Cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thượng nghị sĩ hàng đầu của phe Dân chủ trong Thượng viện ngày 19/1 không đưa tới một thỏa thuận có thể thay đổi khả năng chính phủ có thể đóng cửa vào nửa đêm thứ sáu khi thẩm quyền chi tiêu liên bang hết hạn.
“Chúng tôi có một cuộc họp dài, chi tiết,” lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer cho biết sau khi rời Tòa Bạch Ốc. “Chúng tôi đạt một số tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất đồng. Sẽ tiếp tục thảo luận.”
Nhóm Dân chủ của ông Schumer sẵn sàng ngăn cản dự luật cho phép tài trợ ngân quỹ cho chính quyền liên bang sang tới giữa tháng hai. Hạ viện thông qua dự luật này hôm 18/1.
Tại Thượng viện, cần phải có thế đa số 3/5 để dự luật này thẳng tiến. Tuy nhiên, phe Dân chủ đang lưỡng lự chưa muốn ủng hộ để áp lực Quốc hội có hành động về vấn đề di trú và các ưu tiên chi tiêu nhất định.
Phe Cộng hòa tố cáo các đồng nghiệp Dân chủ đặt sai ưu tiên.
Cuối năm ngoái, các đảng viên Dân chủ ủng hộ 3 đợt gia hạn chi tiêu đoản kỳ trong khi các cuộc thương lượng lưỡng đảng tiến tới vấn đề di dân và các ưu tiên chi tiêu của chính phủ.
Phía Dân chủ yêu cầu Quốc hội phải có các cuộc biểu quyết tức thì về gói cải tổ di trú vốn sẽ giúp hàng trăm ngàn di dân không giấy tờ tới Mỹ từ nhỏ khỏi bị trục xuất. Trong khi đó, phe Cộng hòa lưu ý rằng các di dân này không đối mặt với nguy cơ trục xuất trước tháng 3, lúc chương trình trì hoãn hành động trục xuất đối với những di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ (DACA) hết hạn.
Trong tin nhắn trên Twitter hôm 19/1, Tổng thống Trump thừa nhận là cần phải có những lá phiếu của phía Dân chủ để giữ cho chính phủ tiếp tục có quỹ hoạt động, nhưng ông cho rằng yêu sách của phía Dân về vấn đề DACA là một sự ủng hộ đối với tình trạng di dân bất hợp pháp sang Mỹ. Phe Dân chủ bác cáo buộc này.
Văn phòng Chủ tịch Hạ viện, Paul Ryan, ra thông cáo tố cáo phe Dân chủ có ‘ý định khinh suất’ muốn đóng cửa chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Dân chủ ở Hạ viện khẳng định họ thống nhất trong nỗ lực thương lượng với phía Cộng hòa nhằm tránh việc đóng cửa.
Chính phủ Mỹ từng bị đóng cửa trước đây. Lần cuối cùng vào năm 2013 vì bế tắc về chính sách chăm sóc sức khỏe. Lần đó chính phủ bị đóng cửa 16 ngày và hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang phải nghỉ ở nhà.
Những công việc nào phải ngưng lại và những phần việc nào vẫn tiếp tục hoạt động trong giai đoạn chính phủ đóng cửa còn tùy, nhưng các dự án nghiên cứu liên bang phải ngưng trệ, công viên quốc gia đóng cửa, các chương trình dinh dưỡng liên bang bị đình chỉ, đình hoãn xét duyệt đơn xin trợ cấp khuyết tật của cựu chiến binh, như trường hợp của năm 2013.
Kể từ năm 1976, chính phủ Mỹ đã chính thức đóng cửa 18 lần.