm tính dễ bị tổn hại của các cộng đồng:
“Ta thấy các tình huống, như ở vùng Sahel, nơi dân chúng có thể bị tác động của hạn hán. Họ có thể bị tác động của lụt lội. Và họ cũng có thể bị tác động bởi bạo lực và xung đột. Đây là sự pha trộn độc hại cho tình trạng thất tán vĩnh viễn của một số lớn các cộng đồng.”
Trung tâm Theo dõi Thất tán trong nước đề nghị: Chấp thuận và thực thi các kế hoạch sử dụng đất đai và những quy ước xây dựng vững vàng hơn; và đa dạng hoá và củng cố sinh kế của người nghèo. Cơ quan này nói cộng đồng toàn cầu phải giải quyết rủi ro thiên tai và phát triển bền vững cùng một lúc, kể cả những nỗ lực chấm dứt xung đột.