Người gốc Việt sống ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ, ‘nghiêm túc tuân thủ’ chỉ thị của chính quyền là hạn chế di chuyển và tránh tiếp xúc để không làm lây lan bệnh dịch, đồng thời chia sẻ thông tin và động viên nhau giữ bình tĩnh để đi qua đại dịch, VOA được cho biết.
Với tổng cộng 30.800 ca nhiễm cho đến sáng thứ Tư ngày 25/3, tức là tăng thêm 5.000 ca chỉ sau một đêm, và ít nhất 285 người chết, bang New York hiện giờ đang được xem là tâm dịch của nước Mỹ.
‘Tự giác ở nhà’
Trao đổi với VOA, anh Vinh Lý, người quản lý và điều phối các y tá chăm sóc cho bệnh nhân gốc Việt ở quận Brooklyn, cho biết các bệnh nhân của anh ‘lo rất nhiều’.
“Họ lo là người được cử đến chăm sóc họ phải đi xe điện ngầm nên không đảm bảo an toàn nên một số người đã quyết định ngừng dịch vụ chăm sóc tại nhà,” anh cho biết.
“Tôi có khuyên họ là những điều dưỡng tại nhà đều có kiến thức cơ bản về vệ sinh và đều rửa tay trước khi vào nhà nhưng một số khách hàng vẫn quyết định ngưng,” anh nói thêm.
Anh cho biết anh đã làm việc ở nhà từ hơn một tuần nay và chỉ tư vấn chăm sóc cho bệnh nhân qua điện thoại nhưng có một số y tá do đặc tính công việc ‘vẫn phải đi thăm bệnh và tiếp xúc với bệnh nhân’.
“Các bệnh nhân gọi đến cho tôi hỏi về triệu chứng bệnh Covid-19. Tôi nói với họ là trong trường hợp khó thở thì gọi 911, còn nếu sốt, thì hỏi bác sỹ riêng để xem có được cho đi xét nghiệm (virus corona) hay không,” anh nói.
“Xét nghiệm giờ này phải được ưu tiên cho những người có nguy cơ cao nhất để khoanh vùng nhanh chóng và không lãng phí tài nguyên,” anh giải thích. “Do đó, bác sỹ sẽ có quyết định đúng đắn hơn.”
“Nếu có triệu chứng thì sẽ được giới thiệu đi xét nghiệm liền, còn nếu chỉ ho, sốt bình thường thì bác sỹ sẽ từ chối,” anh nói thêm và cho biết chi phí xét nghiệm ‘sẽ được bảo hiểm chi trả’ nhưng anh không biết trường hợp không có bảo hiểm thì có được chi trả phí xét nghiệm hay không.
Về tình hình ở New York vào lúc này, anh Vinh Lý nói ‘mọi người tự giác ở nhà và chỉ đi ra ngoài khi có việc gì cần thiết’.
“Dân New York không có xe thì khi đi ra ngoài họ đi cách nhau 6 feet,” tức gần 2 mét, anh cho biết.
“Họ không đi xa, chủ yếu mua nhu yếu phẩm, thực phẩm ở các tiệm nhỏ ở các ngã tư (giá mắc hơn chút đỉnh),” anh nói thêm. “Còn nếu nhà đông muốn tiết kiệm thì họ phải đi đến các chợ lớn. Họ phải dùng phương tiện công cộng, nếu sợ thì chịu khó đi bộ.”
‘Không đến mức như Vũ Hán’
Theo lời anh thì xe buýt ở New York vẫn còn chạy để phục vụ người dân nhưng ‘hành khách phải ngồi cách nhau 6 feet, hạn chế đụng tay, lên xe bằng cửa sau thay vì cửa trước để tránh tiếp xúc tài xế, được miễn tiền vé’.
“Sau khi về nhà thì họ phải rửa tay trong 20 giây hoặc muốn kỹ hơn thì phải thay đồ, tắm rửa.’
Anh Vinh cho biết trong sinh hoạt xã hội, hiện chỉ có cộng đồng gốc Á là có người mang khẩu trang, và rằng ‘có người châu Á còn bị hành hung vì đeo khẩu trang’.
Về lượng lương thực thực phẩm trên thị trường, anh Vinh nói ‘ở New York không thiếu lương thực và rất dễ dàng tìm mua’.
“Chỉ là người dân không dám đi ra ngoài mua do cảm thấy sợ,” anh nói và cho biết bản thân anh và các gia đình Mỹ khác đều có thói quen trữ thực phẩm dùng cho cả tháng.
Vào lúc này, người dân vẫn có thể đặt đồ ăn ở các nhà hàng và được giao tới tận nhà trong khi các nhà hàng phục vụ tại chỗ đã đóng cửa.
Anh mô tả là New York vắng vẻ hơn ngày thường, ‘giống như ở thôn quê vậy’. “Ngoài đường vẫn có xe chạy, có người đi, nhưng giảm đi rất là nhiều,” anh nói.
Về bản thân, anh Vinh cho biết anh ‘không hoảng sợ’ do ‘hiểu các số liệu’ và cho rằng chỉ cần tuân thủ theo các chỉ dẫn vệ sinh thì sẽ giảm thiểu được rủi ro.
Tình hình New York vào lúc này, theo anh Vinh, là ‘rất đáng lo nhưng không đến mức như Vũ Hán’.
“Tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát,” anh nói. Theo lời anh thì sự khan hiếm trang thiết bị y tế ở tiểu bang này đã ‘tạm ổn định’ vì các tiệm làm ăn nhỏ lẻ như làm móng, hớt tóc, tiệm xăm mình… đã hiến tặng các khẩu trang, găng tay ở tiệm họ cho các bệnh viện.
Anh tin rằng với các biện pháp như hiện nay là trú ẩn ở nhà, giữ khoảng cách xã hội khi ra ngoài thì ‘cũng đủ làm cho dịch bệnh thuyên giảm sau từ 2 đến 3 tháng’.
Khi được hỏi New York có nên làm theo Vũ Hán, Trung Quốc, là phong tỏa 100% hay không, anh nói: “Do hệ thống luật pháp nên Mỹ không thể ra lệnh nhốt người dân trong nhà được. Nếu phong tỏa thì phải cần một lực lượng rất lớn cung cấp đồ ăn, chăm sóc nên sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.”
‘Phải nhịn ăn một chút’
Một cư dân New York khác là ông Diệu Lê, vốn làm nghề môi giới bất động sản, cho biết những ngày này hầu như ông phải hủy hết công việc như ‘hẹn đi xem nhà cho khách hàng’.
“Tôi phải tuân hành theo yêu cầu của chính phủ thôi. Nếu phải dừng hoạt động trong vài tuần hay một tháng thì cũng không có gì lớn lao hết, chỉ có phải nhịn ăn một chút thôi,” ông nói và cho biết ông vẫn có tiền tiết kiệm để sống được.
Ông Diệu, 63 tuổi, cho biết trong hai tuần ở nhà, ông cũng bỏ luôn các buổi đi tập thể dục, tránh hội họp với bạn bè và khi có việc cần đi gặp khách hàng thì ông ‘không bắt tay nhau mà chạm cùi chỏ để chào hỏi nhau’.
Ông nói ông chỉ ra đường đi dạo ‘vào sáng sớm khi ít người đi và sau một đêm không khí trong lành hơn, ít virus hơn’ và nếu thấy có người thì ‘giữ khoảng cách 6 feet’ và ‘nếu thấy người đi bên này thì mình tránh và đi qua bên kia đường’.
Tuy nhiên, ông nói ông không đeo khẩu trang mà chỉ đem theo nước rửa tay khô vì ‘khẩu trang chỉ dành cho người bệnh’.
“Đi chợ chỉ khi nào cần thiết lắm mới đi,” ông nói thêm. Ông cho biết ở những siêu thị lớn như Costco ‘có cảnh sát đứng chặn lại bắt chờ vì chỉ có một số lượng người nhất định được phép vào trong’.
Theo lời ông Diệu thì mãi cho đến đầu tháng Ba, ông vẫn có các cuộc họp mặt hội đồng hương Huế để mừng Xuân và ‘hai tuần liên tiếp có các cuộc họp mặt cuối tuần’. Tuy nhiên, sau đó thì ông đã ngừng hết.
“Bây giờ chúng tôi chỉ có nhắn tin, lên Facebook nói chuyện với nhau nếu có việc gì quan trọng, chia sẻ thông tin để mọi người biết chuyện gì đang xảy ra, cách phòng bệnh, gửi cho nhau những lời cầu nguyện,” ông nói. “Chúng tôi cố gắng giữ bình tĩnh.”
‘Người trẻ không lo’
Tuy nhiên, ông cho rằng những người trẻ ‘không lo lắng lắm’. “Tụi nó nghĩ rằng tụi nó có miễn dịch mạnh hơn, nhưng cha mẹ giải thích cho con cái thì tụi nó cũng hiểu và nghe theo,” ông nói và đơn cử trường hợp con trai ông từ khi trường đóng cửa cho về nhà đã ‘nghe theo lời ba mẹ là cố gắng ở nhà’.
“Nó có người em cô cậu chỉ ở cách một lô nhà nhưng không sinh hoạt với nhau nữa,” ông cho biết. “Nếu buồn thì chơi đàn, hát và chơi game online với bạn bè.”
Ông nói gia đình ông lo lắng cho ông bà cụ thân sinh của ông hiện đã hơn 90 tuổi. “Gia đình tôi đã cách ly ba mẹ tôi hơn nửa tháng rồi và sắp xếp người chăm sóc. Chúng tôi đem thực phẩm hay đem cái gì tới cũng để ngoài nhà thôi chứ không dám vào trong nhà. Có cần gì thì chỉ gọi điện thoại trao đổi với nhau,” ông kể.
Khác với sự lạc quan của ông Vinh, ông Diệu cho biết ông lo là ‘New York có thể thành Vũ Hán thứ hai’ vì vợ của ông làm việc ở bệnh viện nên nắm tình hình.
Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng ‘chính quyền Mỹ sẽ cố gắng làm tốt đẹp hơn chứ không như Vũ Hán’ và dẫn chứng việc thống đốc tiểu bang và thị trường thành phố đều lên truyền hình cập nhật thông tin hàng ngày và chính quyền dự tính sẽ cấp ngân quỹ cho mỗi người lớn để giúp người dân vượt qua trận dịch.
Ông thừa nhận rằng Mỹ khó lòng áp dụng những biện pháp quyết liệt như Vũ Hán ‘vì là xứ tự do’. “Mặc dù có lệnh cấm nhưng vẫn có người tụ tập đi chơi,” ông than phiền.
Khi được hỏi về khả năng cầm cự khi phải dừng công việc làm ăn, ông nói: “Đối với tôi vài tháng nữa thì không sao. Nhưng nếu sau đó mà chịu đựng không nổi thì phải xin chính quyền giúp đỡ.”