Đường dẫn truy cập

Nguồn tin: Việt Nam, Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận đường sắt khi Thủ tướng Lý Cường đến Hà Nội


Hai Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lý Cường từng gặp nhau ở Đại Liên hồi tháng 6
Hai Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lý Cường từng gặp nhau ở Đại Liên hồi tháng 6

Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký các hiệp định mới, trong đó có các thỏa thuận thúc đẩy liên kết đường sắt và mua bán nông sản trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Hà Nội vào cuối tuần này, hai nguồn tin được thông báo về lịch trình chuyến thăm nói với Reuters.

Liên kết đường sắt thông suốt là dấu hiệu của sự tin tưởng ngày càng tăng giữa hai nước và sẽ là cú hích cho giao thương và chuỗi cung ứng, khi ngày càng có nhiều hãng xưởng Trung Quốc chuyển một số hoạt động sản xuất cho xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh có căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Các hiệp định này, mà một hai nguồn tin cho biết cũng bao gồm thỏa thuận về hệ thống thanh toán và thủ tục thông quan, có thể củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng cùng do đảng cộng sản nắm quyền sau một loạt các cuộc gặp cấp cao và thỏa thuận hợp tác được ký kết trong những tháng gần đây.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không phản hồi ngay cho đề nghị đưa ra bình luận của Reuters. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có bình luận ngay lập tức về các thỏa thuận này.

Sự ngờ vực giữa Hà Nội và Bắc Kinh, vốn đã có chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào cuối những năm 1970 và hiện vẫn thường xuyên có tranh chấp ở Biển Đông, từ lâu đã cản trở những tiến triển về kết nối đường sắt, nhưng trong những tháng gần đây, những cân nhắc về kinh tế dường như đã chiếm ưu thế trước những lo ngại về an ninh biên giới.

Cả hai nước đã nhiều lần thể hiện quan tâm đến việc thúc đẩy kết nối đường sắt, nhưng chưa công bố kế hoạch cụ thể và ước tính chi phí để nâng cấp mạng lưới đường sắt.

Tuyến kết nối chính hiện dựa trên đường tàu nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, với thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam. Tuyến đường sắt đó được người Pháp xây dựng trong thời kỳ Việt Nam thuộc Pháp hơn một thế kỷ trước và vẫn đang được sử dụng ở Việt Nam, trong khi Trung Quốc đã thay thế bằng đường sắt tốc độ cao.

Điều đó làm cho các đường ray giữa hai bên không tương thích, buộc hành khách và hàng hóa phải đổi tàu ở biên giới, gây trở ngại cho giao thương đang bùng nổ giữa hai nước vốn lên tới 148,2 tỷ đô la Mỹ trong ba quý đầu năm nay, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 8, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm tới Bắc Kinh, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết các văn kiện lập kế hoạch và nghiên cứu tiền khả thi cho các tuyến đường sắt tiêu chuẩn, sau các thỏa thuận ban đầu được ký kết hồi tháng 12 năm ngoái trong công du của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội.

Vào ngày 13/10, hai nước dự kiến sẽ ký một thỏa thuận mới về các hoạt động khảo sát, một trong hai nguồn tin cho biết nhưng không đưa ra chi tiết.

Cả hai nguồn tin đều từ chối tiết lộ danh tính vì thông tin không được phép công khai.

Ngoài tuyến đường sắt Côn Minh-Hải Phòng, hai nước đang có kế hoạch nâng cấp một tuyến đường sắt khác từ tỉnh Quảng Tây đến Hà Nội, và một tuyến đường mới khả dĩ nối thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông đến Hải Phòng.

Không rõ có bao nhiêu thỏa thuận sẽ được ký kết, nhưng các nguồn tin cho biết ít nhất một chục thỏa thuận đang được thương thảo.

Thủ tướng Lý Cường sẽ gặp lại ông Tô Lâm vào ngày 12/10 cũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính vào sáng 13/10 trước khi tham dự ‘lễ ký kết các văn kiện hợp tác’, theo lịch trình dự kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG