Nhiều tàu hải quân Bangladesh đã đưa khoảng 1.600 người tị nạn Rohingya tới một hòn đảo xa xôi trong Vịnh Bengal hôm 4/12, bất chấp phản đối của họ và các nhóm bênh vực nhân quyền cho rằng một số người đã bị cưỡng ép.
Bangladesh nói họ chỉ chuyển những người muốn ra đảo, và làm như vậy sẽ cải thiện tình trạng quá tải kinh niên trong các trại, nơi sinh sống của hơn 1 triệu người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo đã chạy trốn khỏi Myanmar.
Nhưng những người tị nạn và nhân viên các tổ chức nhân đạo nói rằng một số người Rohingya đã bị ép buộc phải ra đảo Bhasan Char, một hòn đảo chỉ nhô lên khỏi mặt biển 20 năm về trước.
Ngồi san sát trên những chiếc ghế nhựa trên boong các tàu hải quân, người tị nạn khởi hành từ cảng Chittagong ở phía nam Bangladesh. Một số người mang theo ô dù để che nắng trong hành trình dài vài tiếng đồng hồ.
Hai người tị nạn trên tàu nói với Reuters qua điện thoại rằng họ sẵn sàng tham gia cuộc du hành và rất vui được ra khỏi trại.
“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ tìm thấy một chút thoải mái và bình yên ở đây,” một người đàn ông 46 tuổi nói sau khi đến đảo. "Có quá nhiều đau khổ và xung đột trong các trại."
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết họ đã lập kế hoạch để di dời 100.000 người Rohingya vì tình trạng "quá tải nghiêm trọng" và "tình hình an ninh xấu đi" trong các trại.
Bộ Ngoại giao cho biết đảo Bhasan Char đã được trang bị “cơ sở hạ tầng thích hợp và cơ sở vật chất được cải thiện” và họ hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ sớm ra đảo làm việc, cùng với 22 nhóm viện trợ đã đồng ý ra tay giúp đỡ.
Liên Hiệp Quốc nói họ chỉ nhận được "thông tin hạn chế" về động thái này.
Tại một cuộc họp ở Geneva, Cơ quan giúp người tị nạn của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bangladesh hãy giữ cam kết rằng việc dời chuyển người tị nạn phải được thực hiện trên căn bản tự nguyện, và cho biết đã nghe báo cáo về các trường hợp người tị nạn bị áp lực phải ra đi.
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Babar Baloch nói UNHCR sẵn sàng kiểm tra các điều kiện trên đảo để đảm bảo đây là một “nơi an toàn và bền vững cho người tị nạn sinh sống”.
Trước khi khởi hành, hai người Rohingya nói với Reuters rằng tên của họ đã được ghi vào danh sách do các lãnh đạo địa phương được chính phủ bổ nhiệm thu thập mà không có sự đồng ý của họ