Dù rất hoang mang vì đang sinh sống tại nơi có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới ngoài Trung Quốc, cùng với lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, nhưng người Việt tại Ý vẫn tự tin vào nỗ lực tự cách ly của chính mình và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả của chính phủ.
Bà Tô Nữ Thanh Kiều, một thành viên trong Câu lạc bộ người Việt ở Milan, cho VOA biết về tình hình ngăn dịch bệnh ở vùng Lombardy – tâm dịch ở miền bắc nước Ý với hơn 32.000 ca nhiễm, trong tổng số gần 75.000 ca trên cả nước.
“Những ngày qua ở Milan bị cách ly và phong tỏa vì bệnh dịch ở đây rất là nhiều. Cảnh sát có mặt để ngăn chặn không cho ra bên ngoài, tránh gây lây nhiễm cho những người khác. Những ai bị bệnh thì được đưa vào nhà thương, được chữa trị rất tỉ mĩ.”
Lệnh phong tỏa áp dụng cho vùng Lombardy cùng 14 tỉnh thuộc các vùng phía bắc khác từ ngày 7/3, bao gồm cả thành phố Milan và Venice. Vào ngày 10/3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte mở rộng lệnh hạn chế đi lại và cấm tập trung đông người trên toàn quốc.
Bà Tô Nữ Thanh Kiều, người đã định cư ở Ý hơn 30 năm qua, cho VOA biết thêm:
“Chính phủ Ý thông qua việc tạm dừng tất cả các hoạt động, trừ siêu thị và nhà thuốc, nhưng những ai muốn ra tiệm thuốc tây hoặc siêu thị thì phải có giấy cam kết do tự mình viết ra, ghi rõ địa chỉ của mình và nơi đến để trình cho cảnh sát biết.”
Bà Linh Albertini, quê ở Hà Giang, kinh doanh nhà hàng và trang sức bằng pha lê tại thành phố du lịch Venice thuộc tỉnh Veneto, nói với VOA:
“Hiện tại khu của tôi nhốn nháo hết! Tôi và những người khác không ai dám ra đường. Khi có lệnh cấm không cho khách du lịch ra đảo thủy tinh này thì mới an tâm.
Ở Ý hầu như tỉnh nào cũng có ca nhiễm và con số chết rất là nhiều. Tôi không tưởng tượng được là nhiều như thế. Nhìn tang thương lắm.Bà Linh Albertini
“Ở Ý hầu như tỉnh nào cũng có ca nhiễm và con số chết rất là nhiều. Tôi không tưởng tượng được là nhiều như thế. Nhìn tang thương lắm!”
Tính đến ngày 26/03, Ý là quốc gia có số tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giớ với hơn 7.500 ca, vượt cả Trung Quốc.
Bà Linh, một phụ nữ Việt kết hôn với một doanh nhân người Ý gần 10 năm qua, bày tỏ sợ sự hãi:
“Sợ lắm! Hiện tại tỉnh Veneto có hơn 250 người chết, nhiễm hơn 6.000 người. Mới đầu người ta không sợ, nay chết nhiều quá, kể cả mẹ chồng tôi, cũng sợ lắm.
“Cứ mỗi tuần, tôi mua đồ ăn và nhờ chồng tôi mang đồ ăn cho mẹ chồng. Anh ấy để đồ ăn ở cổng rồi gọi bà xuống lấy, mẹ con không dám dứng gần vì sợ bà bị nhiễm.”
Khi được hỏi công việc kinh doanh ở nhà hàng và shop thủy tinh bị ảnh hưởng như thế nào, bà Linh nói:
“Khi đóng cửa một phát thì không có thu về được một cái gì hết vì khách của tôi toàn là khách du lịch. Ở đây kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu đều phục vụ cho khách du lịch…
“Bây giờ chính phủ Ý đang ra quyết định giảm thuế, lùi thời hạn 18 tháng cho người mua nhà trả góp, và hỗ trợ tiền ăn, tiền điện, nước, gas cho các hộ gia đình.”
Tin tưởng vào các biện pháp ngăn chặn dịch của chính phủ Ý, bà Kiều nói:
“Nhiều người tin rằng nhà nước Ý sẽ hết lòng cứu giúp cho những người bị nhiễm bệnh. Chính phủ Ý cũng rất chu đáo quan tâm đến người Việt cũng như người Ý.
“Một số người cũng có ý định về Việt Nam lánh dịch nhưng sợ gây thêm gánh nặng cho Việt Nam nên họ quyết định ở lại đây để đối phó với cơn dịch này, tự bảo vệ cho chính mình, người thân và cộng đồng.”
Một số người cũng có ý định về Việt Nam lánh dịch nhưng sợ gây thêm gánh nặng cho Việt Nam.Bà Tô Nữ Thanh Kiều
Cộng đồng người Việt tại Ý đã lập một trang Facebook đưa tin cập nhật về tình hình Covid-19, dịch và chia sẻ những thông tin chính thống của chính phủ, tránh gây hoang mang trong cộng đồng.
Hôm 26/3, Đài CNBC dẫn lời Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ghi nhận số ca nhiễm mới trên toàn quốc có chiều hướng giảm đi trong 4 ngày liên tiếp.